Một phụ nữ Trung Quốc qua đời ba tháng sau khi bị giam cầm trong tù vì đức tin của mình
Trường hợp tử vong của học viên Pháp Luân Công 56 tuổi này làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy cuộc bức hại đang trở nên tàn khốc hơn đối với nhóm đức tin này.
Một phụ nữ Trung Quốc bị giam cầm vì đức tin của bà vào môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đã qua đời trong khi bị giam giữ hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2023). Trường hợp tử vong của bà làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy cuộc bức hại đang trở nên tàn khốc hơn đối với nhóm đức tin này.
Bà Từ Hải Hồng (Xu Haihong), một phụ nữ 56 tuổi sống ở miền đông Trung Quốc, đã qua đời vào ngày 07/12/2023, ba tháng sau khi bị bắt vì tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn tìm cách “xóa sổ” thông qua tra tấn và tuyên truyền trong hai thập niên rưỡi qua.
Đầu tuần này (01-07/01/2024), Minghui, một trang web chuyên ghi lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đã xác nhận trường hợp thiệt mạng của bà Từ trong bệnh viện nhà tù.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần kết hợp giữa các bài công pháp tĩnh tại, an hòa với các bài giảng dạy đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Vào cuối thập niên 90, môn tu luyện này đã thu hút khoảng 70 đến 100 triệu người Trung Quốc theo học và nhận được sự khen ngợi từ các cơ quan chính phủ cũng như truyền thông nhà nước vì những lợi ích sức khỏe cũng như tác động tích cực đối với xã hội.
Tuy nhiên, danh tiếng rất lớn của Pháp Luân Công đã khiến người đứng đầu Đảng Cộng sản lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân cảm thấy bị đe dọa. Ông Giang từ lâu đã lo sợ rằng Đảng sẽ mất quyền thống trị trong cuộc sống thường nhật ở Trung Quốc. Sử dụng quyền lực của mình với tư cách là Tổng bí thư, ông ta đã đích thân phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm “xóa sổ” Pháp Luân Công vào năm 1999, đồng thời ra lệnh cho lực lượng an ninh khắp đất nước tiến hành cuộc đàn áp này.
Bên cạnh việc đối xử tàn bạo với các học viên, nhà cầm quyền cộng sản còn phát động một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng qua hệ thống giáo dục và truyền thông nhà nước, để phỉ báng Pháp Luân Công, từ đó nhận được sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc đối với cuộc đàn áp này.
Bí mật
Trong nhiều năm qua, bà Từ và nhiều học viên khác đã tìm cách tiếp cận trực tiếp với các quan chức và người dân Trung Quốc để giải thích cho họ thấy Pháp Luân Công không giống như Đảng tuyên truyền, mà chỉ là một nhóm những người tốt cố gắng sống và hành xử chiểu theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Theo Minghui, khi bà Từ đang nói chuyện với những người Trung Quốc khác về cuộc bức hại đối với cộng đồng đức tin của bà vào năm 2022, thì bà đã bị công an thành phố cảng Thanh Đảo thuộc miền đông Trung Quốc bắt giữ. Để phản đối sự giam giữ tùy tiện này, bà Từ đã bắt đầu tuyệt thực. Báo cáo cho biết chỉ trong hai tuần, bà đã rơi vào tình trạng nguy kịch và sau đó được tại ngoại.
Minghui cho biết hồi tháng 09/2022 rằng, bà Từ đã bị công an địa phương bắt khỏi nhà riêng ở Thanh Đảo lần thứ hai. Những người thân trong gia đình bà đã không thể đến thăm bà vì công an địa phương từ chối cho họ làm như vậy.
Thông tin chi tiết về trường hợp của bà Từ vẫn được giữ bí mật. Gia đình bà nói với Minghui rằng không có thông tin gì về cáo buộc chống lại bà Từ cũng như ngày xét xử sau khi bà bị bắt. Nhưng vào tháng 10/2023, họ phát hiện ra rằng bà đã bị kết án 16 tháng tù. Gia đình nói với Minghui rằng họ thậm chí còn không nhận được thông báo chính thức về bản án của bà.
Người thân của bà kể với Minghui, lần cuối cùng họ biết về tình hình của bà Từ trước khi bà qua đời là vào ngày 06/12, khi bà được đưa đến bệnh viện nhà tù ở thủ phủ tỉnh Tế Nam. Vào thời điểm đó, sức khỏe bà Từ đã rất yếu sau khi bị bức thực thời gian dài, một phương thức bức hại gây đau đớn thường được áp dụng đối với các học viên Pháp Luân Công tuyệt thực trong lúc bị giam cầm bằng cách đưa một ống xuyên qua lỗ mũi vào dạ dày của họ. Bà Từ đã qua đời hôm 09/12.
Tăng cường bức hại
Trường hợp qua đời của bà Từ cho thấy cường độ bức hại đối với Pháp Luân Công vẫn chưa hề giảm bớt, một năm sau khi ông Giang — người đã một tay khởi xướng cuộc đàn áp này và gây ảnh hưởng chính trị đáng kể ở hậu trường sau khi về hưu một thập niên trước — qua đời.
Kể từ năm 1999, hàng triệu học viên đã bị giam cầm vào các trại khác nhau trên khắp cả nước, nơi họ bị tẩy não, chích điện, đánh thuốc mê, và phải chịu các hình thức tra tấn khác chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Một số lượng lớn chưa được thống kê các học viên đã thiệt mạng vì bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng được thực hiện trong các nhà tù hoặc bệnh viện ở Trung Quốc.
Những người ủng hộ nhân quyền ở quốc tế đã nhiều lần kêu gọi ông Tập Cận Bình chấm dứt cuộc đàn áp đẫm máu đối với Pháp Luân Công, đặc biệt là sau khi ông Giang qua đời ở tuổi 96 vào tháng 12/2022.
Không có dấu hiệu nào cho thấy chiến dịch đẫm máu này sẽ suy giảm. Trang web lưu ý rằng vào năm 2023, Minghui đã ghi nhận hơn 200 trường hợp học viên tử vong, trong đó có hàng chục trường hợp tử vong không được báo cáo vào năm 2022. Minghui lưu ý, số người tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều lần, khi xét đến sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của nhà cầm quyền đối với các thông tin liên quan.
Trong số các nạn nhân được nhận xác có bà Lương Lập Tân (Liang Lixin), một học viên Pháp Luân Công, người đã bị bắt khỏi nơi ở của con gái bà tại thành phố công nghiệp phía bắc Trường Xuân vào tháng 03/2023. Bà qua đời chỉ sau sáu ngày bị giam giữ.
Các học viên đã thiệt mạng đến từ hầu như mọi giai tầng xã hội, bao gồm người dẫn chương trình phát thanh, giáo viên trung học, y tá, và cảnh sát. Một học viên, anh Bàng Huân (Peng Xun), 30 tuổi, là người dẫn chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Tứ Xuyên thuộc sở hữu nhà nước. Anh Bàng qua đời vào tháng 12/2022, một năm sau khi bị bắt vì đức tin của mình. Vào lúc tử vong, thân thể anh chứa đầy những vết bầm tím và sẹo, cho thấy cái nhìn thoáng qua về những gì anh phải chịu đựng trong một nhà tù Trung Quốc khét tiếng vì tra tấn các học viên Pháp Luân Công một cách tàn bạo.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times