Liệu có thể cứu vãn các thành phố của chúng ta không?
Trải qua cuối tuần dịp Labor Day (Lễ Lao động) ở Hartford, tiểu bang Connecticut, là một trải nghiệm kỳ lạ. Có điều gì đó không ổn dù tôi không rõ điều đó là gì hoặc tại sao.
Nói chung đó là một thành phố tuyệt đẹp, với mọi thứ mà người ta mong muốn. Không lấy làm ngạc nhiên khi đây là điểm đến tuyệt vời của Hoa Kỳ vào những năm 1880, thậm chí còn được yêu mến và uy tín hơn cả Thành phố New York, nơi vốn chỉ trở thành một kỳ quan của thế giới với sự xuất hiện của việc sử dụng thép cho mục đích thương mại, cũng như những cây cầu và tòa nhà chọc trời được tạo ra từ thép.
Old Hartford là một thành phố bằng đá, cổ điển và duyên dáng. Ngay cả ngày nay thành phố này không hề thiếu những tiện nghi. Nơi đây có một dàn nhạc giao hưởng hàng đầu. Cũng có nhiều rạp hát, trong đó có một rạp chuyên biểu diễn các vở nhạc kịch hàng trăm chỗ ngồi. Thành phố còn có bảo tàng nghệ thuật Wadsworth-Atheneum, nơi có bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ dành cho mọi loại thị hiếu và một tòa nhà nguy nga tráng lệ. Ngoài ra còn có nhà hàng sang trọng và nhiều chỗ đậu xe.
Ở trung tâm thành phố, có một công viên rộng lớn và sang trọng với cổng vào bằng đá hùng vĩ cùng với một đài phun nước mang tính lịch sử và một hồ nước nhỏ.
Đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi, có một vòng đu quay ngựa được xây dựng vào năm 1914. Những con ngựa nguyên bản với đuôi được làm bằng lông ngựa thật. Âm nhạc của vòng quay ngựa hoàn toàn là nhạc acoustic (sử dụng các nhạc cụ truyền thống), được tạo ra bởi một cây đàn organ Wurlitzer cũ kết hợp hoàn chỉnh với chuông và trống thật, tất cả là những nhạc cụ cổ điển tạo ra những gì vốn là âm nhạc phổ biến trước Đại chiến (Đệ nhất Thế chiến).
Thật khó cưỡng lại trước sự quyến rũ này! Có rất nhiều địa điểm để thưởng thức. Không gian thương mại có ở khắp mọi nơi và không đắt đỏ. Bãi đậu xe vào cuối tuần hoàn toàn miễn phí và vị trí đỗ xe có khắp nơi, ngay cạnh nơi quý vị muốn đến.
Quý vị còn đòi hỏi điều gì nữa?
Tuy nhiên, vào dịp cuối tuần Lễ Lao động, vòng đu quay ngựa hầu như không có khách. Có rất ít người ra ngoài và dạo quanh. Không có gia đình nào tổ chức picnic trên bãi cỏ rộng. Chủ yếu là vài người đang đi la cà đây đó, với con số chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đường phố phần lớn vắng tanh. Không có thương nhân hay nhạc sĩ đường phố biểu diễn trên các con đường. Không có ai để cho họ tiền.
Có điều gì đó đang khiến mọi người tránh xa nơi này.
Hartford nằm trong danh sách các thành phố đang xuống cấp, cùng với San Francisco, Chicago, Rochester, Seattle và những nơi khác. Như quý vị có thể dự đoán, tình trạng tội phạm ở đây khá tồi tệ. Đi tản bộ xung quanh là không dễ dàng chút nào. Quý vị sẽ không bao giờ cảm thấy một sự đe dọa trực tiếp, nhưng lại có cảm giác như mình đang bị đe dọa ở đâu đó. Quý vị khá nhẹ nhõm khi được ra đường và đến quán cà phê, nhưng lại không ngừng lo lắng về chiếc xe hơi của mình.
Vậy thì lời giải thích trực tiếp nhất cho sự trống vắng này chính là tình trạng tội phạm. Nhưng đó có thể là hậu quả, chứ không phải nguyên nhân. Vấn đề khác tất nhiên là giáo dục, vốn không có chất lượng cao ở thành phố này. Thêm vào đó, thuế má cũng cao.
Nhưng chắc chắn tất cả những điều này đều có thể khắc phục. Có được một thị trưởng giỏi, một sự đồng thuận về chính trị, thông qua một số đạo luật lớn, và thế là xong.
Vậy không ổn ở chỗ nào chứ? Tôi có hơi theo chủ nghĩa chính thống đối với những câu hỏi như vậy, và suy nghĩ tức thì của tôi khi nhìn vào thành phố này là thành phố rất cần một đợt miễn thuế lớn và kéo dài. Bao gồm: thuế nhà đất, thuế doanh nghiệp, thuế thương vụ, thuế thặng dư vốn, và thậm chí cả thuế thu nhập. Tại sao không biến nơi này thành một Hồng Kông thu nhỏ? Điều đó có vẻ hợp lý hơn.
Vậy tại sao việc giảm thuế không xảy ra? Điều này thậm chí có thể giải quyết được vấn đề giáo dục. Nếu có đủ doanh nghiệp và cư dân chuyển đến, họ có thể thành lập các trường tư thục và trường bán công mới, đồng thời tìm cách tạo ra một thánh địa giáo dục ở đây, nằm ngoài hệ thống trường công lập thất bại.
Nhắc lại một chút: thành phố này có cơ sở hạ tầng tuyệt vời về mọi mặt. Nơi đây có tất cả các dịch vụ mà quý vị muốn. Không gian xanh và các tượng đài đều vô cùng ấn tượng. Tôi nên nói thêm rằng quy mô của thành phố — vốn không phải thành phố lớn — mang tính nhân văn theo cách mà Thành phố New York, Houston và Miami không có. Người ta có thể cho rằng một số cắt giảm đáng kể về thuế và quy định, cộng với lực lượng cảnh sát tốt hơn, sẽ đủ để hồi sinh và hoàn toàn cứu vãn được thành phố này.
Đó là phân tích đơn giản của tôi. Tôi đã điện thoại cho một người bạn để kiểm tra trực giác của anh ấy về vấn đề này, và anh ấy cũng nói y như vậy. Đây không phải là khoa học phi đạn. Tại sao lại để một kho báu như thế này chìm vào quên lãng? Tại sao bất kỳ người dân văn minh nào lại cho phép điều đó xảy ra? Tại sao không thúc đẩy một số thay đổi quan trọng?
Khá tò mò về toàn bộ vấn đề này, tôi đã tìm kiếm xung quanh và từ năm 2021, tôi đã tìm thấy một bài viết rất thú vị của ông Bob Stefanowski, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa cho chức thống đốc năm 2018. Ông ấy chắc chắn hiểu rõ lĩnh vực của mình. Bài viết của ông ấy có tựa đề “What Isn’t the Matter With Hartford?” (Điều gì có thể giúp vực dậy Hartford?). Câu trả lời đó là một nền giáo dục tuyệt vời với một kết luận đáng báo động.
“Từng nổi tiếng là ‘thủ đô bảo hiểm của thế giới’, Hartford đang xuống dốc trong 30 năm qua. Vào những năm 1990, tình trạng ‘chảy máu’ dân số ở Hartford đã trở thành tin tức quốc gia. Ngày nay dân số còn ít hơn, chưa đến 70% so với năm 1950. Tỷ lệ nghèo đói ở Hartford thuộc hàng cao nhất cả nước. Thành phố này đang sụp đổ.”
“Hàng năm, thành phố chi hơn 400 triệu USD cho giáo dục (17,260 USD mỗi học sinh) nhưng gần 30% học sinh không tốt nghiệp trung học đúng hạn. Chỉ 18% học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 đạt môn toán ở cấp độ phù hợp với lứa tuổi, và 25% đạt được điều đó với môn đọc.”
Và đó là trước khi có dữ liệu từ các cuộc phong tỏa do đại dịch. Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được tình hình ngày nay như thế nào.
Tác giả của bài viết trên kể câu chuyện về ông Luke Bronin, thị trưởng từ năm 2016. Đúng là con nhà dòng dõi! Học viện Phillips Exeter, Đại học Yale, Học bổng Rhodes, Trường Luật Yale, và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thời chính phủ tổng thống Obama. Hãy hiểu điều này: ông ấy là “Phó Trợ lý Bộ trưởng về Tội phạm Tài chính và Tài trợ Khủng bố”. Tất cả điều đó rõ ràng có nghĩa là quý vị có thể giải cứu một thành phố đang sụp đổ. Sau cùng, ông ấy điển trai và có tài ăn nói. Đây dường như là người đàn ông hoàn hảo cho công việc giải cứu này!
Vậy ông ta đã làm gì? Ông ấy đã cắt ngân sách dành cho cảnh sát, giám sát một sự gia tăng tội phạm đáng kể, từ chối các trường bán công, và khiến thành phố phải nhờ đến sự cứu trợ. Khi tiền cạn kiệt, ông ta nảy ra một kế hoạch mới gọi là “chủ nghĩa địa phương”, về căn bản là tìm kiếm các nguồn thuế mới từ các cộng đồng lân cận, khiến những cộng đồng này phẫn nộ với mức thuế tăng và tống khứ ông ta.
Nhìn qua khung cảnh ngày hôm nay, tôi bị ấn tượng bởi dòng chữ “Black Lives Matter” rất lớn được vẽ ở giữa một con đường chính, gồm cả một tấm biển giải thích giá trị của thông điệp này. Chỉ có điều là không một ai xung quanh để nhìn vào tấm biển. Mọi người dường như đã rời khỏi thành phố. Rất tiếc phải nói rằng sau giờ làm việc các ngày trong tuần, nơi đây trở thành một thành phố ma. Cuối tuần cũng vậy.
Thành phố vẫn phải đối mặt với một vấn đề tiền lương hưu mang tính thảm họa do những lời hứa đã được đưa ra từ rất lâu về trước vốn không thể thực hiện được ngoại trừ việc cướp bóc bất kỳ ai ngu xuẩn đến mức ở lại thành phố. Điều gì đó cần phải thay đổi. Nếu không thì vòng tròn không lối thoát này sẽ không bao giờ kết thúc: tăng thuế cao hơn để bù cho lương hưu nhưng ngày càng ít cư dân để đánh thuế. Và vấn đề tương tự cũng xảy ra ở chiều hướng khác: cắt giảm thuế để thu hút người dân và doanh nghiệp nhưng sau đó khiến thành phố thiếu nguồn doanh thu cần thiết để tài trợ cho giáo dục và các cam kết về lương hưu, chưa kể đến việc sửa chữa đường sá.
Quan điểm của tôi về tình huống này: có một giải pháp. Giải pháp đó khá rõ ràng. Nhưng nó bị cấm do cơ sở ý thức hệ. Đơn giản là một người như ông Luke Bronin danh giá sẽ không cân nhắc con đường đúng đắn bởi vì mọi thứ trong nền tảng giáo dục và vòng giao du của ông ấy đã nói với ông ấy rằng con đường dẫn đến một xã hội tốt đẹp là từ việc đánh thuế cao hơn, nhiều gói cứu trợ hơn, và không ngừng thể hiện ra sự đức hạnh của bản thân.
Hệ tư tưởng dẫn đến sự trượt dốc không có điểm dừng có thể tồn tại được bao lâu? Có lẽ là mãi mãi. Hệ tư tưởng kiểu này là một loại bệnh nan y. Người ta sẽ ra đi cùng với nó, và đồng thời nó sẽ tàn phá các thành phố. Câu chuyện về sự suy tàn của rất nhiều thành phố vĩ đại một thời của Hoa Kỳ là một câu chuyện về chủ nghĩa cuồng tín, ảo tưởng, giới sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu, thói hợm hĩnh xã hội, sự cố thủ về ý thức hệ, và hoàn toàn phủ nhận hiện thực.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times