Chuyên gia về hình ảnh vệ tinh: Biên giới Trung-Ấn vẫn chưa hoàn toàn giảm căng thẳng
NEW DELHI — Theo một chuyên gia về hình ảnh vệ tinh người Ấn Độ, các báo cáo gần đây từ giới truyền thông về căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ở Đông Ladakh đã giảm hoàn toàn là sai sự thật vì binh lính Trung Quốc chưa rút lui khỏi các điểm xung đột được thiết lập sau tháng 05/2020, khi quân đội hai nước leo thang xung đột.
“Những hình ảnh mới nhất không cho thấy PLA [Quân Giải phóng Nhân dân] của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cắt giảm quân hoặc thiết bị nào đáng kể”, Đại tá đã về hưu Vinayak Bhat, một chuyên gia hình ảnh vệ tinh và một cựu chiến binh tình báo quân đội Ấn Độ, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Việc giới truyền thông thổi phồng rằng PLA đã giảm các mối đe dọa hoặc giảm leo thang căng thẳng là không chính xác.”
Hôm 13/09, giới truyền thông đã đưa tin rộng khắp rằng các điểm xung đột cuối cùng còn lại trên Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) hoặc biên giới tranh chấp trên thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nằm trong phạm vi hoạt động của Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây bộ của Trung Quốc, đã được giải quyết, khi quân đội hai nước rút lui khỏi các vị trí tương ứng của họ trong khu vực Suối Nước nóng Gogra Heights. Nhưng Đại tá Bhat nói rằng, tuy hai bên đã rút quân ở nhiều điểm, nhưng vẫn chưa giảm căng thẳng.
“Việc rút quân bảo đảm rằng binh lính vốn đã ở vị trí đối đầu trực diện sẽ rút, do đó tránh được một cuộc xung đột bùng phát đột ngột do các tình huống căng thẳng,” ông nói. “Còn giảm leo thang căng thẳng liên quan đến việc quân đội trở về doanh trại của họ và tiếp tục các hoạt động thời bình.”
Rút quân, chứ chưa giảm căng thẳng
Ông Bhat viện dẫn hình ảnh vệ tinh từ hôm 16/09 cho thấy điểm tuần tra 15 (PP-15) tại Suối nước nóng Gogra và điểm tuần tra đối diện PP-17A, được gọi là đồn Gogra, không có thay đổi về quân số.
Sau cuộc tấn công của PLA vào lãnh thổ Ấn Độ hồi năm 2020, khi mọi chuyện bắt đầu leo thang, PP-15 nằm trong số năm điểm xung đột giữa hai quân đội — những điểm khác là PP-14 ở thung lũng Galwan, nơi xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu hôm 15/06, gần đó là điểm PP-17A, và hai điểm khác ở bờ phía bắc và phía nam của Hồ Pangong (vùng bình nguyên trên cao).
Sau tháng 05/2020, quân đội PLA kể từ đó đã chiếm đóng đất Ấn Độ. PLA đã mang một lượng lớn quân đội và vũ khí vào khu vực này, tạo ra cuộc đối đầu trực diện giữa hai bên, đó là lý do tại sao việc rút quân lại có ý nghĩa quan trọng như vậy.
Hồi tháng Hai năm ngoái, hai quân đội đã hoàn thành việc rút quân ở khu vực Hồ Pongong, trong khi vài tháng sau đó hồi tháng Tám, các đợt điều động lâu dài đã kết thúc tại điểm PP-17A. Sau cuộc hội đàm cấp chỉ huy quân sự gần đây giữa hai bên, quân đội hai nước cho biết trong một tuyên bố chung rằng việc rút quân cũng bắt đầu ở điểm PP-15.
Tuyên bố này nêu rõ: “Hôm 08/09/2022, theo sự đồng thuận đạt được trong cuộc họp cấp Tư lệnh Quân đoàn Trung Quốc vòng 16 của Ấn Độ, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực suối nước nóng Gogra (PP-15) đã bắt đầu rút quân theo cách được phối hợp và có kế hoạch, mang đến hòa bình và yên ổn ở khu vực biên giới này.”
Tuy nhiên, ông Bhat cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 18/09 rằng hình ảnh vệ tinh mới nhất của PP-15 và khu vực Suối Nước nóng Gogra Heights cho thấy lực lượng không hề giảm, điều đó có nghĩa là tuy việc rút quân đã diễn ra, nhưng vẫn chưa giảm căng thẳng và tình hình biên giới vẫn còn nhạy cảm.
Ông viết: “PLA của ĐCSTQ ở vùng Đông Ladakh bị chiếm đóng đã KHÔNG tiến hành giảm leo thang căng thẳng. Hình ảnh vệ tinh của trạm tạm thời cách 42 km từ cả PP15 lẫn Gogra. Con đường được xây dựng trái phép 15 km ngoài Ranh giới Kiểm soát Thực tế vẫn tồn tại.”
#CCP #China’s #PLA in #occupied #EasternLadakh has NOT de-escalated.#Satellite image of temporary post is 42km from both own #PP15 & #Gogra. — 卫纳夜格.巴特 Col Vinayak Bhat (Retd) @Raj47 (@rajfortyseven) September 19, 2022
Illegally constructed road 15km beyond #LAC still exists.
Latest images of #PP15 & #Hotsprings show no reduction in forces as 16 Sep 2022. pic.twitter.com/YhkRsZPqDr
ĐCSTQ là những kẻ dối trá không kiểm soát được hành vi
Ông Bhat nói với The Epoch Times rằng ông không tin PLA đang làm đúng theo tinh thần của những gì họ tuyên bố sẽ làm ở khu vực biên giới này.
Ông nói: “Chính phủ của ĐCSTQ và PLA luôn là những kẻ dối trá không kiểm soát được hành vi của mình.”
“Họ có thể đã tuyên bố lui quân 2 km ở một địa điểm cụ thể được chỉ ra trong hình ảnh vệ tinh đầu tiên của tôi. Sự rút lui của một đồn tạm thời cấp tiểu đoàn trong cùng một thung lũng không có bất kỳ ý nghĩa nào về mặt chiến lược hay thậm chí cả về mặt chiến thuật. Nếu họ thực sự muốn làm điều gì đó đáng giá trong khu vực này, thì PLA nên phá bỏ 15 km đường được xây dựng trái phép thậm chí vượt xa hơn Ranh giới Kiểm soát Thực tế mà phía Trung Quốc nhìn nhận.”
Ông Bhat nói rằng việc giữ quân đội ở gần sát các đường biên giới như vậy sẽ tạo ra một môi trường căng thẳng có thể bùng phát nhanh chóng.
“Vì Trung Quốc không phải là một nước láng giềng đáng tin cậy, nên cần phải đạt được việc giảm căng thẳng hoàn toàn sớm nhất thông qua các cuộc đàm phán. Cũng có những hậu quả kinh tế đối với cả Ấn Độ và Trung Quốc, khi cả hai nước đều mong muốn đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định.”
Như The Epoch Times đã đưa tin trước đây, cuộc tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập niên này có nguồn gốc từ nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông, và các kế hoạch xâm lược của ông ấy đối với các vùng ở phía tây Tân Cương và Tây Tạng.
The Epoch Times cũng đã có được một cuốn tài liệu do chính phủ Ấn Độ xuất bản năm 1963 có nhan đề “Sự Xâm lược của Trung Quốc trên Bản đồ”. Đó là một tài liệu bản đồ về cách thức mà ĐCSTQ, không cần gây kích động, đã tiến vào các vùng lãnh thổ không có người ở của Ấn Độ ở phía bắc Ladakh sau khi đảng này lên nắm quyền và đơn phương tiếp tục dịch chuyển các đường yêu sách của Trung Quốc từ năm 1956 trở đi.
Trong cuốn tài liệu của mình, chính phủ Ấn Độ cho biết chế độ Trung Quốc đang yêu sách các đường ranh giới ở Ladakh do “thương lượng thuận tiện và mức độ chiếm đóng lãnh thổ Ấn Độ ngày càng tăng thông qua vũ lực.”
“Kể từ cuối những năm 1950, các hoạt động của PLA Trung Quốc ở khu vực này luôn bị nghi ngờ,” ông Bhat nói. “Họ xây dựng đường xá và các cơ sở hạ tầng khác, lén lút yêu cầu cấp phép nghiên cứu ở Đông Ladakh vào những năm 1950 và 1960. Chiến lược tiến dần từng chút cũng tương tự với những câu chuyện dối trá hiện đang được phía Trung Quốc tuyên truyền. Ấn Độ và Quân đội Ấn Độ cần vô cùng cẩn trọng trước các ý định của Trung Quốc trong khu vực này.”
Vị đại tá đã về hưu này nói rằng Ấn Độ nên yêu cầu Trung Quốc trả lại Đông Ladakh, cùng với các khu vực Kailash Mansarovar thuộc Tây Tạng, nơi Ấn Độ từng thu thuế cho đến cuối những năm 1950.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times