Mỹ ký thành Đạo luật Đại sứ quán Quần đảo Thái Bình Dương để thúc đẩy ảnh hưởng trong khu vực
Đạo luật Đại sứ quán Quần đảo Thái Bình Dương đã được đưa vào như một sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Tài khóa 2023 và hiện đã trở thành luật, thúc đẩy sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ ở khu vực đảo Thái Bình Dương nơi Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình.
Đạo luật này nhằm mục đích thành lập ba đại sứ quán Hoa Kỳ tại các quốc đảo Thái Bình Dương là Kiribati, Tonga, và Vanuatu. Dự luật dành 40.2 triệu USD cho năm tài khóa 2023 để xây dựng cũng như bảo trì các đại sứ quán. Khoản bổ sung 3 triệu USD đã được phê chuẩn làm chi phí bảo trì cho năm tài khóa 2024. Đạo luật này quy định rằng các đại sứ quán phải được thành lập trong vòng hai năm kể từ khi luật này được ban hành.
Dự luật này đã được một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng giới thiệu tại Hạ viện và Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Jon Ossoff (Dân Chủ-Georgia) và Todd Young (Cộng Hòa-Indiana) là những người giới thiệu dự luật tại Thượng viện. Các Thượng nghị sĩ Mazie Hirono (Dân Chủ-Hawaii), Brian Schatz (Dân Chủ-Hawaii) và Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) đã ký ủng hộ.
Dân biểu Andy Barr (Cộng Hòa-Kentucky) và Dân biểu Ed Case (Dân Chủ-Hawaii) đã giới thiệu một dự luật đồng hành tại Hạ viện.
“Khi Trung Quốc Cộng sản để mắt đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì điều tối quan trọng là Hoa Kỳ phải củng cố liên kết đối tác chiến lược của chúng ta và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ trong khu vực đó,” bà Blackburn cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 29/12. “Vốn nhằm thiết lập thêm sự hiện diện ngoại giao của Hoa Kỳ tại Quần đảo Thái Bình Dương, dự luật này là một thành phần quan trọng để làm sâu sắc thêm các giá trị cùng chia sẻ của chúng ta về tự do và dân chủ, đồng thời bảo đảm an ninh liên tục cho Hoa Kỳ và các đối tác của chúng ta.”
Trong chuyến thăm một số quốc đảo ở Thái Bình Dương hồi đầu năm nay, bà Blackburn đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo địa phương về tầm quan trọng của việc tăng cường sự hiện diện ngoại giao của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Tầm quan trọng của Quần đảo Thái Bình Dương
Khu vực đảo Thái Bình Dương chiếm 15% diện tích bề mặt thế giới và kiểm soát các tuyến đường quan trọng, bao gồm các tuyến tiếp tế cho các lực lượng được khai triển ở tiền phương của Hoa Kỳ tại Đông Á, các tuyến đường biển đến Tây bán cầu, cũng như hoạt động ngư nghiệp mang lại giá trị kinh tế quan trọng.
Khu vực đảo Thái Bình Dương là nơi có 11 vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ, tiểu bang Hawaii, Căn cứ Không quân Andersen, và Căn cứ Hải quân Guam.
Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực này thông qua các thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon và phát triển cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo dự luật nói trên, Hoa Thịnh Đốn cần duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Vanuatu, Tonga, và Kiribati “để bảo đảm an ninh và hoạt động thực tế cho những nỗ lực của chúng ta ở những quốc gia đó nhằm làm sâu sắc thêm mối bang giao, bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, và theo đuổi lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Một báo cáo hôm 20/09 của Viện Hòa bình Hoa Kỳ nhấn mạnh mặc dù các quan chức Trung Quốc chưa tuyên bố công khai rằng quần đảo Thái Bình Dương là khu vực quan tâm chính của Bắc Kinh, nhưng khu vực đó rất quan trọng đối với quốc gia Á Châu này.
Khu vực này mang đến cơ hội “đầu tư thấp, lợi ích cao” để chính quyền Trung Quốc giành được những chiến thắng mang tính chiến lược, chiến thuật, và mang tính biểu tượng khi nước này thúc đẩy nghị trình toàn cầu của mình.
Các quốc gia Thái Bình Dương đã nhận được mức độ hợp tác thấp từ các cường quốc như Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, và Nhật Bản, điều mà một số người xem là một sự sao nhãng chiến lược.
Điều này đã “tạo ra một khoảng trống địa chiến lược mà Trung Quốc đã tìm cách lấp đầy bằng cách sử dụng chính sách mà họ đã nhuần nhuyễn ở những nơi khác trên thế giới: hỗ trợ ngoại quốc, đầu tư và cho vay khu vực tư nhân, ngoại giao cấp cao và bền vững, và trong một số trường hợp là các công cụ thu hút giới tinh anh như tham nhũng và cưỡng chế kinh tế,” báo cáo nêu rõ.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times