Các quy định mới về ngân hàng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các doanh nghiệp nhỏ và người vay thuộc giai tầng trung lưu Mỹ
Sự sụp đổ liên tiếp nhanh chóng của các ngân hàng vào mùa xuân năm ngoái rõ ràng đã khiến các cơ quan quản lý liên bang tại Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed), và những người gửi tiền ngân hàng lo sợ. Việc ra quyết định kém tại Silicon Valley Bank, Signature Bank, và First Republic Bank đã khiến các cơ quan quản lý phải thực hiện các biện pháp cứu nguy khẩn cấp đối với các ngân hàng này và gợi lại ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhưng như người ta vẫn nói, ở Hoa Thịnh Đốn, để một cuộc khủng hoảng bị phí hoài luôn là một điều tồi tệ, và do vậy chúng ta đang thấy một phản ứng mang tính phản xạ đó là để chính phủ can thiệp nhiều hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện ngay lập tức bắt tay vào hành động, kêu gọi các cơ quan quản lý liên bang bổ sung thêm một lớp quy tắc khác, gồm có việc tăng các yêu cầu phức tạp đối về vốn đối với hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Phản ứng nhanh chóng, Hệ thống Dự trữ Liên bang cùng Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ và FDIC đã đề xướng một đề nghị chung về việc Hoa Kỳ thực hiện “khung pháp lý Basel III.” Đây là những quy tắc phức tạp, nhưng tóm lại, những quy tắc này sẽ làm tăng lượng tiền mà các ngân hàng dự trữ lên 25%.
Rất tiếc, những quy định mới này sẽ không ngăn được sự phá sản thường xuyên của hàng trăm ngân hàng ở Hoa Kỳ. Điều mà quy định mới này sẽ làm được là bóp nghẹt nguồn tiền cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, người mua nhà, và người tiêu dùng cần vay vốn.
Lý thuyết đằng sau các quy tắc yêu cầu có vốn cao hơn này là các ngân hàng sẽ có nhiều tiền dự trữ hơn để bù đắp khoản lỗ từ các khoản cho vay không được hoàn trả. Yêu cầu dự trữ của ngân hàng chắc chắn là một biện pháp phòng ngừa an toàn tốt. Chúng ta không muốn các ngân hàng gặp quá nhiều rủi ro và rồi sau đó lại đổ xô vào mạng lưới an toàn của người đóng thuế mỗi khi họ gặp rắc rối. Nhưng nhiều nghiên cứu có uy tín của chính phủ và tư nhân đã phát hiện ra rằng các ngân hàng Hoa Kỳ nhìn chung không bị thiếu vốn, các ngân hàng đã phá sản cũng thế.
Những ngân hàng đó chỉ đơn giản là đã tiến hành một loạt các quyết định đầu tư và cho vay tồi tệ. Trớ trêu thay, một số quyết định tồi tệ, chẳng hạn như giữ công khố phiếu trả lãi suất thấp “an toàn”, vốn sau đó bị mất đi giá trị thị trường khi Fed rốt cuộc bắt đầu tăng lãi suất, lại là kết quả trực tiếp của các quy định từ liên bang.
FDIC và Fed được ủy quyền để duy trì sức khỏe và sự an toàn của các ngân hàng Hoa Kỳ. Công việc của họ là tránh các vụ phá sản ngân hàng kiểu thập niên 1930 có thể gây thiệt hại lớn cho hệ thống tài chính của chúng ta. Đây là vấn đề: Những quy định mới này sẽ trừng phạt các ngân hàng có khả năng tài chính vững mạnh và thu hẹp nguồn cho vay dành cho người mua nhà, doanh nghiệp nhỏ, và các gia đình có thu nhập thấp. Cho vay ít hơn đối với những người đi vay đủ tiêu chuẩn sẽ có nghĩa là tăng trưởng kinh tế kém hơn và kém ổn định tài chính hơn.
Một nghiên cứu sắp tới của Ủy ban Khai phóng Thịnh vượng do ông David Malpass, cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới, và bản thân tôi đồng tác giả nhận thấy một số hậu quả tiêu cực — không lường trước được — của những quy tắc này dựa trên những kết quả nghiên cứu tốt nhất:
Đầu tiên, các quy định này sẽ làm giảm khoảng 100 tỷ USD đến 150 tỷ USD nguồn vốn sẵn có mỗi năm.
Thứ hai, việc giảm cho vay sẽ làm giảm hoạt động kinh tế và do đó làm giảm GDP hàng năm tới 0.6%.
Thứ ba, do các ngân hàng ngoại quốc không phải tuân theo các quy định này, nên các ngân hàng Hoa Kỳ sẽ mất khả năng cạnh tranh trước các ngân hàng ngoại quốc.
Thứ tư, và quan trọng nhất, những người yếu thế lại chính là các bên bị đẩy ra khỏi thị trường cho vay. Các doanh nghiệp nhỏ và gia đình có thu nhập thấp có nhiều khả năng sẽ là những người bị từ chối cho vay do những quy định mới này.
Đơn giản thôi: Sự cho vay là nguồn cung cấp oxy giúp nền kinh tế của chúng ta luôn sôi động và cạnh tranh. Việc cắt giảm cho vay, như các quy định Basel đang đề nghị, sẽ không làm cho nền kinh tế của chúng ta an toàn hơn mà sẽ khiến nền kinh tế gặp rủi ro lớn hơn.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times