Lợi suất công khố phiếu 10 năm của Hoa Kỳ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007 sau biên bản họp của Fed
Lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm chuẩn đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 16 năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang đề nghị trong biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy rằng, có thể sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn để chống lại “rủi ro lạm phát tăng đáng kể.”
Lợi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng 3 điểm cơ bản để kết thúc phiên giao dịch ngày 16/08 ở mức 4.29% — mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2007. Lợi suất thực tế (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) là 1.9%, cao nhất kể từ tháng 07/2009.
Thị trường công khố phiếu nhìn chung đã tăng trên diện rộng. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm đã tăng 1.1 điểm cơ bản lên 4.991%, trong khi lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 30 năm tăng 2.1 điểm cơ bản lên 4.381%.
Fed đã công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hôm 16/08. Các thành viên của ủy ban đã kiềm chế tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát của họ, và cảnh báo “những rủi ro lạm phát tăng đáng kể” có thể đòi hỏi cần thắt chặt tiền tệ thêm nữa để đạt được mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, những người tham gia cuộc họp cũng đã thận trọng về những rủi ro của việc tăng lãi suất quá cao vì chính sách tiền tệ vốn dĩ đã ở mức thắt chặt rồi. Bản tóm tắt cuộc họp nêu rõ, “Một số người tham gia đã đánh giá rằng, với lập trường chính sách tiền tệ thuộc phạm vi thắt chặt, rủi ro đối với việc đạt được các mục tiêu của Ủy ban đã trở nên có tính hai mặt hơn, và điều quan trọng là các quyết định của Ủy ban phải cân bằng giữa rủi ro của việc vô ý thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức và cái giá của việc thắt chặt không đủ.”
Kể từ tháng 03/2022, Fed đã tăng lãi suất 11 lần với tổng cộng khoảng 525 điểm cơ bản lên một phạm vi lãi suất mục tiêu từ 5.25% đến 5.5%. Tổ chức này đã giữ ổn định lãi suất quỹ liên bang chuẩn trong tháng Sáu để đánh giá nền kinh tế tổng thể và xác định xem liệu chu kỳ thắt chặt có làm dịu được các điều kiện kinh tế, giải quyết lạm phát, và dập tắt được thị trường lao động hiện đang quá nóng hay không.
Trước cuộc họp FOMC tháng Chín, sẽ có một báo cáo việc làm khác và nhiều số liệu lạm phát hơn để xem xét.
Trong khi chờ đợi, các nhà đầu tư sẽ để mắt đến hội nghị chuyên đề hàng năm của Ngân hàng Fed thành phố Kansas tại Jackson Hole, Wyoming, sẽ diễn ra từ ngày 24/08 đến ngày 26/08.
Lợi suất và lãi suất công khố phiếu
Có phải lợi suất công khố phiếu tăng cao đã trở thành chuyện thường? Khi thị trường công khố phiếu tiếp tục chạm những mức cao mới về lợi suất, thì điều này đã trở thành chủ đề tranh luận mới nhất trên các thị trường tài chính.
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers tin rằng lãi suất dài hạn cao hơn “sẽ ở lại với chúng ta lâu dài” và thậm chí có thể còn có xu hướng lên cao hơn nữa. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm có thể đạt mức trung bình 4.75% trong thập niên tới sau khi đạt mức trung bình khoảng 2.9% trong hai thập niên qua.
“Tôi không đặc biệt xem mức lãi suất dài hạn hiện nay là mức cao nhất,” ông Summers nói với Bloomberg TV hôm 16/08, đồng thời cho biết thêm rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở một thời đại khác, ám chỉ những thay đổi trong thị trường lao động và thương mại quốc tế.
Nếu những dự đoán của ông Summers là chính xác, thì lợi suất công khố phiếu tăng sẽ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế thực, đặc biệt là trên thị trường cho vay thế chấp.
Lãi suất cho vay thế chấp thường tham chiếu theo lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm. Vì vậy, do lãi suất của loại trái phiếu chuẩn này đã có xu hướng tăng lên kể từ giữa năm 2020, nên lãi suất cho vay thế chấp cố định trung bình kỳ hạn 30 năm cũng tăng theo.
Bà Wendy Edelberg và bà Noadia Steinmetz-Silber đến từ Viện Brookings viết: “Lãi suất cho vay thế chấp cao hơn có thể sẽ tồn tại trong một thời gian, nhưng việc tình trạng không chắc chắn giảm bớt có thể làm giảm lãi suất cho vay thế chấp xuống một cách có ý nghĩa.”
Theo Hiệp hội Ngân hàng cho vay Thế chấp (MBA), lãi suất cho vay thế chấp kỳ hạn 30 năm đã tăng lên 7.16% trong tuần kết thúc hôm 11/08.
Trong khi đó, lạm phát kéo dài, khả năng tăng tốc trở lại của lạm phát căn bản và tiền lương, và “một cơn bão hoàn hảo gồm các yếu tố khác nhau” có thể khiến lợi suất công khố phiếu dài hạn tăng cao hơn, theo ông Patrick Saner, người đứng đầu chiến lược vĩ mô của Viện Swiss Re Institute.
Đầu tháng này, Bộ Ngân khố đã công bố một nguồn cung nợ cao hơn dự kiến là 1,007 nghìn tỷ USD trong quý 3. Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ. Fed đã phát đi tín hiệu rằng việc thắt chặt tiền tệ có thể sẽ còn tiếp tục sang năm 2024 vì lạm phát được dự đoán sẽ không giảm xuống mức mục tiêu 2% cho đến năm 2025. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã giảm sự kiểm soát đường cong lợi suất của họ, có khả năng dẫn đến nhu cầu ít hơn từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
“Những yếu tố này cho thấy mức cung nợ của Hoa Kỳ tăng cao, và đặt ra câu hỏi về việc khu vực tư nhân sẽ có thể hấp thụ được toàn bộ lượng cung nợ này dễ dàng như thế nào và liệu Hoa Kỳ có phải đối mặt với các vấn đề về tín nhiệm nợ hay không,” ông Saner viết trong một ghi chú nghiên cứu. “Chúng tôi ‘lạc quan’ hơn: theo quan điểm của chúng tôi, yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ các mức lợi suất dài hạn là khả năng phục hồi kinh tế liên tục và tiến trình giảm lạm phát vẫn còn chậm chạp cho đến nay, cho thấy lãi suất [chính sách] sẽ vẫn tăng.”
Các chiến lược gia của RBC cho biết, sự lạc quan ngày càng tăng xung quanh khả năng hạ cánh mềm có thể làm giảm bớt lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay và có khả năng đảo ngược quỹ đạo đi lên của lợi suất công khố phiếu.
Công khố phiếu kỳ hạn 10 năm, thường nhạy cảm với triển vọng kinh tế, đã có được sự ủng hộ bổ sung trong tuần này nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh hơn dự kiến. Trong tháng Bảy, doanh số bán lẻ tăng 0.7%, vượt qua mức ước tính đồng thuận 0.4%. Kết quả này đã dẫn đến ước tính tăng trưởng GDP thực theo mô hình GDPNow của Ngân hàng Fed Atlanta cho quý 3 tăng vọt lên 5.8% từ mức 5% vào hôm 15/08.
Đồng thời, biên bản tháng Bảy nhấn mạnh rằng các quan chức Fed vẫn đang ưu tiên ổn định giá cả hơn mọi thứ khác, vì vậy dữ liệu kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh lạm phát trên xu hướng có thể thúc đẩy các quan chức tiếp tục tăng lãi suất.
Các chiến lược gia của nhà băng này viết trong một ghi chú: “Việc lãi suất có giữ được ở mức ổn định trong ngắn hạn hay không có thể được quyết định bởi tâm lý xung quanh biên bản họp của Fed hôm nay.”
Mặc dù các nhà kinh tế đang thảo luận về việc cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới do có ba thách thức — điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, việc xóa nợ cho sinh viên, và tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch đang dần cạn kiệt — một loạt các quan chức Fed đã tranh luận rằng ngân hàng trung ương có đủ dư địa để tăng lãi suất lâu hơn nữa.
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times