Luật sư ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị bỏ tù ám chỉ quy trình tư pháp là giả tạo
Cô Trâu Hạnh Đồng giải thích về thủ tục và hiệu quả của các lá thư xin giảm án
Cô Trâu Hạnh Đồng (Tonyee Chow Hang Tung), một luật sư Hồng Kông bị bỏ tù hơn một năm với tội danh “kích động lật đổ quyền lực nhà nước,” đã đăng một bức thư có nhan đề “Tự Truyện Một Trang” hôm 24/01, vào dịp sinh nhật lần thứ 38 của cô, chia sẻ quan điểm của cô về các lá thư xin giảm án cùng hệ thống tư pháp nơi đây.
Cô Trâu giải thích, sau khi bước vào nghề, cô phát hiện ra rằng việc hiểu thấu đáo về thân chủ là một điều xa xỉ. Thông thường, luật sư tư vấn chỉ có “năm hoặc mười phút để hỏi một bị cáo về các thông tin, đây chỉ là lúc để hỏi những câu hỏi rập khuôn, nhận được những câu trả lời rập khuôn, và viết những câu văn rập khuôn.”
Cô tin rằng nếu cuộc sống cá nhân của một bị cáo được tóm tắt chỉ trong vài phút, thì bản tóm tắt ấy sẽ không có gì khác ngoài thông tin về xuất thân, số lượng thành viên trong gia đình, công việc, thu nhập, sức khỏe, suy nghĩ của thân chủ về những gì đã xảy ra, và xin tòa cho hưởng lượng khoan hồng.
Cô cho rằng đối với hầu hết các bị cáo, cho dù mức độ hối hận và cuộc sống của họ có khốn khổ đến đâu, thì tất cả những thứ đó đều là vô ích. Lý do đáng tin cậy duy nhất để được giảm án là nhận tội.
Trong ba năm qua, hàng ngàn người Hồng Kông đã bị cảnh sát đưa ra tòa vì tham gia phong trào chống dẫn độ. Một số người trong số họ đã bị bỏ tù hàng tháng, thậm chí hàng năm dài mà không được xét xử, và một số thậm chí phải chịu nhiều tội danh.
Để giảm bớt đau khổ cho các thân chủ của mình, nhiều luật sư sẽ thuyết phục họ nhận tội và “tỏ ra ăn năn” khi họ làm như vậy.
Cô Trâu đã giải thích cảm nghĩ của cô về các luật sư và hệ thống tư pháp Hồng Kông: các luật sư nói về cuộc đời của bị cáo và kể tóm lược về bị cáo theo cách mà hệ thống này sẵn lòng chấp nhận — hãy tạm gọi đó là “xét xử chuyên nghiệp.” Cách hiểu của thân chủ về cuộc sống của chính họ như thế nào không quan trọng, họ thậm chí còn không được phép lên tiếng vì đã có một luật sư.
Thư xin giảm án dài một trang ‘thật hiệu quả nhưng cũng thật giả tạo’
Cô đã đặt câu hỏi về giá trị cuộc sống của một người khi cuộc đời đó chỉ được gói gọn trong một trang thư xin giảm án, nơi mà người ta có thể đưa vào một kịch bản về sự ăn năn. “Thật hiệu quả nhưng cũng thật giả tạo.” Một người luật sư chỉ là một đồng phạm trong mô hình hoạt động kiểu “dây chuyền lắp ráp” này. Cô nói rằng cô đã nhiều lần tổng kết và thậm chí tạo ra cuộc sống của người khác trong một vài từ. “Tòa án có thực sự sẵn sàng lắng nghe những mô tả thực về cuộc sống, những suy nghĩ thực, hay chỉ sự phục tùng và hợp tác mới là những gì tòa theo đuổi?”
Cô Trâu đã kể lại lời khuyên từ giảng viên khoa luật của cô. Vị giảng viên ấy nói rằng công việc thay mặt xin giảm án là vô cùng quan trọng. “Kết án hay không là một trò chơi tấn công và phòng thủ qua lại trong phạm vi hẹp giữa bên công tố và bên bào chữa. Chỉ thông qua việc thay mặt xin giảm án, các em mới có thể giúp thẩm phán biết về thân chủ, đó là trách nhiệm thiêng liêng của luật sư chúng ta …. nhưng đừng dài dòng, thẩm phán rất bận, nên thư xin giảm án không được dài quá một trang.”
Một số tù nhân đã nhờ cô Trâu viết giúp thư xin giảm án cho họ, nhưng cô luôn phải điều chỉnh kỳ vọng của họ, nói với họ rằng “rất có thể sẽ không có gì thay đổi.” Vậy mà các tù nhân vẫn trả lời rằng họ luôn hy vọng sẽ thay đổi được điều gì đó. Cô Trâu hỏi: “Gieo cho họ niềm hy vọng là đúng hay sai?”
Cô Trâu hỏi rằng, có phải tòa án không quan tâm đến các bị cáo, có phải tòa chỉ muốn các bị cáo tỏ ra “ăn năn,” hay chỉ muốn có được sự phục tùng và hợp tác?
Cô đã dẫn lời các thẩm phán nói rằng “tòa án không phải là nơi để đưa ra các tuyên bố chính trị.” Cô đáp lại, “nếu đó là sự thật, thì tòa không có quyền kết tội chúng tôi.”
Nhận xét từ người dân địa phương
Gần một trăm cư dân mạng đã để lại bình luận bên dưới bài đăng này để gửi những lời chúc tốt đẹp đến cô Trâu, trong đó có cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Trần Vĩ Nghiệp (Albert Chan Wai-yip), người tin rằng “Lịch sử sẽ phán xét cô vô tội! Hãy bảo trọng và giữ an toàn.”
Nhân viên truyền thông cao cấp Trình Tường (Ching Cheong) viết: “Chúc mừng sinh nhật, và cảm ơn cô vì sự cống hiến của cô cho Hồng Kông. Cảm ơn cô đã nói lên sự thật và dũng cảm chấp nhận những khó khăn không đáng có để bảo vệ sự thật. Người dân Hồng Kông tự hào về cô vì cô đã trở thành một biểu tượng lương tâm cho người dân ở Hồng Kông và đại lục.”
Hành trình cuộc đời của cô Trâu
Cô Trâu Hạnh Đồng tốt nghiệp Trường Nữ sinh Anh Hoa danh giá và từng đạt “5A (5 môn đều đạt điểm A)” trong Kỳ thi Trình độ Cao cấp Hồng Kông năm 2003. Cô đã được nhận vào theo học tại Khoa Khoa học Tự nhiên của Đại học Cambridge.
Năm 2008, một trận động đất lớn đã xảy ra ở Vấn Xuyên, Trung Quốc. Cô Trâu, khi đó đang là một nghiên cứu sinh tiến sĩ địa vật lý tại Đại học Cambridge, đã hy vọng được tiến hành nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc nhưng không được phép vì Đại học Cambridge là một tổ chức nghiên cứu khoa học ở hải ngoại. Cô đã bắt đầu cảm thấy rằng quá say mê nghiên cứu khoa học sẽ không giúp ích gì nhiều cho mọi người.
Cô đã từ bỏ việc học tiến sĩ và quay trở lại Hồng Kông để học luật tại Đại học Hồng Kông và đủ điều kiện trở thành một luật sư vào năm 2016.
Cô Trâu tham dự cuộc biểu tình hàng năm vào ngày 04/06 (ngày tưởng niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn) tại Công viên Victoria ở Hồng Kông cùng gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Cô đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày 04/06 tại địa phương ở Vương quốc Anh trong khi học tại Đại học Cambridge, mở đầu cho việc tham gia phong trào xã hội này ở Hồng Kông trong tương lai.
Cô Trâu đã được bầu làm một thành viên của Ủy ban Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc vào năm 2014 và sau đó giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban vào năm 2015.
Vào sáng ngày 04/06 năm 2021, cô Trâu đã bị buộc tội truyền bá và kêu gọi tham gia cuộc biểu tình ngày 04/06 và bị bắt.
Sau đó, cô bị buộc tội “xúi giục người khác tham gia một cách có chủ ý và bất hợp pháp vào một cuộc tụ tập không được chấp thuận” và bị kết án 15 tháng tù vào tháng 01/2022. Cô đã kháng cáo bản án và phán quyết này. Hồi tháng 12/2022, Thẩm phán Barnes của Tòa Cấp cao (High Court) đã ra phán quyết cho phép kháng cáo, và bản án cũng như phán quyết này đã bị hủy bỏ. Bộ Tư pháp Hồng Kông đã không chấp nhận phán quyết của Tòa Cấp cao và đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa Chung thẩm (Court of Final Appeal), nơi đơn này được phê chuẩn hôm 19/01 năm nay.
Nie Law, Shan Lam, và Harry McKenny thực hiện
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times