Mỹ-Ấn cam kết củng cố bang giao bất chấp căng thẳng về thỏa thuận vũ khí với Pakistan
Hôm 27/09, các quan chức hàng đầu của Mỹ và Ấn Độ đã cam kết tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế trong bối cảnh Ấn Độ phản đối kịch liệt thương vụ bán F-16 trị giá 450 triệu USD của Hoa Thịnh Đốn với Pakistan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại Hoa Thịnh Đốn, một ngày sau cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Pakistan.
Ông Blinken cho biết liên kết đối tác Mỹ-Ấn là “một trong những liên kết có ảnh hưởng nhất trên thế giới” và cả hai quốc gia đã đạt được “tiến bộ thực sự” trong việc nâng tầm mối bang giao này thông qua các tổ chức như Bộ Tứ và G-20 trong những năm qua.
Important discussion today with Indian External Affairs Minister @DrSJaishankar about #USIndia's continued collaboration on global health challenges, climate change and clean energy, food security, and the implications of Russia’s war in Ukraine. #USIndiaAt75 pic.twitter.com/aZcMn9oXrP
— Secretary Antony Blinken (@SecBlinken) September 27, 2022
Ông Blinken cũng biện minh cho quyết định cung cấp cho Pakistan gói bảo trì phi đội phản lực cơ F-16 của Hoa Thịnh Đốn, nói rằng đó là để bảo trì hạm đội hiện có của Pakistan và để giúp nước này chống lại chủ nghĩa khủng bố.
“Đây không phải là phi cơ mới, hệ thống mới, vũ khí mới. Gói này duy trì những gì họ đang sở hữu,” ông Blinken nói trong một cuộc họp báo chung với ông Jaishankar hôm thứ Ba (27/09).
Ông nói thêm, “Chương trình của Pakistan tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa khủng bố xuất phát từ Pakistan hoặc từ khu vực. Không ai có lợi khi những mối đe dọa đó có thể tiếp tục mà không bị trừng phạt, và vì vậy năng lực mà Pakistan có được này có thể mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta trong việc ứng phó với chủ nghĩa khủng bố.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đó đã phê chuẩn một thương vụ tiềm năng để bán các thiết bị bảo trì và thiết bị liên quan cho Pakistan trong một thỏa thuận trị giá 450 triệu USD. Nhưng Ấn Độ lo ngại rằng hạm đội này có thể được sử dụng để chống lại họ.
Ấn Độ lên án thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Pakistan
Trong khi ông Jaishankar không đáp lại nhận xét của ông Blinken trong cuộc họp báo, ông đã chỉ trích quyết định của chính phủ Tổng thống Biden trong cuộc viếng thăm cộng đồng Ấn Độ ở New York hôm 25/09.
“Cho những ai nói rằng tôi đang làm điều này để chống khủng bố, khi mà quý vị đang nói về một phi cơ có khả năng như F-16, quý vị sẽ không lừa được bất kỳ ai bằng cách nói đó,” ông nói, theo India Today.
Ông Jaishankar cũng đặt câu hỏi về mối bang giao Mỹ-Pakistan, nói rằng nó không phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ.
“Thành thật mà nói, đó là một mối bang giao không có lợi cho Pakistan cũng như không có lợi cho Mỹ. Vì vậy, ngày nay Hoa Kỳ cần phải thực sự suy ngẫm về giá trị của mối bang giao này và những gì họ nhận được từ nó,” ông nói thêm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng bang giao của Hoa Thịnh Đốn với Pakistan và Ấn Độ “là độc lập với nhau.”
“Đây đều là những đối tác của chúng tôi với những điểm trọng tâm khác nhau, và chúng tôi coi cả hai như những đối tác vì chúng tôi có những giá trị chung trong nhiều trường hợp, chúng tôi có những lợi ích chung trong nhiều trường hợp,” ông nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật (25/09).
Pakistan, quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, đã phụ thuộc rất nhiều vào các phản lực cơ do Trung Quốc sản xuất, nhưng hạm đội F-16 của họ vẫn là hiệu quả và tân tiến nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times