Nạn nhân vaccine Trung Quốc dự định nộp danh sách các nạn nhân cho ông Tập tại lễ khai mạc Asian Games
Trước thềm Á vận hội (Đại hội thể thao châu Á) 2023 sẽ diễn ra vào ngày 23/09 tại Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu, một số nạn nhân của vaccine Trung Quốc dự định sẽ nộp danh sách gồm 2,707 nạn nhân vaccine cho ông Tập Cận Bình tại lễ khai mạc của sự kiện lớn này. Họ kêu gọi: “vaccine [của ĐCSTQ] gây tàn tật, phải giải quyết thích đáng!”
Hôm 11/09, trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), trương mục “Hoa Tú Trân, mẹ của Đàm Hoa, nạn nhân vaccine tại Thượng Hải” (上海疫苗受害者谭华母亲华秀珍) đã đăng tải một danh sách các nạn nhân và kêu gọi sự ủng hộ từ công chúng. Người khởi xướng phong trào này là bà Hoa Tú Trân (Hua Xiuzhen) đến từ Ninh Ba, Chiết Giang, cùng con gái bà là cô Đàm Hoa (Tan Hua) chịu trách nhiệm điều phối chung, cô Lưu Đào (Liu Tao) đến từ Hồ Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch và cô Lương Tiểu Cường (Liang Xiaoqiang) đến từ Giang Tây phụ trách văn án, v.v.
Hôm 12/09, phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã có buổi phỏng vấn với bà Hoa Tú Trân và cô Lương Tiểu Cường.
Bé trai 9 tuổi tử vong sau 50 ngày chích liều vaccine Trung Quốc thứ hai ngừa COVID-19
Cô Lương Tiểu Cường sống ở huyện Thái Hòa, thành phố Cát An, tỉnh Giang Tây, nói với phóng viên Epoch Times rằng, con trai cô, bé La Triết Hàn (Luo Zhehan) học lớp bốn trường Thực nghiệm Long Giang huyện Thái Hà, đã tử vong.
Ngày 02/11/2021, bé được chích mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, mũi thứ hai được chích vào ngày 03/01/2022. Đến ngày 22/01/2022, bé được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính. Sau đó một tháng, tức ngày 21/02/2022, bé đã không may qua đời.
“Chúng tôi yêu cầu [cơ quan] quốc gia về chích phòng phải đứng ra chịu trách nhiệm,” cô Lương nói. “Tháng Mười Hai năm ngoái, chúng tôi cùng các nạn nhân khác đã đến Ủy ban Y tế Quốc gia để khiếu nại. Mạng sống của con người là trên hết, họ phải chịu trách nhiệm đến cùng. Tuy nhiên sau đó, chúng tôi đã bị bắt giữ.”
Cô Lương cho hay, sau khi họ bị đưa đến Đồn cảnh sát đường Triển Lãm, Bắc Kinh, họ đã bị nhốt trên một chiếc xe buýt. Mãi đến hai, ba giờ sáng, họ mới được đưa về trại tạm giam địa phương nơi mình sinh sống. “Tôi bị giam giữ trong 50 ngày, sau đó được tại ngoại chờ xét xử trong một năm,” cô cho biết.
Cô hồi tưởng lại, vào tối ngày 01/11/2021, giáo viên chủ nhiệm của con trai cô gửi tin nhắn trong nhóm yêu cầu phụ huynh đưa con đến bệnh viện gần nhà để chích vaccine ngừa COVID-19. Chính quyền địa phương quy định đến ngày 07/11/2021, tất cả trẻ em từ 3 đến 11 tuổi đều phải được chích ngừa.
Ngày 02/11/2021, con trai cô Lương được chích mũi đầu tiên tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em huyện Thái Hà. Đến ngày 03/01/2022, con cô được chích mũi thứ hai tại Bệnh viện Nhân dân huyện Thái Hà. Bảy ngày sau mũi chích thứ hai, tức là ngày 10/01/2021, con trai cô kêu đau chân. Sau đó, cô quyết định sẽ đưa con đến bệnh viện kiểm tra sau khi con trai làm xong bài kiểm tra cuối kỳ.
Đến ngày 18/01/2021, họ đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Thái Hà. Ngày 21/01/2021, họ đến Bệnh viện Sơn Cốc Thái Hà để xét nghiệm máu định kỳ và nhận kết quả chẩn đoán bất thường. Ngay sau đó, gia đình cô vội vã đến Thượng Hải trong đêm. Sáng ngày hôm sau, Bệnh viện Nhi Thượng Hải chẩn đoán cháu bé mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính. Sau một tháng điều trị, cậu con trai La Triết Hàn của cô đã qua đời vào ngày 21/02/2021 khi mới chỉ 9 tuổi.
Cô Lương chia sẻ: “Sau hơn ba tháng kể từ khi cháu qua đời, chúng tôi đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương để yêu cầu điều tra về triệu chứng bất thường sau khi chích vaccine. Đến tận tháng Bảy, mới có giấy chẩn đoán bệnh điều tra về vụ việc, nhận định những triệu chứng này là trùng hợp ngẫu nhiên, không liên quan đến vaccine. Tôi đã tìm đến họ, yêu cầu họ cung cấp bằng chứng cho rằng đây là ‘phản ứng ngẫu nhiên.” Họ liên tục tranh luận, nói rằng không liên quan đến vaccine ngừa COVID-19. Họ nói rằng theo nhận định của Ủy ban Cơ chế Chống dịch Liên ngành Quốc gia, vaccine không gây ra bệnh bạch cầu.”
Trong một bài viết mà cô Lương đăng tải trên mạng Internet hồi tháng Tám năm ngoái tiết lộ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã đưa cho cô “Giấy chẩn đoán điều tra về phản ứng bất thường sau khi chích ngừa.” Tuy nhiên, giấy này lại không có chữ ký của chuyên gia y tế, cũng không cho biết chẩn đoán được thực hiện khi nào, ở đâu hoặc do ai thực hiện.”
Gặp biến chứng sau khi chích ngừa, nhưng lại bị chính quyền ĐCSTQ bức hại vì đứng ra bảo vệ quyền lợi
Hôm 12/09, bà Hoa Tú Trân, một giáo viên 76 tuổi của trường Đại học Ninh Ba đã về hưu, chia sẻ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, con gái bà, cô Đàm Hoa đã bị cảnh sát đưa đến Thượng Hải hôm 11/09. Hiện bà không biết cô đang bị giam giữ ở đâu, vì điện thoại của cô đã mất liên lạc.
Bà nói: “Chiều tối qua, khi Đàm Hoa đang ăn tối ở Ninh Ba thì bị cảnh sát địa phương nhận ra và thông báo cho cảnh sát Thượng Hải. Ngay buổi tối hôm đó, cháu đã bị đưa đến Thượng Hải. Hiện vẫn chưa có thông tin gì, điện thoại không gọi được, cũng không biết cháu đang bị bắt ở đâu. Đàm Hoa về Ninh Ba giúp tôi lấy lại tiền lương hưu, và đến Đại học Ninh Ba [để vận động phong trào khiếu nại]. Tuy nhiên, con bé chưa gặp ai, mới chỉ đứng ở cổng quay video và chưa có hành đồng cụ thể khác.”
Hôm 11/09, trên nền tảng mạng xã hội X, trương mục “Hoa Tú Trân, mẹ của Đàm Hoa, nạn nhân vaccine tại Thượng Hải” đã đăng tải một đoạn video về cô Đàm Hoa ở Ninh Ba.
Trong bài đăng đề cập: “Nhân dịp Đại hội thể thao châu Á, con gái tôi sẽ tổ chức ‘Hội nghị khiếu nại lương hưu cho giáo viên đã về hưu Hoa Tú Trân, trường Đại Học Ninh Ba’ tại Trung tâm Cánh buồm Tượng Sơn cạnh Trung tâm Bóng chuyền bãi biển của Đại học Ninh Ba. Để chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy rằng, Đại học Ninh Ba đang phạm tội âm thầm gián tiếp sát hại người khác.”
亚运会之际,我女儿在宁波大学,象山亚帆中心,半边山沙滩排球中心开设“宁波大学剥夺退休教师华秀珍养老金控诉大会”,向全球友人证明宁大杀人于无形的犯罪事实! pic.twitter.com/wvMJRnMGiV
— 上海疫苗受害者谭华母亲华秀珍 (@tanhua1980) September 11, 2023
Theo lời kể của bà Hoa Tú Trân, sáng ngày 29/11/2014, khi cô Đàm Hoa đang theo học tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải thì được chích vaccine ngừa bệnh dại. Đến tối, cô bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt. Lúc đó cô đang chuẩn bị thi Tiến sĩ, mũi chích khiến đầu óc cô trống rỗng, trí nhớ và thị lực giảm sút, cô lên cơn co giật toàn thân, nhiều lần ngã khỏi giường. Sau đó, cô được chẩn đoán mắc chứng động kinh và thiếu máu.
Tuy nhiên, Cục Y tế quận Dương Phổ, Thượng Hải, không thừa nhận triệu chứng thiếu máu và động kinh của cô Đàm Hoa là do vaccine ngừa bệnh dại gây ra.
Chín năm sau liều vaccine này, cô vẫn đang không ngừng bảo vệ quyền lợi của mình.
Mẹ cô cho biết: “Hiện tại Đàm Hoa vẫn chưa nhận được tiền đền bù y tế. Cô từng theo học hai chuyên ngành tại Đại học Phúc Đán, nhưng sức khỏe cô suy sụp sau khi chích vaccine ngừa bệnh dại. Hiện tại cô không có công việc, phải sống dựa vào tiền lương hưu của tôi để khám bệnh, sinh hoạt, nhưng số tiền này của tôi đã bị cắt (bắt đầu từ năm 2019, Đại học Ninh Ba và Cục An sinh xã hội Ninh Ba đã ngừng trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm cho tôi). Hai mẹ con chúng tôi không có nguồn thu nhập.”
Mặc dù bà Hoa Tú Trân nhiều lần đến Bắc Kinh khiếu nại nhưng đều bị chính quyền từ chối thụ lý, hơn nữa còn cưỡng chế đưa bà về Thượng Hải. Bà từng bị giam giữ hai lần và bị kết án một lần (trong một năm hai tháng).
Bà nói: “Sau khi được thả, tôi nằm trên giường mỗi ngày với cả năm đốt sống thắt lưng phồng lên và các khớp sưng tấy. Tôi không thể đi lại được.”
Trong khi đó, cô Đàm Hoa cũng bị bắt hai lần. Bà Hoa Tú Trân nói: “Tôi bị kết án vào năm 2019, đến ngày 25/04/2020 thì được ra tù. Tôi được thả thì Đàm Hoa lại bị bắt. Tôi bị trại tạm giam Dương Phố kết án, Đàm Hoa đến Cục Tín phòng Quốc gia ở Bắc Kinh khiếu nại và cũng bị bắt đưa về. Ngày 27/06/2020, Đàm Hoa bị đưa đến trại tạm giam và bị giam giữ trong nửa năm, còn phải làm giám định tâm thần. Họ làm vậy nhằm mục đích đàn áp trường kỳ Đàm Hoa. Thường thì trại tạm giam chỉ có thể giam giữ trong 30 ngày, nhưng Đàm Hoa lại bị giam giữ ở đó nửa năm.”
Bà Hoa Tú Trân cho biết, sau khi con gái bà bị giam giữ, cảnh sát đã dùng dây trói cô vào thành giường, không cho cô tắm trong nửa tháng khiến cô không thể tự đi vệ sinh, phải nhờ người khác giúp. Ban đêm, cô bị trói chân tay khi ngủ.