Luật sư người Anh bác bỏ tuyên bố phủ nhận thu hoạch nội tạng của Đại sứ quán Trung Quốc
Gần đây, một tạp chí của Ý đã phát hành một báo cáo trong đó phơi bày hoạt động thu hoạch nội tạng quy mô công nghiệp hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào các tù nhân lương tâm như học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhưng ngay sau đó Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với báo cáo trên, đồng thời họ cũng bác bỏ phán quyết của một tòa án độc lập về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống.
Tòa án Luận tội Trung Quốc là một tòa án nhân dân độc lập do Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC) khởi xướng.
Luật sư hình sự quốc tế Eleanor Stephenson đã bác bỏ tuyên bố nói trên của Đại sứ quán Trung Quốc trong một thư điện tử gửi hôm 22/09. Cô Stephenson là nhân viên pháp lý của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc. Cô hiện đang làm việc trong lĩnh vực bảo vệ pháp lý tại Phòng Chuyên gia Kosovo tại The Hague. Cô cũng là một luật sư tranh tụng đủ điều kiện ở Anh và xứ Wales, Vương quốc Anh.
Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc là xúc phạm, gây hiểu lầm, và vô căn cứ
Hồi cuối tháng Tám năm nay, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đã tuyên bố trên trang web của họ rằng, “Ở Trung Quốc, nội tạng đến từ việc hiến tặng tự nguyện là nguồn cấy ghép nội tạng người hợp pháp duy nhất.” Về vấn đề này, luật sư Stephenson nói với The Epoch Times rằng tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ, cũng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để bác bỏ phán quyết của Tòa án Luận tội Trung Quốc rằng ĐCSTQ đang thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống.
“Phản ứng của Đại sứ quán (Trung Quốc) là xúc phạm, vô căn cứ, và gây hiểu lầm,” cô Stephenson nói.
“Bất kỳ khẳng định nào được đưa ra cần có sự hỗ trợ của sự kiện và bằng chứng. Đại sứ quán đã không cung cấp bằng chứng cho nhiều tuyên bố như ‘ở Trung Quốc, nội tạng đến từ việc hiến tặng tự nguyện là nguồn cấy ghép nội tạng người hợp pháp duy nhất.’”
“Chỉ dựa vào điểm này, tuyên bố (của Đại sứ quán Trung Quốc) nên bị bác bỏ,” cô nói.
“Bất chấp các bằng chứng chắc chắn về việc thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công và các nhóm người bị bức hại khác, phía Trung Quốc dường như không muốn hoặc không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để bác bỏ suy luận rõ ràng về nạn thu hoạch nội tạng sống phổ biến và có hệ thống ở Trung Quốc.”
Luật sư Stephenson nói: “Một sự phản đối [vốn] vô tội nhưng nếu không có bằng chứng, có thể trở thành có tội.”
Sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ bắt đầu vào năm 2000, trùng với thời điểm ĐCSTQ tiến hành cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Trong hơn một thập niên qua, cộng đồng quốc tế đã đưa ra nhiều báo cáo cáo buộc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống như các học viên Pháp Luân Công.
Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ bắt đầu thiết lập cái gọi là “hệ thống hiến tạng” và tuyên bố rằng quá trình cải tổ cấy ghép nội tạng sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2015.
Tháng 11/2019, một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc (Australian National University) đã phát hiện rằng dữ liệu chính thức của Trung Quốc về hiến tạng đã bị làm giả một cách có hệ thống. Nghiên cứu cho thấy trong những năm qua, số liệu hiến tặng bộ phận cơ thể người của Trung Quốc “gần như trùng khớp với công thức toán học.”
ĐCSTQ chưa từng cử đại diện tham dự phiên tòa của Tòa án Luận tội Trung Quốc
Luật sư Stephenson nói rằng ĐCSTQ chưa bao giờ cử đại diện tham gia phiên tòa của Tòa án Luận tội Trung Quốc mặc dù họ đã nhiều lần nhận được lời mời.
“Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được mời tham dự phiên tòa (xét xử) của ‘Tòa án Luận tội Trung Quốc’ năm lần, nhưng những lời mời này chưa bao giờ được phản hồi.”
Cô Stephenson nói: “Tòa án Luận tội Trung Quốc, một tòa án nhân dân độc lập, đã xem xét nhiều bằng chứng về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống trong khoảng thời gian 12 tháng. Từ tháng 12/2018 đến tháng 04/2019, họ đã thẩm vấn hơn 50 nhân chứng thực tế, các chuyên gia, nhà điều tra, và nhà phân tích trong phiên điều trần công khai kéo dài năm ngày. Tòa đã xem xét các ý kiến bằng văn bản, báo cáo điều tra, và tài liệu học thuật, đồng thời thu thập lời khuyên từ các chuyên gia pháp lý về luật pháp quốc tế, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến tội ác quốc tế quan trọng (tội ác phản nhân loại và tội diệt chủng).”
Tòa án Luận tội Trung Quốc: ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống từ tù nhân lương tâm
Luật sư Stephenson cho biết sau khi xem xét một lượng lớn bằng chứng, Tòa án Luận tội Trung Quốc đã phán quyết rằng ĐCSTQ đang thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm trên quy mô lớn, bao gồm các học viên Pháp Luân Công.
Cô nói: “Tòa kết luận, ‘các thành viên của tòa án xác định – không còn nghi ngờ gì nữa – rằng hoạt động thu hoạch nội tạng sống đã diễn ra ở Trung Quốc trong một thời gian đáng kể, liên quan đến một số lượng lớn nạn nhân.’”
“Tòa cũng cho rằng ‘những tội ác phản nhân loại (của ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ đã được chứng minh là sự thật.’ Các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc là một trong số đó – và, có lẽ là nguồn nội tạng chính.”
Cô Stephenson nói rằng Nghị viện Âu Châu gần đây đã thông qua một nghị quyết lên án việc ĐCSTQ tiếp tục thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
“Vào ngày 03/05/2022, Nghị viện Âu Châu đã thông qua ‘Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu về Báo cáo Tiếp tục Thu hoạch Nội tạng ở Trung Quốc” [2022/2657 (RSP)], lên án hoạt động thu hoạch nội tạng [của ĐCSTQ], cô nói.
ĐCSTQ tấn công luật sư vì cảm thấy bị đe dọa
Trước cuộc công kích cá nhân của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đối với ngài Geoffrey Nice, chủ tọa của Tòa án Luận tội Trung Quốc, luật sư Stephenson nói, “Việc chính phủ Trung Quốc đưa ra những khẳng định mà không có dữ kiện hoặc bằng chứng, là không thỏa đáng. Chính phủ [Trung Quốc] cảm thấy buộc phải tấn công ngài Geoffrey Nice.”
Ngoài đảm trách chức chủ tọa của Tòa án Luận tội Trung Quốc, ông Nice còn là một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực hình sự quốc tế, là người đứng đầu vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế từ năm 1998 đến 2006. Từ năm 2009 đến 2012, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Luật sư, cơ quan giám sát các luật sư. Từ năm 2012 đến năm 2016, ông là Giáo sư Luật tại trường Cao đẳng Gresham, London.
“Ông (Nice) là một luật sư độc lập và không liên quan gì đến Trung Quốc hay Pháp Luân Công,” cô Stephenson nói.
“Cách mà luật sư Nice bị tấn công cho thấy rằng [ĐCSTQ] đang cố gắng xoa dịu tội lỗi do chính mình tạo ra, chứ không phải để [chứng minh] mình vô tội.”
“ĐCSTQ đã tấn công ông Geoffrey Nice, cũng giống lý do họ đã tấn công Pháp Luân Công: cả hai đều bị coi là mối uy hiếp đối với nhà cầm quyền.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một phương pháp tu luyện truyền thống của Phật gia dựa trên những nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, bao gồm năm bài công pháp tĩnh tại. Sau khi được hồng truyền vào năm 1992 tại Trung Quốc, pháp môn này đã được công chúng đón nhận rộng rãi. Năm 1999, ông Giang Trạch Dân, tổng bí thư của ĐCSTQ khi đó, vì lo sợ trước sự phổ biến của môn tập, nên ông ta đã ra lệnh xóa sổ pháp môn này.
Cuộc bức hại đã kéo dài trong suốt 23 năm qua. Theo trang web Minghui.org, thống kê chỉ tính riêng từ tháng Bảy đến tháng Tám năm 2022 cho thấy có ít nhất 1,850 học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bắt cóc và sách nhiễu. Trong đó, 614 gia đình bị lục soát bất hợp pháp, 62 người bị cưỡng bức đưa đến các lớp tẩy não, và 18 học viên bị bị bức hại đến tử vong.
Về tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý phủ nhận sự tồn tại của “tội ác diệt chủng” và “tội ác phản nhân loại” ở Tân Cương, luật sư Stephenson nói:
“Tòa án Duy Ngô Nhĩ là một tòa án nhân dân độc lập được thành lập vào tháng 09/2020 để điều tra ‘các hành động tàn bạo tiếp tục xảy ra và có khả năng diệt chủng’ đối với người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, và các cộng đồng Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ khác, vào tháng 06 và tháng 09/2021, đã nghe hơn 70 nhân chứng trong hai phiên điều trần ở London. Tòa phát hiện: không nghi ngờ gì về việc ĐCSTQ tra tấn người Duy Ngô Nhĩ; không nghi ngờ gì về việc ĐCSTQ đã phạm tội ác phản nhân loại; không nghi ngờ gì về việc ĐCSTQ, thông qua việc thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh nở, âm mưu xóa sổ hầu hết người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, do đó đã phạm vào tội diệt chủng.”
“Các phát hiện của Tòa án Duy Ngô Nhĩ đã được kiểm chứng bởi nhiều nguồn có thẩm quyền bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế, tạp chí nhân quyền Bitter Winter, và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.”
Về việc ĐCSTQ can thiệp vào báo cáo thu hoạch nội tạng sống trên tạp chí Panorama của Ý, luật sư Stephenson nói rằng, “Loại can thiệp này có thể là một ví dụ về chính sách mặt trận thống nhất của ĐCSTQ. Chính sách bao gồm loại bỏ ‘địch thủ’ bên trong và bên ngoài, cũng như thực hiện quyền kiểm soát đối với một số nhóm.”
ĐCSTQ cản trở điều tra về thu hoạch nội tạng
Luật sư Stephenson nói rằng bằng chứng về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống, người Duy Ngô Nhĩ và các tù nhân lương tâm khác là rõ ràng và thuyết phục, nhưng ĐCSTQ đã né tránh điều đó.
Cô nói: “Có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng nạn thu hoạch nội tạng đang diễn ra trên khắp Trung Quốc, kể cả ở Tân Cương.”
“Phản ứng của chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không gì khác ngoài sự trốn tránh.”
Cô kêu gọi ĐCSTQ cho phép cộng đồng quốc tế tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vấn thu hoạch nội tạng sống.
“Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần nhắc lại những yêu cầu rất hợp lý rằng – ĐCSTQ nên tham gia có tính xây dựng, bằng cách cung cấp (cho bên ngoài) quyền truy cập không bị kiểm duyệt và minh bạch vào dữ liệu ghép tạng và hiến tạng của Trung Quốc.”
Sau khi tấm màn đen về nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ được vén mở vào năm 2006, luật sư nhân quyền quốc tế David Matas và các điều tra viên khác đã nhiều lần đề nghị được vào Trung Quốc đại lục để điều tra độc lập, nhưng ĐCSTQ luôn từ chối.
Do Lý Thần thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ