Phản kháng chủ nghĩa thức tỉnh: Theo thăm dò, hầu hết người Mỹ không muốn các doanh nghiệp công khai lập trường về các vấn đề hiện thời
Một cuộc thăm dò mới cho thấy đa số người Mỹ không muốn các doanh nghiệp công khai thể hiện lập trường về các vấn đề hiện thời như luật súng và phá thai.
Phần lớn người Mỹ không muốn các doanh nghiệp công khai thể hiện quan điểm về các vấn đề chính trị và xã hội, theo một cuộc thăm dò mới trong bối cảnh một cuộc phản kháng với chủ nghĩa thức tỉnh ở doanh nghiệp đang diễn ra rộng rãi hơn.
Theo một cuộc thăm dò mới của Gallup, gần 60% người Mỹ — tăng so với 52% hồi năm ngoái (2022) — tin rằng các doanh nghiệp không nên thể hiện lập trường một cách công khai về các sự kiện hiện thời.
Những phát hiện này có một khía cạnh đảng phái đáng kinh ngạc: Sự liên kết với đảng chính trị có ảnh hưởng mạnh nhất đến việc liệu người Mỹ có nghĩ rằng các công ty nên công khai lập trường về các vấn đề thời sự hay không.
Một tỷ lệ lớn 62% người ủng hộ Đảng Dân Chủ — so với tỷ lệ không đáng kể 17% bên Đảng Cộng Hòa — đồng tình với các công ty có quan điểm công khai về các vấn đề hiện thời.
Mặc dù nhìn chung người Mỹ phản đối tình trạng các doanh nghiệp thể hiện quan điểm đạo đức của họ một cách công khai, nhưng một vài vấn đề lại đi ngược lại xu hướng này. Đa số những người được khảo sát cho rằng các công ty nên cân nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu (55%) và sức khỏe tâm thần (52%).
Phá thai (26%), ứng cử viên chính trị (19%), và tôn giáo (15%) là những vấn đề trong danh sách mà ít người Mỹ nhất cho rằng các doanh nghiệp nên thể hiện quan điểm đạo đức.
Những phát hiện này — đặc biệt là mức tăng đáng kể 8 điểm phần trăm nói chung trong tỷ lệ người trưởng thành ở Hoa Kỳ phản đối tình trạng các doanh nghiệp đưa ra lập trường công khai về các vấn đề — được đưa ra trong bối cảnh có những bài báo về một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra nhằm chống lại các doanh nghiệp “thức tỉnh” đang thúc đẩy các nghị trình cánh tả.
Phản kháng trước các doanh nghiệp ‘thức tỉnh’
Từ những cuộc tẩy chay của phe bảo tồn truyền thống đối với Bud Light về quan hệ đối tác tiếp thị của thương hiệu này với nhân vật truyền thông xã hội là người chuyển giới Dylan Mulvaney, đến những vụ kiện chống Starbucks về các chính sách tuyển dụng dựa trên chủng tộc, cho đến sự kiện giá trị cổ phiếu của Target lao dốc 13 tỷ USD — vấn đề các doanh nghiệp áp dụng chủ nghĩa tích cực xã hội đã trở thành tâm điểm chú ý trong thời gian gần đây.
Target đã phải đối mặt với nhiều làn sóng tẩy chay, trong đó có sự kiện hồi năm 2016 khi công ty này ban hành một chính sách cho phép nam giới tự xác định là phụ nữ được sử dụng phòng tắm dành cho nữ. Gần đây hơn, công ty này bị chỉ trích nặng nề khi bán các mặt hàng và quần áo theo chủ đề LGBT, bao gồm các sản phẩm dành cho trẻ em. Vụ việc này dẫn đến những lời kêu gọi tẩy chay của phe bảo tồn truyền thống — và cổ phiếu của họ rớt giá một cách đáng kinh ngạc.
Hồi đầu tháng Năm, trước khi công ty này ra mắt bộ sưu tập theo chủ đề LGBT và làm dấy lên những lời kêu gọi tẩy chay, vốn hóa thị trường của Target là khoảng 73 tỷ USD. Tính đến hôm 04/10, định giá thị trường của công ty này ở mức 49.2 tỷ USD.
‘Rất nhiều gã cao bồi không vui’
Nhà đầu tư mạo hiểm và cũng là người nổi tiếng trên truyền hình “Shark Tank” Kevin O’Leary gần đây cho biết một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu Target sụt giảm hàng tỷ dollar là do các nhà đầu tư đang truyền đạt một thông điệp “Cứ thức tỉnh đi, rồi phá sản” tới những doanh nghiệp thúc đẩy các nghị trình cánh tả cấp tiến.
Hồi tháng Sáu, ông O’Leary nói với Fox News: “Nếu quý vị trở nên quá cách biệt hoặc đi quá xa khỏi nhiệm vụ chính, thì thị trường đã chứng tỏ rằng chính thị trường sẽ thực sự, thực sự trừng phạt quý vị.”
Ông nói thêm: “Khi quý vị mất 13 tỷ USD vốn hóa thị trường, thì ngoài kia có rất nhiều gã cao bồi không vui. Họ chính là những nhà đầu tư của quý vị.”
Ngược lại, khi được hỏi về làn sóng phản ứng dữ dội đối với những doanh nghiệp công khai ủng hộ các mục tiêu thiên tả, Tổng giám đốc Target Brian Cornell đã bảo vệ các chính sách doanh nghiệp “thức tỉnh.”
“Tôi nghĩ đó chính là những quyết định kinh doanh đúng đắn, và đó là điều đúng đắn cho xã hội, và là điều tuyệt vời cho thương hiệu của chúng tôi,” ông Cornell nói trong podcast “Leadership Next” của Fortune trước đó trong năm nay.
“Những điều mà chúng tôi đã làm theo quan điểm DE&I [đa dạng, công bằng, và hòa nhập] đang mang lại thêm giá trị,” ông Cornell cho biết, ám chỉ đến những chính sách mà một số người nổi tiếng theo phái bảo tồn truyền thống lên án gay gắt là cánh tả và “thức tỉnh.”
Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng khuyến khích các thương hiệu thúc đẩy những hệ tư tưởng chuyển giới là họ đang cố gắng để được công nhận nhiều hơn về các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, và quản trị (ESG), vốn phù hợp với các nguyên tắc DEI.
‘Đó là cả nước’
Ông Scott Shepard, một thành viên của nhóm nghiên cứu chính sách công cộng thị trường tự do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công cộng Quốc gia, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây, rằng sự phản đối ESG đang ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ.
“Lần này chúng ta đang thấy một điều rất khác, bởi vì không chỉ những người theo phái bảo tồn truyền thống, những người mà luôn quan tâm đến kiểu sự việc này; mà đó là cả nước,” ông Shepard nói về những lời kêu gọi tẩy chay mà các thương hiệu như Bud Light và Target phải đối mặt vì tuân theo các nguyên tắc cánh tả.
Ông cho biết lúc ban đầu ESG chỉ là những hướng dẫn, nhưng giờ đây đã trở thành những quy định bắt buộc mang tính cưỡng chế về các hệ tư tưởng “công bằng xã hội” gây tranh cãi.
Ông Shepard lưu ý rằng các sáng kiến ESG có thể khiến các doanh nghiệp bị kiện tụng nếu người ta có thể chứng minh họ đã vi phạm trách nhiệm ủy thác đối với cổ đông.
Gần đây, cơ quan xếp hạng S&P Global đã ngừng sử dụng điểm ESG để đánh giá khách hàng vay là doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều nghi vấn về tính hữu ích của các số liệu như vậy và giữa lúc các nghị trình “thức tỉnh” bị phản đối dữ dội một cách rộng rãi hơn.
Trong một tuyên bố mà The Epoch Times có được, cơ quan xếp hạng này đã công bố rằng: “Kể từ bây giờ, chúng tôi không còn công bố các chỉ số tín dụng ESG mới trong các báo cáo của mình hoặc cập nhật các chỉ số tín dụng ESG còn tồn đọng.”
Cơ quan xếp hạng này ám chỉ rằng sự thiếu hiệu quả là lý do căn bản để loại bỏ hệ thống tính điểm ESG — vốn đã chịu sự chỉ trích gay gắt từ phái bảo tồn truyền thống, những người xem đó là biểu hiện của các nghị trình cánh tả hoặc thậm chí là các nghị trình theo chủ nghĩa Marx mới trong giới doanh nghiệp.
Năm ngoài (2022), S&P Global, một trong những công ty xếp hạng nợ doanh nghiệp lớn nhất thế giới, đã phải đối mặt với những lời kêu gọi điều tra của một liên minh các tổng chưởng lý Đảng Cộng Hòa.
Tổng Chưởng lý Texas Ken Paxton cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 09/2022, “Quá nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư đã bị thiệt hại do nỗi ám ảnh của phong trào ESG thức tỉnh với sự thay đổi xã hội triệt để và sẵn sàng phớt lờ luật pháp.”
“Chúng tôi đang điều tra S&P Global để tìm hiểu xem liệu họ có tham gia vào các loại hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, phá hoại rất phổ biến trong phong trào ESG hay không. Nếu có, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.”
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times