Lông mi giả của Bắc Hàn vào thị trường phương Tây bằng cách lợi dụng Trung Quốc để trốn tránh chế tài trừng phạt
Lông mi giả của Bắc Hàn đang được bán trong các cửa hàng làm đẹp trên khắp thế giới với chiêu bài “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) để trốn tránh chế tài trừng phạt. Kim ngạch tiêu thụ hàng triệu USD thu được từ mặt hàng này đã giúp thúc đẩy việc khôi phục xuất cảng của Bình Nhưỡng hồi năm ngoái.
Theo báo cáo của tờ Reuters, việc gia công và đóng gói lông mi giả của Bắc Hàn được thực hiện công khai ở nước láng giềng Trung Quốc, mà Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Hàn. Điều này mang đến cho chính quyền ông Kim Jong-un con đường trốn tránh các chế tài trừng phạt quốc tế, đồng thời cũng giúp Bắc Hàn thu về nguồn ngoại tệ quan trọng.
Báo cáo cho thấy kể từ năm 2002, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Bắc Hàn. Đặc biệt kể từ năm 2009, thị phần ngoại thương của Trung Quốc với Bắc Hàn đã tăng mạnh, lên tới 90% vào năm 2016.
Hãng thông tấn Reuters đã tiến hành phỏng vấn với 20 người. 15 người trong số họ làm việc trong ngành lông mi, ngoài ra còn có các luật sư thương mại và chuyên gia kinh tế Bắc Hàn. Theo lời kể của họ, các công ty Trung Quốc nhập cảng bán thành phẩm từ Bắc Hàn, sau đó gia công hoàn chỉnh và đóng gói thành sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Tám nhân viên công ty trực tiếp tham gia vào ngành thương mại này cho biết lông mi thành phẩm sau đó sẽ được xuất cảng sang các thị trường như phương Tây, Nhật Bản, Nam Hàn, v.v.
Từ lâu Bắc Hàn đã là nước xuất cảng chủ yếu các sản phẩm làm đẹp như tóc giả và lông mi giả. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 (virus Trung Cộng), Bắc Hàn đã đóng cửa đất nước khiến xuất cảng giảm mạnh.
Theo các tài liệu của hải quan và bốn nhân vật có tiếng trong ngành, phần lớn việc xuất cảng lông mi giả của Bắc Hàn thông qua Trung Quốc được khôi phục vào năm 2023. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất cảng của Bắc Hàn sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi sau khi biên giới (Bắc Hàn) mở cửa trở lại hồi năm ngoái.
Năm ngoái, tóc giả và lông mi giả chiếm gần 60% tổng lượng hàng xuất cảng được khai báo của Bắc Hàn sang Trung Quốc. Năm 2023, Bắc Hàn xuất cảng tổng cộng 1,680 tấn lông mi giả, râu, và tóc giả sang Trung Quốc, trị giá khoảng 167 triệu USD.
“Phát triển lớn mạnh” nhờ sản phẩm của Bắc Hàn
Theo ba vị giám đốc nhà máy ở Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu hợp tác với các nhà máy sản xuất lông mi của Bắc Hàn từ đầu những năm 2000. Những người trong ngành cho biết thị trấn nhỏ ở miền đông Trung Quốc có tên Bình Độ được mệnh danh là “thủ đô lông mi của thế giới”. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Bắc Hàn.
Chính quyền ở Bình Độ cho biết, thị trấn với khoảng 1.2 triệu dân này chiếm 70% sản lượng lông mi giả toàn cầu. Theo ước tính của nhà sản xuất hộp lông mi Kali của Trung Quốc công bố trên trang web của công ty này, vào năm 2023, có khoảng 80% các nhà máy sản xuất lông mi ở Bình Độ mua hoặc gia công nguyên liệu thô và bán thành phẩm từ Bắc Hàn.
Gia tộc cô Vương Đình Đình (Wang Tingting) sở hữu một công ty xuất cảng những sản phẩm như vậy sang Hoa Kỳ, Brazil, và Nga. Cô cho biết rất nhiều công ty ở Bình Độ đóng gói lông mi giả chủ yếu do người Bắc Hàn sản xuất, chẳng hạn như Monsheery.
Cô tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters rằng Monsheery phát triển từ một xưởng sản xuất nhỏ của gia đình với sự trợ giúp từ các sản phẩm của Bắc Hàn. Hồ sơ cho thấy công ty này được thành lập vào năm 2015.
Ông Thôi Hồ Triết (Cui Huzhe) là đại diện của một nhà máy Bắc Hàn. Nhà máy này đã thành lập một doanh nghiệp liên doanh với đối tác Trung Quốc mang tên “Công ty mậu dịch liên hợp gia công Hàn Trung.” Ông cho biết, công ty Bắc Hàn này đã vận chuyển lông mi bán thành phẩm sang Trung Quốc, sau đó bán sản phẩm cho các thị trường bao gồm Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, và Nam Hàn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các chuyên gia quốc tế ước tính Bắc Hàn lấy đi tới 90% thu nhập từ ngoại quốc của công dân nước này, khiến rất nhiều người trong số họ sống trong cảnh nghèo đói. Hãng thông tấn Reuters không thể xác định được số tiền thu được từ việc bán lông mi giả được chuyển về chính quyền ông Kim Jong Un, và số tiền đó được sử dụng như thế nào.
Ông Tân Đông Xán (Shin Tong-chan), một luật sư về chế tài ở Seoul, cho biết: “Chúng ta không thể không giả định rằng… hàng triệu USD mà Bắc Hàn kiếm được hàng tháng từ việc buôn bán lông mi đang được chính quyền ông Kim Jong-un sử dụng.” Quan điểm của ông đã được hai chuyên gia thương mại quốc tế khác xác nhận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng “là hai nước bằng hữu.”
Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cố gắng thông qua gần mười nghị quyết chế tài nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các nghị quyết này hạn chế khả năng buôn bán các sản phẩm như than, dệt may và dầu mỏ, v.v., đồng thời áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với người Bắc Hàn làm việc ở ngoại quốc.