Ông Stoltenberg: Tư cách thành viên NATO là chìa khóa để ngăn các cuộc tấn công về sau của Nga ở Ukraine
‘Khi giao tranh kết thúc, chúng ta cần bảo đảm rằng Ukraine có khả năng ngăn chặn sự xâm lược về sau từ phía Nga,’ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
HOA THỊNH ĐỐN—Hôm 10/07, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc bảo đảm cho Ukraine có thể gia nhập liên minh với tư cách thành viên chính thức là cách tốt nhất để ngăn chặn sự xâm lược về sau của Nga sau 10 năm xảy ra các cuộc xung đột ở Đông Âu.
Ông Stoltenberg nói: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng khi giao tranh kết thúc, chúng ta cần bảo đảm rằng Ukraine có khả năng ngăn chặn sự xâm lược về sau từ phía Nga và họ cần những sự bảo đảm về an ninh.”
“Tôi tin rằng một cách bảo đảm sự xâm lược như vậy phải dừng lại là thực sự trở thành thành viên NATO.”
Ông Stoltenberg đưa ra nhận xét của mình tại Hội nghị thượng đỉnh NATO thường niên lần thứ 75 ở Hoa Thịnh Đốn, trong đó các đồng minh sẽ công bố một loạt các gói [viện trợ], được xem là một “cầu nối dẫn đến tư cách thành viên,” để trợ giúp Ukraine.
Trong số các sáng kiến được công bố có cả việc thành lập một bộ chỉ huy quân sự mới ở Đức sẽ huấn luyện và trang bị cho các lực lượng của Ukraine, với mục đích thiết lập khả năng giao tiếp của quốc gia này với các lực lượng của NATO.
Ông Stoltenberg cho biết bộ chỉ huy này sẽ gồm khoảng 700 nhân viên, và sẽ đảm nhận trách nhiệm về một số vấn đề an ninh do Hoa Kỳ cung cấp cho đến nay.
Ông nói rằng “khuôn khổ được thể chế hóa hơn” để phát triển lực lượng như vậy sẽ “tạo thuận tiện và bảo đảm việc huấn luyện cũng như cung cấp trợ giúp an ninh cho Ukraine.”
Ông nói thêm rằng việc xây dựng khả năng giao tiếp giữa các lực lượng của NATO và của Ukraine cũng như giúp Ukraine gia nhập liên minh này sẽ là cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc xung đột vốn đã gây ra tai ương cho khu vực này trong một thập niên, bắt đầu từ Crimea năm 2014 trước khi lan sang khu vực Donbas và cuối cùng đỉnh điểm là cuộc xâm lược toàn diện năm 2022.
“Vì vậy, chúng ta đã chứng kiến một kiểu mẫu mà theo đó họ đã chiếm đi những mảnh đất của Ukraine,” ông Stoltenberg nói. “Nếu bây giờ có một lệnh ngừng bắn mới, một thỏa thuận mới, thì chúng ta cần chắc chắn 100% rằng cuộc xung đột sẽ dừng ở đó, bất kể ranh giới đó ở đâu.”
“Nhiệm vụ cấp bách nhất, quan trọng nhất tại hội nghị thượng đỉnh này, sẽ là mọi việc chúng ta sẽ làm và quyết định về [vấn đề] Ukraine.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO là mục một tiêu chiến tranh chủ yếu, và tháng trước nói rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine đồng ý không bao giờ tham gia liên minh này.
Ông Putin cũng yêu cầu Ukraine nhượng lại một vài tỉnh phía đông mà các lực lượng của Nga không giành được quyền kiểm soát.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng lời đề nghị này là một âm mưu nhằm lừa Ukraine nhượng lại lãnh thổ mà nước này vẫn có quân đội bảo vệ.
Ông Zelenskyy nói: “Điều ông Putin đòi hỏi là trao cho họ một phần lãnh thổ của chúng tôi, cả những vùng bị chiếm đóng lẫn không bị chiếm đóng, khi nói về một vài khu vực của đất nước chúng tôi.”
Cơ hội được nhận vào NATO của Ukraine sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được dàn xếp là mong manh, vì tư cách thành viên phụ thuộc vào sự đồng ý nhất loạt của tất cả 32 quốc gia thành viên trong liên minh này, trong đó một số quốc gia không sẵn sàng thực hiện những hành động mà họ cho rằng sẽ chọc giận Nga.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine coi tư cách thành viên NATO là một mục tiêu then chốt. Tương tự như vậy, nhiều nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên cực đông của NATO lo ngại sự xâm lược của Nga sẽ lan rộng hơn nữa nếu không có sự đầu tư nghiêm túc vào khả năng răn đe tập thể.
Hôm 09/07, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết: “Khi phản ứng với mối đe dọa từ Nga, điều đầu tiên chúng ta phải hiểu là chúng ta không thể thay đổi địa lý.”
Một thách thức khác là việc giữ cho thành viên lớn nhất của NATO, Hoa Kỳ, đầu tư vào an ninh toàn cầu.
Ông Stoltenberg nói rằng đó là do công chúng Hoa Kỳ có cảm giác đang “đơn độc ở Ukraine,” mặc dù các đồng minh Âu Châu đóng góp hơn 50% trợ giúp an ninh của NATO cho quốc gia đang bị chiến tranh vây hãm này.
“Khoảng 50% trợ giúp quân sự được cung cấp bởi các đồng minh Âu Châu và Canada,” ông cho biết. “Nếu quý vị thêm cả trợ giúp kinh tế, kinh tế vĩ mô, trợ giúp nhân đạo, thì các đồng minh Âu Châu đang cung cấp nhiều hơn Hoa Kỳ.”
Ông Stoltenberg kêu gọi các thành viên NATO tiếp tục ủng hộ Ukraine và phản đối sự xâm lược của Nga nói chung, cho thấy đây là một phần quan trọng trong cuộc tranh đấu toàn cầu chống lại chủ nghĩa độc đoán.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times