Quan chức Fed kêu gọi quy định chặt chẽ hơn ‘đáng kể’ đối với các ngân hàng, khiến cổ phiếu lao dốc
Một quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang đã kêu gọi các quy định chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng khu vực, khi ông cho biết hôm thứ Ba (15/08) rằng đề nghị được công bố mới đây về việc quy định các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với vốn ngân hàng là chưa đủ, trong bối cảnh chỉ số ngân hàng S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng.
Tại một sự kiện hội thảo vấn đáp ở Minnesota hôm 15/08, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Minneapolis, ông Neel Kashkari, đã được hỏi về một đề nghị gần đây do các nhà quản lý ngân hàng của Hoa Kỳ đưa ra nhằm yêu cầu các ngân hàng lớn hơn nắm giữ nhiều vốn hơn như một bước đệm khẩn cấp trong các cuộc khủng hoảng.
Khuôn khổ đề nghị mới (pdf), được mệnh danh là “hồi kết Basel III,” sẽ buộc những nhà cho vay hiện hành của Hoa Kỳ phải dành ra tổng cộng hàng tỷ dollar để tăng khả năng bù đắp tổn thất khi tình hình trở nên khó khăn.
Sau nhiều bàn thảo, các quy tắc này sẽ yêu cầu tất cả các ngân hàng Hoa Kỳ đủ điều kiện đều phải nắm giữ thêm 2 điểm phần trăm vốn ngoài những mức hiện tại.
‘Chưa đủ’
Các nhà quản lý đã bày tỏ sự tin tưởng rằng các ngân hàng Hoa Kỳ có thể chịu được gánh nặng bổ sung thêm liên quan đến các yêu cầu về vốn gắt gao hơn này.
Một số người trong ngành ngân hàng đã cảnh báo rằng các quy tắc được đề nghị sẽ làm tăng chi phí vay cho người tiêu dùng và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Mặc dù các quy tắc được đề nghị chỉ áp dụng cho các ngân hàng lớn hơn với tổng tài sản trên 100 tỷ USD, nhưng ông Kashkari nói rằng ông nghĩ mạng lưới quy định này nên được áp dụng rộng rãi hơn.
Ông nói trong phần Hỏi & Đáp hôm thứ Ba (15/08) tại Hội nghị Kiểm soát viên Toàn cầu của APi Group ở Minneapolis, “Ý kiến cá nhân của tôi là quy định này vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ rằng đó là một bước đi đúng hướng, nhưng tôi muốn tiến xa hơn nữa.”
Khi ông Kashkari nói về việc có nhiều quy định của chính phủ hơn, thì cổ phiếu của các công ty cho vay khu vực PacWest Bancorp, Zions Bancorp, và Western Alliance Bank đã trượt dốc, kết thúc phiên giao dịch trong ngày khi bị giảm giá trị từ 3.7% đến 4.5%.
Chỉ số ngân hàng S&P 500 đã giảm 2.75%, mức thấp nhất trong một tháng, trong khi chỉ số ngân hàng khu vực KBW giảm 3.4%.
Sự sụt giảm cũng xảy ra khi Fitch Ratings cảnh báo rằng họ có thể sẽ buộc phải hạ bậc xếp hạng thêm một số ngân hàng của Hoa Kỳ nếu cắt giảm đánh giá về môi trường hoạt động chung của ngành ngân hàng. Một nhà phân tích của Fitch cho rằng khả năng hạ bậc xếp hạng toàn ngành ngân hàng ngày càng cao.
Trong bài nói của mình, ông Kashkari cho biết ông cho rằng ngành ngân hàng Hoa Kỳ nhìn chung ổn định mặc dù có thể có thêm một số biến động trong tương lai, đặc biệt nếu lạm phát vẫn ở mức cao và Fed phải tăng lãi suất hơn nữa hoặc giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Tăng thêm quy định từ phía chính phủ
Nhận xét của ông Kashkari về việc áp đặt các yêu cầu vốn lớn hơn đối với một số ngân hàng có quy mô dưới ngưỡng 100 tỷ USD được đưa ra sau khi ông đề cập đến sự sụp đổ ngoạn mục của Silicon Valley Bank và Signature Bank hồi đầu năm nay.
Sự sụp đổ song song của hai ngân hàng này đã gây ra hỗn loạn rộng lớn trong ngành ngân hàng, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng khu vực dưới hình thức dòng tiền gửi rút ra tăng lên.
Thảo luận về nguyên nhân của vụ sụp đổ, ông Kashkari cho rằng lý do là sự kết hợp của lãi suất tăng, việc không quản lý rủi ro đúng mực, và sự bất cẩn của các nhà quản lý ngân hàng Hoa Kỳ.
Sau đó, người điều hành hội thảo đã hỏi liệu ông Kashkari có dự kiến sẽ có nhiều quy định của chính phủ hơn đối với lĩnh vực ngân hàng do việc giám sát chưa đủ hay không.
Ông Kashkari trả lời, “Tôi cho là sẽ có nhiều quy định hơn,” đưa ra ví dụ về các quy tắc “hồi kết Basel III” được đề nghị gần đây để yêu cầu ngân hàng tăng vốn.
“Yêu cầu về vốn ấy có nghĩa gì? Đây là bộ đệm mà các ngân hàng phải có để trang trải các khoản lỗ của họ. Càng có nhiều bộ đệm, thì họ càng an toàn, nhưng càng có nhiều bộ đệm, thì họ càng có ít lợi nhuận hơn,” ông nói thêm. “Các ngân hàng không thích yêu cầu này.”
Gọi đề nghị này là “thấu đáo” và “rất tích cực”, ông Kashkari cho biết các quy tắc được đề nghị sẽ không áp dụng cho các ngân hàng cộng đồng mà là cho các tổ chức quy mô vừa và lớn hơn, trước khi nói thêm rằng ông muốn thấy các quy tắc áp dụng cho các tổ chức nhỏ hơn mức giới hạn tài sản 100 tỷ USD. Tuy nhiên, ông không nói rõ ngưỡng mà ông dự định là gì.
Các yêu cầu về vốn ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng vì số tiền được dành riêng ra để dự phòng cho những giai đoạn khó khăn có thể được đưa vào sử dụng hiệu quả (và có lãi) cho việc khác, chẳng hạn như thực hiện các khoản cho vay.
Lĩnh vực ngân hàng ổn định nhưng có thể có gợn sóng
Ông Kashkari cũng cho biết tại sự kiện ở Minneapolis hôm thứ Ba (15/08), rằng Fed đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát nhưng lãi suất có thể vẫn cần phải tăng cao hơn để hoàn thành công việc.
Ông Kashkari nói, “Tôi chưa sẵn sàng để nói rằng chúng tôi đã xong với việc tăng lãi suất.” Đồng thời, với việc lạm phát có dấu hiệu chậm lại trong những tháng gần đây, ông nhận xét, “Tôi đang thấy có những dấu hiệu tích cực cho thấy chúng tôi có thể đang đi trên đúng lộ trình của mình. Chúng tôi có thể chờ thêm một đoạn thời gian để có thêm một số dữ liệu và trước khi chúng tôi quyết định liệu chúng tôi có cần phải làm nhiều hơn nữa hay không.”
Fed đã nâng mục tiêu lãi suất chính sách chuẩn lên 5.25 điểm phần trăm kể từ tháng 03/2022, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ những năm 1980.
Do lãi suất quỹ của Fed đã được đẩy nhanh chóng trong phạm vi từ 5.00% đến 5.25%, lạm phát đã giảm từ mức đỉnh cao mới đây nhất là 9.1% hồi tháng 06/2022 xuống còn 3.2% vào tháng 07/2023, theo thước đo Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI).
Lạm phát hàng năm theo thước đo ưa thích của Fed — chỉ số giá tiêu dùng cá nhân — đã giảm từ mức đỉnh cao hồi mùa hè năm ngoái là 7% xuống còn 3% vào tháng Sáu.
Tuy nhiên, ông Kashkari lưu ý, lạm phát căn bản — vốn không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động — vẫn cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 2% của Fed. Ông nói rằng ông cần bằng chứng “thuyết phục” rằng lạm phát đang giảm hơn nữa để cảm thấy tin tưởng rằng Fed đã làm đủ trong việc tăng lãi suất.
Ông Kashkari cho biết Fed còn “một chặng đường dài” trước khi cắt giảm lãi suất, mặc dù việc giảm lãi suất vào năm tới là một khả năng nếu lạm phát tiếp tục giảm, “chỉ để giữ chính sách tiền tệ ở mức ổn định, không tiếp tục thắt chặt.”
Ông nói, thị trường lao động đang khá nóng, và với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục vượt quá mong đợi, không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc suy thoái đang cận kề. Tuy nhiên, ông nói, một chút chậm lại do các đợt tăng lãi suất cho đến nay vẫn có thể xảy ra.
Ông nói, “Tin tốt là thị trường lao động vẫn rất mạnh nhưng điều này hơi giống con dao hai lưỡi vì câu hỏi trong đầu tôi là ‘chúng ta đã tăng lãi suất đủ để thực sự đưa lạm phát quay trở lại mức 2% chưa? Hay là chúng ta vẫn cần phải tăng nhiều hơn?’”
Bàn về tình trạng hỗn loạn tài chính, ông Kashkari nói rằng các ngân hàng cộng đồng đã không phải đối mặt với áp lực đáng kể trong khoảng thời gian ngành ngân hàng chao đảo gần đây do sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank — và việc dòng tiền gửi chảy ra như một hậu quả sau đó.
“Tin tốt là một số khoản tiền gửi đang chảy ra đã ổn định,” ông Kashkari nói. “Và nhân tiện, hầu hết các ngân hàng cộng đồng đều có mức vốn cao hơn nhiều so với các ngân hàng lớn hơn,” ông nói thêm, cho biết áp lực gần đây trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu tập trung ở các ngân hàng khu vực.
Ông nói, “Vì vậy, hiện tại có vẻ như mọi thứ khá ổn định, các ngân hàng đã vượt qua tình trạng hỗn loạn này một cách khá tốt.”
Ông Kashkari cho hay, “Giờ thì rủi ro là nếu lạm phát không được kiểm soát hoàn toàn, và chúng ta phải tăng lãi suất hơn nữa từ đây để hạ lạm phát xuống, thì các ngân hàng có thể phải đối mặt với nhiều tổn thất hơn so với hiện tại và những áp lực này có thể bùng phát trở lại trong tương lai.”
Trong khi mọi thứ trong lĩnh vực ngân hàng hiện giờ đang ổn định, thì ông Kashkari cho biết ông vẫn chưa thấy thoải mái để công nhận rằng ngành ngân hàng Hoa Kỳ đã “qua được khó khăn” vì lạm phát vẫn còn quá cao.