Moscow tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian
Moscow đã chính thức chấm dứt tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải kéo dài một năm, vốn cho phép Ukraine xuất cảng ngũ cốc qua Hắc Hải bất chấp tình trạng chiến sự đang diễn ra.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 17/07, khi các điều khoản của thỏa thuận chính thức hết hạn, “Thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải không còn hiệu lực.”
“Thật không may, phần liên quan đến Nga trong thỏa thuận này vẫn chưa được thực hiện,” ông nói thêm. “Kết quả là, thỏa thuận này đã bị chấm dứt.”
Thỏa thuận này ban đầu được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào mùa hè năm ngoái. Kể từ đó, thỏa thuận đã cho phép Ukraine xuất cảng hơn 30 triệu tấn ngũ cốc — từ năm cảng Hắc Hải — cho các khách hàng quốc tế.
Sau thông báo này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã tìm cách làm cầu nối hòa giải giữa Moscow và Kyiv, cho biết ông dự định nói chuyện với người đồng cấp Nga với hy vọng cứu vãn thỏa thuận.
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Erdogan: “Tôi tin rằng Tổng thống Nga [Vladimir] Putin muốn duy trì thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải.”
Ông Erdogan cho biết thêm, Ankara “rất xem trọng” thỏa thuận này và tiếp tục tham gia vào “các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ” để bảo đảm thỏa thuận được tiếp tục.
Theo Anadolu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan dự định sẽ nói chuyện với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov để thảo luận về vấn đề này.
Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine hồi đầu năm ngoái (2022), thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách duy trì một mức độ trung lập giữa các bên tham chiến.
Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì mối bang giao tương đối tốt với Nga, nước mà họ chia sẻ các mối quan hệ thương mại rộng rãi và một đường biên giới dài trên biển.
Ông Denys Marchuk, phó chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine, tổ chức kinh doanh nông nghiệp hàng đầu của nước này, nói Ukraine có thể tiếp tục xuất cảng ngũ cốc bất chấp việc Nga rút khỏi thỏa thuận.
Reuters đã trích dẫn nhận định của ông, “Nếu có sự bảo đảm an toàn từ các đối tác của chúng tôi, thì tại sao không tiến hành sáng kiến ngũ cốc mà không có sự tham gia của Nga?”
Những mối bất bình từ phía Nga
Kể từ khi sáng kiến ngũ cốc lần đầu tiên có hiệu lực, Nga đã phàn nàn rằng các phần quan trọng trong thỏa thuận — cho phép nước này xuất cảng ngũ cốc và phân bón của chính mình — đã không được tôn trọng.
Các quan chức Nga cũng cáo buộc các đồng minh phương Tây của Kyiv, bao gồm Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, đã cản trở việc Nga xuất cảng nông sản.
Moscow tiếp tục cáo buộc phương Tây gây áp lực buộc các ngân hàng không cho các nước khác vay để mua ngũ cốc của Nga và ngăn Nga nhập cảng thiết bị nông nghiệp cần thiết.
Moscow cũng yêu cầu ngân hàng nông nghiệp do nhà nước điều hành chính của Nga phải phải được kết nối lại với hệ thống thanh toán SWIFT quốc tế.
Ông Peskov cho biết, một khi những điều bất bình này được giải quyết, “phía Nga sẽ ngay lập tức quay lại thực hiện thỏa thuận.”
Các quan chức Nga, bao gồm cả ông Putin, cũng khẳng định rằng mục đích ban đầu của thỏa thuận ngũ cốc — bảo đảm an ninh lương thực cho các quốc gia nghèo hơn — vẫn chưa được thực hiện.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, chỉ một phần rất nhỏ ngũ cốc xuất cảng của Ukraine — dưới 5% — đến được các nước có thu nhập thấp.
Bộ này tuyên bố, đại đa số ngũ cốc cuối cùng đã đến các quốc gia giàu có hơn ở châu Âu và các nơi khác.
Theo Điện Kremlin, ông Putin nói với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 15/07, “Mục tiêu chính của thỏa thuận — cụ thể là cung cấp ngũ cốc cho các quốc gia có nhu cầu, bao gồm cả lục địa châu Phi — đã không được thực hiện.”
Nga và Ukraine là hai trong số những nước xuất cảng ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Điện Kremlin: Việc rút khỏi thỏa thuận không liên quan đến cuộc tấn công Crimea
Theo Điện Kremlin, quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc của Moscow không liên quan đến một vụ tấn công bằng drone làm hư hại một phần cây cầu chiến lược Kerch nối Nga với Bán đảo Crimea.
Theo các nhà chức trách Nga, vào rạng sáng hôm 17/07, hai drone đã đâm vào cây cầu này, khiến hai người thiệt mạng.
Moscow đã đổ lỗi cho Ukraine về điều mà họ mô tả là một “cuộc tấn công khủng bố.”
Cho đến nay Kyiv vẫn từ chối bình luận về vụ việc.
Nga sáp nhập khu vực Hắc Hải của Crimea vào năm 2014 sau khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Khi được hỏi liệu vụ tấn công cây cầu có ảnh hưởng đến quyết định rút khỏi sáng kiến ngũ cốc của Moscow hay không, ông Peskov nói: “Những sự kiện này hoàn toàn không liên quan đến nhau.”
Ông cũng nói rằng ông Putin “đã nói rõ quan điểm của Nga [về thỏa thuận ngũ cốc] ngay cả trước cuộc tấn công khủng bố này.”
Tháng Mười năm ngoái, cầu Kerch bị hư hại nghiêm trọng sau một vụ nổ lớn mà Moscow cũng quy trách nhiệm cho Ukraine.
Mặc dù ban đầu Kyiv không nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó, nhưng các quan chức Ukraine ăn mừng vụ việc này một cách rộng rãi.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times