Liệu Bắc Kinh có đang nhắm đến Siberia không?
Hôm 30/12, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã có cuộc gặp trực tuyến, trong đó họ ca ngợi các cam kết, hợp tác và phát triển kinh tế và chính trị song phương thông thường và theo dự kiến.
Nhưng càng ngày, người ta càng có cảm giác rằng cuộc hôn nhân giữa Bắc Kinh và Moscow là xuất phát từ sự thuận tiện và cần thiết, chứ không phải là tình hữu hảo. Và ông Tập, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, có thể đang dần chiếm thế thượng phong.
Mỗi quốc gia đều phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình. Nga đang sa lầy trong một cuộc chiến tốn kém và ngày càng mất lòng dân với Ukraine. Nước này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và một phần khá lớn dự trữ ngoại hối của họ bị đóng băng. Ông Putin, tổng thống lâu năm của đất nước, đã trở thành nhân vật không được hoan nghênh trên vũ đài toàn cầu.
Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề nội bộ hơn. Chúng tôi sẽ không nêu ra chi tiết tất cả các vấn đề ở đây nhưng đó là những vấn đề cấp bách và xuyên suốt toàn bộ nền kinh tế, thị trường địa ốc, số ca nhiễm và nhập viện do COVID đang lan tràn khắp nơi, cũng như tình trạng bất ổn của người dân ngày càng leo thang. Bắc Kinh cũng được cho là có tham vọng sáp nhập Đài Loan, và sau khi hiểu được những trái đắng mà Nga đang nếm trải, thì quốc gia này phải chuẩn bị đối mặt với những hậu quả tương tự, bao gồm cả việc bị cắt đứt khỏi thương mại toàn cầu.
Trước đây chúng ta đã thảo luận về khả năng Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác sẽ hình thành đồng tiền dự trữ toàn cầu của riêng họ được hỗ trợ bằng hàng hóa và/hoặc vàng. Điều đó sẽ hình thành nên một vị thế bá chủ thương mại toàn cầu khác và giải phóng Trung Quốc (và các nước khác) khỏi việc phải giao dịch bằng đồng dollar. Điều này sẽ hữu ích trong một mô hình chính trị và kinh tế hậu toàn cầu hóa, mang tính cục bộ hơn, đặc biệt nếu Trung Quốc tham gia cùng với Nga với tư cách là một quốc gia bị cộng đồng quốc tế gạt ra ngoài lề.
Trung Quốc cũng đã tìm cách bảo đảm dòng tài nguyên thiên nhiên của mình. Vào cuối tháng Mười Hai, ông Putin tuyên bố rằng Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu cho Trung Quốc. Gần 14 tỷ mét khối khí đốt đã được vận chuyển từ Nga đến Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2022 bao gồm khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Và nhờ lệnh cấm vận của hầu hết các nước phát triển đối với dầu của Nga, nước này đã thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc với mức giá chiết khấu.
Phần lớn, Nga thiếu đường ống dẫn khí đốt từ Siberia đến Trung Quốc hoặc Âu Châu. Siberia lâu nay là một khu vực kém phát triển với các cụm thị trấn và thành phố, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, và giao thông thiếu thốn. Tính đến tháng Mười Hai, đường ống “Sức mạnh của Siberia” hiện đã hoạt động tối đa và có thể vận chuyển khí đốt từ Nga đến tận Thượng Hải, với công suất tối đa 38 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2027. Phần đường ống của Nga đã được hoàn thành vào năm 2019. Moscow có kế hoạch xây dựng đường ống “Sức mạnh Siberia II” để cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc, nhưng đây không phải là ưu tiên chiến lược về mặt ngân sách do cuộc chiến ở Ukraine.
Với việc Moscow hiện đang hoàn toàn bị phân tâm trong cuộc chiến ở phía tây, Trung Quốc và Tập Cận Bình hiện đang chiếm thế thượng phong trong cuộc hôn nhân không mấy yên ổn này. Mặc dù ông Tập đã công khai ủng hộ ông Putin, nhưng trong thâm tâm ông ta lại nảy sinh “những mối lo ngại.” Trung Quốc cũng thất bại trong việc lay chuyển hầu hết các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga cũng như không cung cấp cho Nga bất kỳ viện trợ quân sự nào. Đó chỉ là một chút ngoại giao lừa lọc.
Tại thời điểm này, Trung Quốc chỉ đơn giản là đang lợi dụng Nga. Mối bang giao của họ, bất chấp sự hòa hợp công khai hiện nay, đã là một mối bang giao không mấy dễ chịu trong nhiều thế kỷ qua. Trung Quốc và Nga thường tranh giành quyền bá chủ ở vùng Đông và Trung Á.
Đúng là chúng tôi đang có chút phỏng đoán ở đây. Nhưng Nga là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn tài trợ phát triển của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trung Quốc hiện đã bảo đảm cho nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga. Sẽ có lợi cho cả hai quốc gia khi Trung Quốc tiếp quản sự phát triển của Siberia, và Nga thì có rất ít khả năng để thách thức. Vốn BRI của Trung Quốc đã cạn kiệt kể từ cuộc xâm lược Ukraine—do lo sợ các biện pháp trừng phạt của phương Tây—nhưng nếu chính Trung Quốc cuối cùng cũng bị trừng phạt thì BRI sẽ một đi không trở lại.
Trung Quốc khao khát nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn. Siberia có rất nhiều dầu mỏ, khí đốt, than đá, kim cương, vàng, quặng sắt, và khoáng sản đất hiếm. Thế nhưng, Nga thì lại có nguồn vốn ít ỏi và Moscow ở quá xa để cung cấp các thiết bị cần thiết. Trung Quốc thì lại rất gần với Siberia.
Moscow cần tiền mặt để duy trì cuộc chiến tốn kém ở Ukraine. Đáng tiếc là nền kinh tế của nước này không được đa dạng hóa và phụ thuộc vào xuất cảng năng lượng và khoáng sản. Nga cần Trung Quốc. Trung Quốc có thể cung cấp vốn để phát triển và tiếp quản Siberia, nếu không phải là một cách hợp pháp thì chắc chắn là trên thực tế.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times