Biểu đạt nội hàm: Nghệ thuật biểu tượng trong mỹ thuật Trung Hoa
Họa sĩ Trung Hoa Cố Khải Chi (344 – 406) đã viết: “Khó nhất tả nhân, tiếp đến là cảnh, rồi sau nữa là chó và ngựa. Sân hiên, đại sảnh và các cấu trúc có hình dạng thì dễ dàng miêu tả khi sử dụng phép đối chiếu”. Khi tả người, ông nhấn mạnh việc sử dụng hình thức bên ngoài để truyền đạt tinh thần bên trong, tư tưởng này hình thành triết lý chính cho nghệ thuật biểu tượng trong hội họa Trung Hoa. Thay vì ưu tiên miêu tả chính xác hình thức kết cấu vật thể, các nghệ sĩ tập trung vào việc biểu đạt tinh thần và nội hàm riêng của đối tượng.
Các tác phẩm theo trường phái trên đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Triển lãm bao gồm ba bộ sưu tập. Bộ sưu tập đầu tiên phản ánh văn hóa trọng con cháu và tiếp nối dòng dõi của người Trung Hoa. Bộ sưu tập thứ hai giới thiệu cuộc sống hàng ngày và những nhân vật trứ danh trong lịch sử, huyền thoại của Trung Hoa cổ đại. Bộ sưu tập cuối tập trung vào các nhân vật theo Phật Giáo và Đạo Giáo, là minh chứng cho lòng mộ Đạo của người Hoa Hạ xưa.
Triển lãm trưng bày hơn 120 hiện vật từ đời Tống (960 -1279) đến đời Thanh (1644 -1919); bao gồm hàng dệt, sơn mài, ngọc bích, gốm sứ và kim loại, các đồ vật bằng gỗ và tre. Các hiện vật chia thành hai đợt trưng bày để ngăn ngừa hư tổn do tiếp xúc với ánh sáng: đợt một là vào ngày 26/5/2019, đợt thứ hai từ 1/6/2019 đến 23/2/2020.
Hình tượng trẻ em nô đùa
Ở Trung Quốc cổ đại, tất cả các gia đình, dù là quý tộc, quan chức học giả hay thường dân, đều có quan niệm đông con nhiều cháu là một điều may mắn. Một gia tộc thịnh vượng có nhiều con cháu là biểu hiện của hạnh phúc. Do đó, hình ảnh trẻ em chơi đùa vui vẻ, hoạt bát với đủ các tư thế thường được nhắc đến trong các tác phẩm nghệ thuật.
Một trong những tác phẩm được trưng bày là tấm thảm lụa mô tả cuộc sống hồn nhiên vô tư của 83 nam hài tử đang chơi bắn cung, chèo thuyền, nuôi chim ưng, câu cá, cưỡi ngựa, thả diều, chơi đàn hoặc đọc sách. Tấm thảm đời nhà Thanh đầy màu sắc được chế tác tinh xảo này có thể đã được treo trên tường của một gia đình quý tộc.
Trên trời cao là hình ảnh đôi phượng hoàng chao lượn, tượng trưng cho một viễn cảnh tươi sáng và may mắn. Trong đám mây ngũ sắc là một cậu bé đang cưỡi kỳ lân, một linh vật trong truyền thuyết Trung Hoa có sừng, bụng màu vàng, lưng nhiều màu, móng ngựa, thân nai và đuôi bò. Kỳ lân thường liên quan đến sự chào đời hoặc mất đi của một nhà hiền triết hay một đấng hào kiệt nhân từ.
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, trẻ em là biểu tượng của sự thuần khiết và bản tính nguyên sơ của con người, hồn nhiên và tốt bụng. Cuốn sách cổ Đạo Đức Kinh của Đạo gia cũng tôn vinh điều này, người tu Đạo tìm về bản tính tiên thiên thuần thiện của con người trước khi bị ảnh hưởng bởi các quan niệm hậu thiên hỗn tạp trong quá trình sống.
Lối sống người xưa
Qua các tác phẩm, chúng ta có thể cảm nhận cuộc sống thường ngày của người Hoa Hạ nhẹ nhàng mà ý nhị: ngắm hoa mùa xuân, ngắm trăng mùa thu, thưởng trà, dạo chơi trong vườn, cùng các thú vui tao nhã cầm kỳ thi họa. Chậm rãi, tĩnh tại mà không ồn ào, người Hoa Hạ tôn vinh giá trị đạo đức lâu bền thay vì những niềm vui chớp nhoáng.
Chiếc đĩa sứ được trưng bày vẽ một học giả đang ngồi thanh bình dưới gốc cây, nhìn các đồ đệ hái hoa sen trong hồ. Hình ảnh này gợi nhớ đến triết gia đời nhà Tống, Chu Đôn Di (1017-1073), người đã viết áng văn nổi tiếng Ái Liên Thuyết. Trong đó, ông viết: “Duy mình ta yêu hoa sen từ bùn mọc lên mà chẳng nhơ… Sen là hoa của người quân tử”. Trong Nho Giáo, quân tử là người có lý tưởng, có đạo đức. Do đó, hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết và đức hạnh, khuyên bảo con người giữ mình trong sạch, không bị cuốn theo ngoại cảnh.
Các vị Thần trong nghệ thuật
Nghệ thuật truyền thống Trung Hoa gắn liền với tín ngưỡng Phật – Đạo -Thần, phản ánh văn hóa tâm linh của người cổ đại.
“Đức Phật niết bàn và sự tiếc thương vô bờ của các đệ tử” là một trong những tác phẩm gây ấn tượng nhất trong triển lãm The Met. Có thể thấy khuôn mặt của Đức Phật tròn đầy và thanh thản. Rất ít tượng đất nung màu còn sót lại từ thời nhà Minh (1368-1644) và đủ cả một bộ tượng thì càng hiếm hoi.
Một tác phẩm trứ danh khác là một bức tượng điêu khắc bằng đồng thời đầu nhà Minh. Tác phẩm về Lão Tử, là triết gia của Đạo gia đang trong tư thế thiền định với biểu cảm ôn hòa và trang nghiêm.
Bên cạnh Lão Tử, Bát Tiên cũng là nhân vật thuộc Đạo gia rất nổi tiếng thường được đưa vào trong các tác phẩm nghệ thuật. Một chiếc khay được chế tác tinh xảo cho thấy Tám vị thần tiên đang chờ đợi ông Thọ cưỡi hạc bay đến. Mỗi vị tiên mang những pháp khí khác nhau như sáo, trượng, kiếm, hoa và bầu. Trong cảnh nền có thông, sếu, đào, mây và sương mù đều là biểu tượng của cõi vĩnh hằng trong tín ngưỡng phổ quát.
Những tác phẩm mang tính chất tôn giáo của nghệ thuật tả ý phản ánh phong tục và tín ngưỡng truyền thống của người dân thời cổ đại, những người coi trọng sự thuần khiết, đức tin và đạo hạnh. Bằng các phương tiện nghệ thuật khác nhau, từ tranh vẽ đến các đồ mỹ nghệ bằng ngọc bích, người xưa làm giàu đời sống tinh thần của mình với lòng mộ đạo, tu dưỡng và hướng đến trí huệ cao hơn.
Irene Luo
Phương Du biên dịch
Xem thêm: