Hệ thống Dự trữ Liên bang đề xướng quy định buộc các ngân hàng phải vay từ ngân hàng trung ương
Ý tưởng này là nhằm để giảm bớt tiếng xấu đối với việc sử dụng cửa sổ chiết khấu.
Hệ thống Dự trữ Liên bang và các cơ quan quản lý tài chính khác đang soạn thảo một đề nghị bắt buộc các ngân hàng phải vay từ ngân hàng trung ương ít nhất một lần mỗi năm để giảm bớt tiếng xấu gắn với việc sử dụng cửa sổ chiết khấu của Fed.
Cùng với Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC), Fed đặt mục tiêu bảo đảm rằng các tổ chức tài chính được chuẩn bị tốt hơn cho những làn sóng rút tiền gửi vội vã. Những nỗ lực đề xướng quy định mới nhất này được đưa ra gần một năm sau một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong đó các ngân hàng khu vực phải hứng chịu làn sóng rút tiền gửi của khách hàng, dẫn đến sự phá sản của Silicon Valley Bank, Signature Bank, và First Republic Bank.
Kể từ khi Fed được thành lập vào năm 1913, nhằm ứng phó với Cuộc Khủng hoảng Ngân hàng năm 1907, cửa sổ chiết khấu đã được cung cấp cho các tổ chức gặp khó khăn. Trong thế kỷ qua, ngân hàng trung ương được xem là bên cho vay cuối cùng, và các cơ quan quản lý tiền tệ đã không khuyến khích việc sử dụng biện pháp cho vay này trừ phi bên cần vay đang trên bờ vực phá sản.
Các ngân hàng thường do dự trong việc tận dụng cơ hội của biện pháp cửa sổ chiết khấu vì Wall Street có thể xem đó là dấu hiệu cho thấy có rắc rối tài chính tiềm ẩn tại các ngân hàng này.
Tuy nhiên, theo ông Michael Hsu, quyền kiểm soát viên về tiền tệ, việc bắt buộc các ngân hàng khai thác cửa sổ chiết khấu có thể làm giảm sự kỳ thị mà thường liên quan đến việc vay tiền từ ngân hàng trung ương.
“Đó gần giống như việc thực hiện một cuộc diễn tập chữa cháy. Nếu cần thiết, khi thực sự xảy ra khủng hoảng thanh khoản, các ngân hàng có thể thực hiện như thế trên thực tế,” ông Hsu nói với Bloomberg TV. “Về mặt hoạt động, các ngân hàng sẽ phải vay 1 hay 100 triệu USD, bất kể số tiền đó là bao nhiêu, chỉ để bảo đảm rằng các thủ tục, hệ thống, nhân sự, mọi thứ đều có sẵn ở đó và sẵn sàng để tiếp cận cửa sổ chiết khấu.”
Không rõ liệu các cơ quan quản lý có hạ thấp hơn tỷ lệ chiết khấu, hiện ở mức 5.5%, để cho tạo thuận lợi cho việc sử dụng hay không.
Đây không phải là một ý tưởng đột nhiên xuất hiện.
Các cơ quan quản lý tài chính đã tham gia vào ngành ngân hàng và đang xem xét các nhận xét cũng như phản hồi đối với đề nghị tăng vốn của bộ ba tổ chức nêu trên.
Hồi tháng 12/2023, nói tại một sự kiện của Ngân hàng Trung ương Âu Châu, Phó Chủ tịch Giám sát Fed Michael S. Barr đã khuyến nghị các ngân hàng nên tận dụng “cửa sổ chiết khấu trong thời điểm thuận lợi và khó khăn.”
“Khả năng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất có thể dự đoán được thông qua cửa sổ chiết khấu sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch quản lý rủi ro thanh khoản của các ngân hàng trong nhiều tình huống khác nhau,” ông Barr cho biết trong một bài nói chuyện được chuẩn bị trước, đồng thời cho biết thêm rằng nên có nhiều con đường tiếp cận thanh khoản và “cửa sổ chiết khấu nên là một phần quan trọng trong hỗn hợp này.”
Trong một thông điệp gửi tới các ngân hàng, nhà phân tích, hãng xếp hạng, nhà quan sát thị trường, và công chúng, ông đã lưu ý rằng “việc sử dụng cửa sổ chiết khấu không nên bị xem là một hành động xấu.”
Phản ứng ban đầu
Có khá ít phản ứng ban đầu, mặc dù những bình luận đầu tiên đã thể hiện sự đồng tình với đề nghị này.
Đầu tháng này, Nhóm Ba mươi (G30), một tổ chức quốc tế gồm các học giả, chủ ngân hàng, và nhà kinh tế, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với “việc tăng cường các quy trình của bên cho vay cuối cùng (LoLR).”
“Chúng tôi sẽ yêu cầu các ngân hàng chuẩn bị sẵn đủ tài sản bảo đảm tại cửa sổ chiết khấu để trang trải, sau khi đã giảm giá để dự phòng cho phần rủi ro tín dụng thông thường, cho tất cả các khoản nợ cần hoàn trả trong thời gian ngắn khi có yêu cầu — tức là cho tất cả các khoản nợ không bao gồm vốn, nợ dài hạn, nợ hoán đổi, và tiền gửi được bảo hiểm,” cựu Chủ tịch Fed New York William C. Dudley, tác giả nghiên cứu của G30 có nhan đề “Sự sụp đổ và Lây lan trong Ngành ngân hàng: Bên cho vay Cuối cùng, Thanh khoản, và Quản lý rủi ro (Bank Failures and Contagion: Lender of Last Resort, Liquidity, and Risk Management), cho biết. “Hệ thống LoLR mạnh mẽ hơn này sẽ cho phép các ngân hàng có được thanh khoản ngay lập tức trong thời điểm căng thẳng và tránh được việc bán tháo tài sản.”
“Bằng cách yêu cầu chuẩn bị trước, chúng ta sẽ giảm được rủi ro khi những người gửi tiền không được bảo hiểm và những người có quyền yêu cầu hoàn tiền trong thời gian ngắn khác tìm cách rút tiền ra trong những thời kỳ hoảng loạn.”
Ông Stijn Claessens, giám đốc dự án của Nhóm Làm việc G30 về Khủng hoảng Ngân hàng năm 2023 và là cựu giám đốc Chính sách Ổn định Tài chính tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đã lập luận rằng cải tổ hệ thống LoLR là “cải tổ quan trọng nhất, khả thi nhất, và chi phí thấp nhất.”
Theo ông Darrell Duffie, cố vấn dự án của Nhóm Làm việc G30 về Khủng hoảng Ngân hàng năm 2023 và là giáo sư về quản lý tại Đại học Stanford, đó là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ hệ thống tài chính mà không cần luật mới.
Trong một ghi chú gửi cho khách hàng hôm 19/01, các chiến lược gia của JPMorgan Chase dường như đã tỏ ra ủng hộ quy định mới này vì quy định này “có tiềm năng nâng cao sự ổn định tài chính chung bằng cách cải thiện vị thế thanh khoản của một ngân hàng.”
Chương trình cung cấp vốn có kỳ hạn cho ngân hàng
Vào tháng Ba, khoảng một nửa số khoản vay có nguồn gốc từ Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP), một cơ sở cho vay khẩn cấp được thành lập ngay sau cuộc khủng hoảng ngân hàng một năm trước, sẽ đến hạn. Mặc dù lúc đầu Fed đã gợi ý rằng các khoản vay này có thể được gia hạn, nhưng những bình luận gần đây từ các thống đốc ngân hàng trung ương khu vực cho thấy rằng chương trình này sẽ khép lại vào ngày 11/03 như dự kiến.
Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường đã quan sát thấy sự tăng trưởng đáng kể của BTFP trong những tháng gần đây. Bất chấp những khẳng định nhiều lần từ chính phủ đương nhiệm rằng hệ thống ngân hàng đang lành mạnh, mạnh mẽ, kiên cường, và có tính thanh khoản cao, BTFP đã vẫn tiếp tục tăng.
Trong tuần kết thúc hôm 17/01, cơ sở tài trợ này đã chạm mức cao kỷ lục gần 162 tỷ USD. Kể từ tháng 11/2023, chương trình này đã trải qua một sự gia tăng chóng mặt, tăng khoảng 42%.
Một số nhà quan sát cho rằng điều đó có thể báo hiệu rằng hệ thống ngân hàng đang gặp rắc rối. Tuy nhiên, những người khác nhận ra rằng sự thúc đẩy đáng kể của BTFP là trường hợp mà các công ty lợi dụng tình hình bằng cách sử dụng cơ hội chênh lệch giá.
Các ngân hàng đã vay từ BTFP để gửi tiền vào tài khoản của họ tại Fed, kiếm được 5.4% trên số dư dự trữ. Để so sánh, lãi suất của chương trình cho vay ở mức khoảng 5.1%.
Theo nhà kinh tế E.J. Antoni của Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), việc hưởng chênh lệch lãi suất đó đang tạo ra một sự kiện tương tự như cuối những năm 1920.
Ông viết trên mạng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter, “Fed đã tìm cách biến tài sản của chính họ thành nợ phải trả; BTFP đang tính lãi suất thấp hơn IOR [lãi suất trên số dư dự trữ], tạo ra một sự đầu cơ chênh lệch làm gợi nhớ đến sự thất bại về chấp phiếu của các ngân hàng mà Fed đã tạo ra vào cuối những năm 1920, góp phần gây ra vụ “sụp đổ năm 29.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times