Lực lượng đặc nhiệm COVID: Ấn Độ nên tuyên bố chấm dứt đại dịch, công nhận khả năng miễn dịch tự nhiên
Một nhóm đặc nhiệm bao gồm các chuyên gia y tế hàng đầu của Ấn Độ đang tư vấn cho chính phủ Ấn Độ chỉ khuyến nghị sử dụng vaccine COVID cho một số nhóm dân số có nguy cơ cao, nói rằng lây nhiễm tự nhiên mang lại khả năng bảo vệ miễn dịch vượt trội hơn bất kỳ loại vaccine hiện có nào.
Những chuyên gia này cho biết: “Có một số bằng chứng cho thấy lây nhiễm tự nhiên thậm chí có thể mang lại khả năng miễn dịch trọn đời. Không có bằng chứng nào nói điều ngược lại, tức là duy chỉ có việc chích ngừa mang lại khả năng miễn dịch tốt hơn lây nhiễm tự nhiên.”
Lực lượng đặc nhiệm liên kết này, được thành lập vào năm 2020, bao gồm 20 chuyên gia y tế đến từ ba tổ chức y tế hàng đầu quốc gia: Hiệp hội Y tế Cộng đồng Ấn Độ, Hiệp hội Y học Dự phòng và Xã hội Ấn Độ, và Hiệp hội các Nhà Dịch tễ học Ấn Độ. Công việc của nhóm là tư vấn cho New Delhi về ứng phó với đại dịch.
Trong báo cáo mới nhất được công bố hồi tuần trước, lực lượng đặc nhiệm liên kết này cho biết COVID-19 ở Ấn Độ không còn là đại dịch mà là bệnh địa phương, nhờ sự kết hợp giữa khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi lây nhiễm sớm và phạm vi chủng ngừa mạnh mẽ.
“Đã đến lúc tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID, trấn an dân chúng nói chung, đồng thời, thiết lập cơ chế ngăn chặn việc lạm dụng COVID và bất kỳ căn bệnh tương tự nào khác trong tương lai của ngành dược phẩm và vaccine móc ngoặc với những người tự xưng là chuyên gia y tế cộng đồng và các khoa học gia,” các chuyên gia viết trong báo cáo.
Khi nói đến vaccine, các chuyên gia cho biết có vẻ như những người đã khỏi bệnh do nhiễm COVID tự nhiên sẽ không nhận được bất kỳ “lợi ích bổ sung” nào từ hai mũi vaccine chính, một liều nhắc lại, hay bất kỳ liều bổ sung nào.
“Việc chích ngừa nên được khuyến nghị cho những người mắc đồng thời hai hoặc nhiều bệnh hoặc chưa bao giờ bị COVID-19,” họ lập luận, đồng thời nói thêm rằng việc sử dụng biện pháp chích ngừa chống virus “không cần thiết” và “không hợp lý” sẽ “chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý khỏi các nhiệm vụ cấp bách khác của y tế công cộng.”
Các chuyên gia cho biết thay vì thúc đẩy chích ngừa cho những người không nhất thiết phải chích ngừa, thì lượng tài chính và nhân lực dành cho việc đó có thể được sử dụng tốt hơn để củng cố các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng. “Điều này sẽ giúp đối phó không chỉ với đại dịch hiện tại mà còn hữu ích cho bất kỳ dịch bệnh nào khác trong tương lai.”
Tháng 05/2022, Tối cao Pháp viện Ấn Độ, cơ quan tư pháp cao nhất của quốc gia Nam Á này, đã ra lệnh cấm các lệnh bắt buộc chích ngừa. Để tôn trọng quyết định này, lực lượng đặc nhiệm cho biết bằng chứng về việc đã khỏi bệnh tự nhiên nên được coi tương đương như bằng chứng về việc chích ngừa COVID bất cứ khi nào có yêu cầu phải chích ngừa.
“Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng không cần thiết cho hệ thống y tế vốn đã quá tải cũng như sự quấy rối không cần thiết đối với người dân,” họ nói.
Báo cáo được đưa ra khi Ấn Độ chứng kiến sự sụt giảm số lượng ca mắc COVID mới hàng ngày. Báo cáo cũng được đưa ra khi các cơ quan y tế cộng đồng của nước này theo dõi sát sao Trung Quốc, nơi mà cái gọi là chính sách “zero-COVID” đột ngột kết thúc kéo theo đó là sự bùng nổ các ca nhiễm và ca tử vong.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times