Một ngày trong đời của sinh viên tại Viện Mỹ thuật Hàn lâm Pháp thế kỷ 19
Mỗi ngày, chúng ta thức dậy và vội vã đi làm hoặc đến trường. Chúng ta như bị đóng khung và trở thành một phần của những lề thói hằng ngày. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ dành một chút thời gian từ thế giới hối hả vội vã của mình, bước ra khỏi những thói quen cố hữu và tưởng tượng cuộc sống có thể như thế nào qua các nền văn hóa và thời đại khác nhau.
Viện Mỹ thuật Hàn Lâm Pháp
Trong Viện Hàn Lâm Pháp có Viện Mỹ Thuật được thành lập năm 1816, là một trong những học viện hàng đầu, nơi khai sinh ra các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới. Trong nhiều thế kỷ, Viện Mỹ thuật Hàn Lâm Pháp đã phát triển ra khỏi hệ thống hội quán, và đã cung cấp cho sinh viên những giáo trình nghệ thuật rất bài bản. Các nghệ sĩ tham vọng luôn tìm kiếm những bậc thầy mà họ có thể học hỏi nghệ thuật truyền thống.
Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Sau nhiều năm cách mạng đẫm máu, Viện Mỹ thuật đã bị tấn công bởi một loại hình nghệ thuật hiện đại: nghệ thuật “chính thức”, nghệ thuật lãng mạn hơn được chính phủ khuyến khích.
Nghệ thuật lãng mạn này khác với yêu cầu về vẻ ngoài hoàn thiện và thanh nhã của học viện vì sự độc đáo được thể hiện một cách sơ sài và rời rạc. Các chủ đề mới lạ, gồm những câu chuyện về văn hóa đại chúng với các trải nghiệm cảm xúc được ưa chuộng hơn các chủ đề truyền thống vốn thiên về tôn giáo và lịch sử.
Cũng có một bộ phận họa sĩ cho rằng hai cách sáng tạo này có thể đan xen với nhau. Chẳng hạn các nghệ sĩ có thể sáng tác những tác phẩm hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn của học viện và vẫn có thể sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật dành cho các chủ đề phổ thông. Những họa sĩ này được gọi là “juste milieu”- nghệ sĩ “trung lập”.
Mặc dù nghệ thuật lãng mạn ngày càng phổ biến, nhưng vẫn có những người thích cách tiếp cận hàn lâm trong sáng tác nghệ thuật, và giáo dục hàn lâm vẫn được nhiều nghệ sĩ tham vọng mong muốn học chỉ để giành được giải thưởng danh giá Prix-de-Rome.
Với tất cả những học thuyết đối lập về nghệ thuật này, bạn sẽ ra sao khi trở thành một sinh viên mỹ thuật trong thời gian này? Một ngày của một sinh viên muốn học tại Viện Mỹ thuật Hàn Lâm Pháp sẽ như thế nào?
Sử dụng thông tin từ Albert Boime trong “Viện hàn lâm Pháp & Hội họa Pháp thế kỷ 19”, chúng ta sẽ hình dung được cuộc sống của sinh viên tại Viện Mỹ Thuật thời ấy.
Tưởng tượng cuộc sống sinh viên tại Viện Hàn Lâm Pháp
Chúng tôi bước vào xưởng vẽ của thầy cho một ngày học mới. Những tập nghiên cứu tranh và bản vẽ của các bậc thầy thủa xưa từ thời Louvre tô điểm cho các bức tường của xưởng, và ngay lập tức chúng tôi cảm thấy thoải mái bởi cái mùi quen thuộc của bụi than, nhựa thông và sơn dầu.
Một số sinh viên chỉ mới bắt đầu học, vì vậy chúng tôi thấy họ được dẫn vào một căn phòng dành riêng cho việc học vỡ lòng, bao gồm việc sao chép các bản khắc cũ. Họ gọt nhọn những cây bút chì và cần mẫn chép lại từng đường nét của bản khắc một cách chính xác nhất có thể.
Chỉ sau khi làm chủ nét vẽ, chúng tôi mới đến bước đánh bóng, là một loạt các nét vẽ song song để tạo ra các vùng bóng.
Một số sinh viên thất vọng ra mặt với cách tiếp cận này và muốn có nhiều tự do hơn để thể hiện bản thân. Chúng tôi thấy họ đôi khi pha trộn các đường nét với cây di chì, và một số thậm chí đã chuyển sang dùng than chì để tạo bóng mờ mịn hơn.
Chúng tôi rời phòng này để xem các sinh viên trung cấp vẽ. Những sinh viên này đang vẽ tượng thạch cao và các vật liệu khác. Họ sử dụng các kỹ thuật đã được học từ việc sao chép các bản khắc và ứng dụng vào việc vẽ các bức tượng đúc từ cuộc sống.
Vẽ tượng giúp sinh viên hiểu tác động của ánh sáng lên các vật thể trong thế giới thực. Vẽ tượng bằng thạch cao cũng giúp các sinh viên làm quen với tiêu chuẩn thẩm mỹ mà các họa sĩ bậc thầy lớn tuổi yêu cầu. Tất cả sinh viên đều đang rèn luyện đôi mắt và trí óc để cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên và vẻ đẹp được hình thành nơi tâm trí.
Chỉ sau khi thành thạo kỹ năng đánh bóng, sinh viên mới được phép vẽ chân dung ở phòng bên cạnh. Các sinh viên cẩn thận cố gắng vẽ người mẫu trước mặt họ. Thầy giáo hiện đang ở trong phòng này và chúng tôi thấy ông đang chỉnh sửa tỷ lệ bằng các nét phác nhẹ trên bản vẽ của sinh viên.
Tuy nhiên, chúng tôi đã bắt đầu học phần tô màu tranh, phần này chỉ được học sau khi chúng tôi thể hiện được khả năng vẽ thành thạo.
Chúng tôi ngồi xuống giá vẽ và chuẩn bị bảng các tông màu đất cho ngày hôm nay. Một người mẫu ngồi phía góc phòng, nơi ánh sáng phản chiếu rực rỡ lên các đường nét của khuôn mặt cô .
Khi chuẩn bị bảng màu, chúng tôi nhận thấy một số sinh viên vắng mặt hôm nay. Họ ở bảo tàng Louvre để sao chép các kiệt tác cũ ngay trong khuôn viên bảo tàng. Nhiều bản chép này được thực hiện cho một khách hàng quen đã trả tiền cho thầy giáo. Đây cũng là cơ hội để luyện tập tiêu chuẩn “hoàn thiện” đang gây tranh cãi hay tiêu chuẩn thanh nhã theo truyền thống của giáo dục hàn lâm.
Thầy giáo bước vào và ngồi trước mặt chúng tôi để bắt đầu bài học với một minh họa. Ông trộn một loại sơn đỏ và nhanh chóng chải vào phần bóng của đầu người mẫu. Khi hình dạng này chuẩn xác, ông vẽ các chấm với nét cọ dày hơn, mờ đục cho phần sáng của đầu. Chúng tôi chăm chú quan sát khi ông vẽ khuôn mặt và đầu của người mẫu.
Sau khi bức chân dung đã giống với người mẫu, thầy dừng lại và hướng dẫn chúng tôi làm tương tự. Ông nhấn mạnh rằng tập trung quá nhiều vào chi tiết sẽ khiến bức tranh trở nên khô cứng và mất đi sức sống. Chúng tôi phải duy trì năng lượng của những nét vẽ đầu tiên trong suốt quá trình vẽ tranh.
Chúng tôi chỉ có khoảng một tuần để làm việc với người mẫu, nhưng nếu muốn đủ giỏi để tham gia và đạt giải thưởng Prix-de-Rome – nó gần như là tấm vẻ đảm bảo sự nghiệp của một nghệ sĩ chuyên nghiệp trung lưu – chúng tôi phải làm việc chăm chỉ và học hành chuyên nhất. Chúng tôi không chỉ phải gây ấn tượng với thầy giáo của mình, vốn là thành viên trong ban giám khảo của cuộc thi, mà chúng tôi còn phải gây ấn tượng với giáo viên của các xưởng vẽ khác.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times