Âm thanh của kẻ địch: Kỹ thuật viên hệ thống đại dương Hải quân Hoa Kỳ đã theo dõi Liên Xô như thế nào
Âm thanh của kẻ địch: Kỹ thuật viên hệ thống đại dương Hải quân Hoa Kỳ đã theo dõi Liên Xô như thế nào
Khi ông Geoff Ugent xuất ngũ khỏi lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, ông đã phải đợi đến 27 năm sau để có thể chia sẻ về những điều mà mình đã thực hiện tại bộ phận này của quân đội.
Công việc của ông trước đây là một kỹ thuật viên của hệ thống đại dương (OT), điều này nghe có vẻ giống như ông làm việc trong ngành hải dương học hoặc kỹ thuật hàng hải hơn là một trong những bộ phận tình báo được tuyển chọn kỹ lưỡng nhất của Hải Quân.
“Chúng tôi là rất quý hiếm” ông Ugent nói. “Hầu hết mọi người trong lực lượng quân đội đều không biết chúng tôi làm việc gì”
Vào năm 1974, khi vừa mới rời khỏi trường trung học, Ugent đã cân nhắc đến việc gia nhập quân đội. Ông đã đến gặp tất cả các chi nhánh của quân đội tại trạm tuyển dụng. Lực lượng Hải quân, nằm ở quầy cuối cùng trong hội trường tuyển dụng, cũng là buổi phỏng vấn cuối cùng của ông. Ông Ugent đã nói với người phụ trách tuyển dụng rằng ông sẽ cân nhắc việc gia nhập nếu được bảo đảm sẽ không bao giờ phải bước lên một con tàu.
Đó là một yêu cầu khá mâu thuẫn, việc lùng sục khắp các đại dương là việc mà Hải Quân cần làm, và để làm được điều đó, họ phải sử dụng những chiếc tàu. Điều này nghe giống như một trò đùa dở khóc dở cười, tuy nhiên ông Ugent lại rất nghiêm túc. Lý do mà ông không muốn bước lên bất kỳ chiếc tàu nào là vì có một số người bạn của ông đã từng gia nhập Hải quân, họ nói với ông rằng họ thường xuyên phải làm nhiệm vụ bảo trì bảo dưỡng, giữ cho con tàu luôn sạch sẽ.
Nhà tuyển dụng đã nhận lời và nói rằng lực lượng Hải quân có đến gần 70 công việc như vậy, ngài ấy có thể trao cho ông một công việc mà không cần phải bước lên tàu. Nếu ông có thể hoàn thành một bài kiểm tra về trí thông minh, thì vị tuyển dụng sẽ cân nhắc điều này. Vậy đó là vị trí nào?
“Anh ấy nói với tôi rằng, ‘Tôi cũng không biết nhiều thông tin về vị trí này, bởi vì điều đó tương đối bảo mật’. Anh ấy đã nói với tôi như vậy về vị trí đó,” ông Ugent vừa cười vừa nói.
“Hãy tưởng tượng rằng bạn đang cố gắng để quảng cáo về công việc đó. Và bạn nói ‘Tôi không thể nói cho bạn biết nhiều hơn về công việc này. Bạn muốn có nó chứ?’”
Sau khi hoàn thành bài thi về trí thông minh và quá trình kiểm tra lý lịch mà đã tiêu tốn của Hải Quân đến 10.000 USD (Khoảng gần 55.000 USD thời nay), ông đã lên đường đến trại huấn luyện, nơi mà ông đã trải qua một mùa đông khắc nghiệt nằm ở vùng Hồ Great. Sau đó, ông được sắp xếp đến một căn cứ tàu ngầm bí mật ở Key West, tiểu bang Florida để huấn luyện kỹ thuật, nơi còn được gọi là Trường Học.
Lắng nghe kẻ địch
Kể từ khi ông Ugent được nhận vào vai trò hoạt động bí mật, thì những căn cứ bí mật trở nên là điều gì đó rất bình thường với ông. Những căn cứ này, ông đã được trải nghiệm một vài điều, luôn được bảo vệ bởi ít nhất một tá lính Biệt Kích Hải Quân. Ông lưu ý rằng nhân sự thuộc lực lượng đội OT và SEAL là quý hiếm và ưu tú như thế nào.
“Chỉ có 1% quân nhân đang phục vụ trong Hải Quân được chấp thuận để trở thành Biệt Kích SEAL tại bất cứ thời điểm nào, là khoảng 2,500 người trên toàn cầu. Họ chỉ có 2,500 người, tuy nhiên chúng tôi còn ít hơn, có 1,000 người thôi.” Ông đề cập đến vị trí trong đội OT của mình.
Khi Chiến Tranh Lạnh diễn ra, như nó đã từng diễn ra trong suốt hơn hai thập kỷ, nước Mỹ vẫn luôn ở trong một cuộc chiến đẫm máu với Liên Xô.
Ông Ugent và những thành viên khác của hệ thống OT được giao nhiệm vụ tìm kiếm và theo dõi những chiến hạm của Liên Xô. Họ luôn duy trì sự cảnh giác, lắng nghe bất kể thứ gì bị che dấu trong những đại dương trên toàn cầu, từ tàu ngầm, chiến hạm cho đến những chiếc du thuyền và tàu thuyền đánh bắt tôm cá.
“Chúng tôi sử dụng những bộ thiết bị thu sóng thủy lực,” ông Ugent nói. “Chúng tôi đưa các thiết bị này ra ngoài thềm lục địa. Mỗi căn cứ có hai bộ thiết bị. Có một số căn cứ thì có ba bộ. Âm thanh đến từ một phương hướng cụ thể nào đó sẽ chạm vào bộ thu sóng ở phương hướng đó trước những cái khác, do đó bạn có thể xác lập phép đo đạc tam giác(*) của âm thanh để xác định phương hướng phát ra của luồng âm thanh đó.
“Khi mà bạn có 80 thiết bị thu sóng âm thủy lực đang hoạt động, bạn có thể biết một cách chính xác là chúng phát ra từ nơi nào. Tuy nhiên ở những nơi không đủ thông tin, đó mới là điều quan trọng, và nó là cái gì? Chúng tôi có những con chip có đủ năng lực để có thể định dạng bất kỳ loại tàu nào – tàu nổi hay tàu ngầm – dựa vào âm thanh mà nó tạo ra.”
Âm thanh của Công nghệ
Công nghệ của những thiết bị thu sóng thủy lực này bắt nguồn từ lý thuyết của những nhà khoa học đại dương là Maurice Ewing và J. Lamar Worzel vào năm 1944. Họ tin rằng những âm thanh tần số thấp cách xa từ hàng trăm dặm cũng có thể được nghe thấy từ sâu bên trong lòng đại dương. Lý thuyết của họ đã được chứng thực là đúng đắn.
Vào giai đoạn cuối của Thế Chiến II, lý thuyết đã qua kiểm chứng này được đưa vào thực tiễn để sử dụng khi tìm kiếm các thủy thủ bị bắn hạ. Các thủy thủ sẽ thả một thiết bị nổ nhỏ gọn được gắn sẵn trong chiếc bè cứu sinh của họ và âm thanh của vụ nổ này sẽ được nghe thấy từ những trạm thu sóng âm và được lập phép đo tam giác để xác định vị trí của chiếc bè cứu sinh.
Trải qua nhiều năm, lực lượng Hải Quân đã sử dụng khám phá khoa học này để tạo ra công nghệ tiên tiến hơn nữa và được gọi là Sound Surveillance System – Hệ Thống Giám Sát Âm Thanh (SOSUS) nhằm để dò tìm vị trí của những chiếc tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel của Liên Xô.
Ông Ugent nói rằng những nhân viên của OT nghe được những âm thanh ở tần số rất thấp, ở mức 500 hertz và thấp hơn nữa. Ông nói rằng chiếc tàu tạo ra rất nhiều âm thanh khác nhau tùy thuộc vào thiết bị máy móc của nó, và tần số âm thanh sẽ được phát ra từ thân vỏ của chiếc tàu.
“Nếu chúng ta có thể xác định được ba hoặc bốn trong số những âm thanh này, thì chúng ta sẽ có đủ công nghệ để biết chính xác chiếc tàu đó là loại gì” ông nói. “Tất cả các chiếc tàu đều tạo ra âm thanh, nhưng không phải tất cả đều giống nhau.”
Chuỗi mệnh lệnh
Ông Ugent đã từng có mặt tại căn cứ bí mật ở trên Đảo San Nicolas bên ngoài khơi bờ biển South California, nơi này chỉ cách một cảng biển của Liên Xô xấp xỉ 14.500 cây số. Ông nói rằng gần như ngay khi chiến hạm hoặc tàu ngầm của Liên Xô vừa rời khỏi cảng – trừ đi thời gian âm thanh di chuyển qua khoảng cách – thì ông và đồng đội của mình đã có thể nhận ra và định dạng nó. Một khi thông tin tình báo đã được thu thập xong, lập tức một chuỗi mệnh lệnh ngắn được chuyển đến cho tổng thống. Việc chuyển tiếp thông tin một cách nhanh chóng là điều then chốt nhất bởi vì, theo như ông Ugent mô tả, thì mối đe dọa về tấn công hạt nhân là luôn luôn hiện hữu.
“Chúng tôi báo cáo trực tiếp cho sĩ quan ở căn cứ, sau đó bản báo cáo sẽ lên đến trung tâm – bất kể là ở Bờ Tây hoặc Bờ Đông,” ông nói tiếp “Trung tâm sẽ báo cáo trực tiếp lên cho bộ trưởng của lực lượng Hải Quân, sau đó sẽ đến bộ trưởng quốc phòng, và rồi tất cả sẽ được báo cáo cho tổng thống và phó tổng thống. Dựa vào thông tin của chúng tôi, họ sẽ ra quyết định xem toàn bộ lực lượng Hải Quân và khoảng một nửa lực lượng Không Quân sẽ làm gì tiếp theo đó.”
Giữ kín bí mật của những bí mật
Cũng giống như việc những nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ cố gắng giữ kín bí mật công nghệ hạt nhân khỏi những con mắt tò mò của Liên Xô trong dự án Manhattan(*), họ cũng đã làm điều tương tự đối với công nghệ SOSUS. Trong cả hai trường hợp, Liên Xô đều đã thành công trong việc sắp đặt gián điệp bên trong hàng ngũ của người Mỹ.
Đến cuối năm 1967, ông John Walker, một sĩ quan tham mưu trưởng của Hải Quân và là chuyên gia thông tin liên lạc của các tàu ngầm, đã bước thẳng vào Lãnh Sự Quán Liên Xô ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn và đồng ý trở thành một gián điệp. Mười tám năm sau đó, ông được cho rằng là người phá hoại an ninh tệ hại nhất trong suốt giai đoạn Chiến Tranh Lạnh.
Theo vị Bộ trưởng bộ quốc phòng khi đó là ông Caspar Weinberger, mạng lưới gián điệp của ông Walker đã cung cấp cho Liên Xô tất cả “quyền truy cập vào những dữ liệu về cảm biến, vũ khí cũng như toàn bộ chiến thuật của Hải Quân, những mối đe dọa khủng bố, chương trình huấn luyện trên không, trên mặt nước và dưới mặt nước, sơ đồ bố trí quân lực và các chiến thuật.”
Có lẽ là từ thông tin của ông Walker và những phương tiện gián điệp khác, ông Ugent đã nhận ra mình chính là trung tâm trong những nỗ lực của phía Liên Xô để thu thập thông tin về công nghệ Hải Quân tuyệt mật này.
“Cá nhân tôi có thể xác nhận đó là một ngày rất thú vị,” ông vừa cười vừa nói.
Khi ông đang đóng quân tại một căn cứ ở Đảo San Nicolas, ông và đội của mình đã dò tìm được một chiếc tàu nổi vừa mới rời khỏi một hải cảng của Liên Xô từ vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Họ đã theo dõi chiếc tàu trong khi nó đang đi vòng quanh quần đảo Aleutian, xuống đến tận vùng Bờ Biển Alaska, Canada, và tiểu bang Washington, sau đó dừng lại ở gần khu vực quận Santa Barbara, tiểu bang California, nơi mà con tàu cố gắng cập cảng. Sau khi Cảng vụ Santa Barbara từ chối cho phép tàu Liên Xô cập bến, chiếc tàu đã tiếp tục lên đường đi xa hơn về phía Nam đến tận Đảo San Nicolas.
Hòn đảo này có chu vi dài xấp xỉ 44 cây số. Căn cứ bí mật của hải quân chỉ chiếm một phần rất nhỏ diện tích của bờ biển. Kỳ lạ là, chiếc tàu Liên Xô đã dừng lại chỉ khoảng 3,2 cây số bên ngoài bờ biển, ngay phía trước của khu căn cứ. Ông Ugent lưu ý rằng việc này không chỉ vi phạm việc dừng tàu trước căn cứ, mà hòn đảo này còn không cho phép tàu thuyền vượt qua giới hạn 5 cây số bên ngoài bờ biển.
“Chúng tôi đã được triển khai hàng loạt súng trường M16 và dàn trận cách nhau 3 mét ngay bên dưới bãi biển” ông nhớ lại. “Khoảng nửa tá lính biệt kích SEAL đã phóng thuyền ra khơi và bắt gặp những người lính Liên Xô trên một chiếc tàu đổ bộ đang tiếp cận chỉ cách khoản một dăm bên ngoài và cố gắng tìm cách để lên được bờ biển. Ngay lúc đó, những chiếc chiến đấu cơ F16 của Hải Quân cũng đã bay vòng quanh ngay bên trên trời.”
Những binh lính Liên Xô ở trong chiếc thuyền nhỏ đã nói rằng tàu của họ là tàu nghiên cứu.
“Tôi giả định rằng họ là một chiếc tàu nghiên cứu và họ rất có thể có một nhóm Lính Thủy Đánh Bộ Liên Xô ở trên đó,” ông nói và cười “Họ đến làm gì? Họ đến để đột kích và cướp đoạt những con chip của chúng ta. Họ đến là để tiêu diệt chúng ta, bởi vì chúng ra chắc chắn sẽ không đầu hàng”.
Khi những biệt kích SEAL nói với nhóm người Liên Xô này rằng những chiếc F16 kia sẽ bắn chìm tàu của họ nếu như họ không rời đi, ngay lập tức nhóm người này quay thuyền, lên tàu và rời đi. Ông Ugent nói rằng chiếc tàu thật sự đã rời đi. Ông và đội của mình đã theo dõi nó trên suốt chuyến hành trình quay lại Hawaii.
“Điều thú vị về con tàu đó chính là việc không xác định được nó là cái gì? Nó thật sự là một chiếc tàu khu trục hạm của Liên Xô mà đã bị tháo bỏ những khẩu súng to lớn,” ông nói “Họ đã tháo bỏ những ụ súng và sơn lại tất cả những thứ không phải là màu trắng. Nó không có cờ, không có dấu hiệu nhận dạng. Hoàn toàn không có gì cả.”
“Chính vì nhiệm vụ của chúng tôi là phải biết rõ nó là cái gì, do đó chúng tôi đã biết về nó. Chúng tôi đã biết ngay khi nó vừa rời khỏi cảng. Thậm chí là khi nó còn chưa ra khỏi các đại dương thì tổng thống đã biết rõ thông qua những gì chúng tôi đã làm.”
Một thời đại nhiều nguy hiểm hơn
Ông Ugent đã xuất ngũ khỏi lực lượng Hải Quân từ năm 1980 và cũng không theo dõi các con tàu kể từ khi đó. Tuy nhiên ông vẫn theo dõi các sắc thái của cuộc Chiến Tranh Lạnh, cái mà ông cho rằng không bao giờ kết thúc. Ông nói rằng cuộc chiến bây giờ là bí mật, không còn công khai nữa. Và cũng giống như nhiều thập kỷ của cuộc Chiến Tranh Lạnh công khai, mối đe dọa về nhiệt hạch hạt nhân vẫn là một sự nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng.
“Chính quyền Trung Quốc hiện nay là mối đe dọa to lớn bởi vì họ thậm chí có những tư tưởng sâu sắc hơn về việc kiểm soát mọi thứ, còn lớn hơn rất nhiều so với Liên Xô.” Ông nói
“Những người Liên Xô ham muốn khối Đông phương và toàn bộ khu vực đó. Còn chính quyền Trung Quốc thì lại muốn tất cả mọi thứ. Họ không giống như quốc gia chúng ta, nơi mà chúng ta nghĩ về những kế hoạch hai năm và bốn năm. Còn họ thì suy nghĩ đến hàng trăm năm tiếp sau. Đó là một mối đe dọa khác xa so với những người Liên Xô.
“Điều nguy hại hơn là có những quốc gia không hành động một cách đúng mực, như đất nước Iran và Bắc Hàn. Có thể nói rằng họ là những khẩu đại bác lỏng lẻo. Thế giới ngày nay là nguy hiểm hơn rất nhiều so với những năm 70 mà tôi đã phục vụ.”
Chú thích của dịch giả:
Phép đo đạc tam giác – Trong lượng giác và hình học, vị trí của một điểm C có thể tìm ra bằng cách đo góc của nó với 2 điểm A, B đã biết trước. Hai điểm A, B sau này cùng nằm trên một đường thẳng. Vị trí của điểm C chính là điểm thứ ba của 1 tam giác với một cạnh biết trước và 2 góc biết trước
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times