Lịch sử Trung Quốc như vở kịch được kỳ công xây dựng
Là con người đã tạo nên lịch sử, hay lịch sử ấy chỉ là sự phát triển của tự nhiên? Có khi nào nó lại chính là do sự an bài của Tạo hóa? Tất nhiên không có một câu trả lời nào là hoàn hảo nhất, bởi các quan niệm lịch sử khác nhau sẽ có những cách hiểu khác nhau.
5,000 năm lịch sử văn minh Trung Hoa giống như một vở kịch muôn màu muôn vẻ, không ngừng biến hóa, biến đổi thăng trầm, và rất khó bề nắm bắt. Tuy nhiên, khi trầm tĩnh nhìn lại, những tình tiết không thể đoán trước ấy đều đang ám chỉ cái kết của vở kịch. Người thông minh có thể dựa vào đó mà nhìn thấu hết thảy huyền cơ.
Đa sắc tộc cùng sáng tạo ra văn hóa
Trung Quốc là một Quốc gia với sự dung nhập hài hòa của nhiều dân tộc. Vào thời Tiên Tần, đầu tiên có tộc Chu Hạ, sau đó người Đông Di tiêu diệt nhà Hạ dựng lập nhà Thương. Sau khi nhà Chu tiêu diệt nhà Thương, họ đã đưa văn hóa Chu tộc đến vùng đất Trung Nguyên. Sau đó, các dân tộc khác như Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch, v.v. lại du nhập vào Hán địa.
Trải qua các giai đoạn phong kiến đầu nhà Chu, Lễ nhạc cung đình thời Tây Chu và thời Xuân Thu Chiến Quốc, các dân tộc đã dần hội nhập. Kể từ đó, tộc Hoa Hạ dần dần hình thành, đến thời nhà Hán thì chính thức trở thành người tộc Hán.
Bước sang thời nhà Đường, cùng với sự hội nhập các dân tộc trên quy mô lớn, cả dân tộc lại mang danh người nhà Đường. Kể từ đó, trên mảnh đất Trung Hoa đã trở thành một Quốc gia đa sắc tộc, với dân tộc Hán là dân tộc chính, cùng chung sống hòa thuận với rất nhiều dân tộc khác.
Tất cả các dân tộc đã cùng nhau chia sẻ và sáng tạo văn hóa, hình thành thuộc tính đa dạng của văn hóa Trung Hoa, chứ không phải của một dân tộc duy nhất. Thuộc tính này có một đặc điểm rất quan trọng: cốt lõi tinh thần và hệ thống cấu trúc của văn hóa truyền thống Trung Quốc không bị thay đổi hoặc biến dạng nếu có ngoại tộc xâm lược. Ngược lại, những văn hóa ngoại lai sẽ dần dần bị văn hóa Trung Quốc đồng hóa. Trong đó, nhà Nguyên và nhà Thanh là những ví dụ điển hình nhất.
Văn hóa cũng giống như một dòng nước, dựa vào thế đất của tự nhiên mà xuôi dòng. Quy luật chảy của nó là di chuyển một chiều từ cao xuống thấp. Trong dòng chảy văn hóa Trung Quốc (giao lưu với các nền văn hóa khác), dù là bổ sung, hội nhập với các nền văn hóa khác, nhưng nhìn chung vẫn phát triển dựa vào bản chất và nền tảng ban đầu. Sở dĩ những tinh hoa văn hóa truyền thống Trung Quốc không bị thay đổi là do tính chất uyên bác, thâm thuý của nó. Ví dụ, tư tưởng của Nho giáo và Đạo giáo không bị bóp méo hoặc biến mất khi Phật giáo du nhập vào đất nước. Khi tiếp xúc với văn hóa truyền thống Trung Quốc, những văn hóa ngoại lai nói chung chỉ có hai lựa chọn: hoặc là bị đồng hóa và trở thành một bộ phận trong nó, hoặc là bắt chước, sau đó sáng tạo ra văn hóa thứ cấp. Cổ đại có nhà Nguyên và nhà Thanh, hiện đại có Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những ví dụ điển hình.
Nhà khoa học chính trị Rupert Emerson đã định nghĩa “Bản sắc dân tộc” là: “Một nhóm người cảm thấy họ là người của một quốc gia.” Định nghĩa này đã coi quốc gia là một chỉnh thể cố định, dựa trên nền tảng là văn hóa.
Hiện nay, một số dân tộc ở Trung Quốc vẫn giữ được bản sắc dân tộc riêng, nhưng văn hóa truyền thống Trung Quốc không chỉ là tài sản chung do đa dân tộc tạo ra, mà còn là nền tảng văn hóa để đa dân tộc cùng tồn tại. Nói cách khác, sở dĩ nhiều dân tộc có thể quy tụ trong cùng một quốc gia là do có sự tồn tại của nền văn hóa do các dân tộc cùng sẻ chia và sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử.
Văn hóa Thần truyền và văn hóa nửa Thần
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, có hai hiện tượng vô cùng quan trọng, cũng có thể coi chúng là hai khái niệm: “Văn hóa Thần truyền” và “Văn hóa nửa Thần”. Mặc dù hai khái niệm này đều vô cùng quan trọng, nhưng chúng lại ít được đề cập đến trong các lý luận văn hóa ngày nay.
Tóm lại, “Văn hóa Thần truyền” chính là văn hóa do các vị Thần truyền lại cho con người, văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng chính là văn hóa Thần truyền. Còn “Văn hóa nửa Thần” là: Văn hóa truyền thống Trung Quốc là nền văn hóa mang bản chất nửa Thần. “Văn hóa Thần truyền đã tiết lộ cội nguồn của văn hóa truyền thống Trung Quốc, trong khi “Văn hóa nửa Thần” đã diễn giải bản chất văn hóa của nó.
Nguồn gốc văn hóa của tất cả các dân tộc đều từ các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết, Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Những sự tích gồm: Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa sáng tạo ra con người, Tam Hoàng ngũ Đế sáng tạo ra nền văn hóa Trung Quốc, Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, truyền thuyết về Thần Quy và Long Mã, đều gieo mầm những hạt giống văn hóa. Sau đó, sự xuất hiện của trao đổi hàng hóa, chữ cái, con số, nông lịch, v.v đều hoặc ít hoặc nhiều, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp có được nhờ Thần khai thị. Do đó, những văn hóa này là đến trực tiếp hoặc gián tiếp từ Thiên Thượng, nói chính xác hơn, chúng chính là “Văn hóa Thần truyền”. Nó thể hiện ở hai cấp độ, một là nguồn gốc, hai là nội dung.
“Văn hóa Thần truyền” và “Văn hóa nửa Thần” có quan hệ là “Văn hóa nửa Thần” phải bắt nguồn từ Thần truyền lại, còn trong “Văn hóa Thần truyền” lại bao hàm cả “Văn hóa nửa Thần”.
Trong khuôn khổ của “Văn hóa Thần truyền” và “Văn hóa nửa Thần”, lý thuyết và thực tiễn về “tu luyện” có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi trong Văn hóa truyền thống Trung Quốc. Có thể nói, đó là viên ngọc lộng lẫy nhất trên chiếc vương miện của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nhờ sự tồn tại của “Văn hóa Thần truyền”, “Văn hóa nửa Thần”, “Văn hóa tu luyện”, khiến văn hóa truyền thống Trung Quốc trở nên sâu sắc, thâm thuý và độc đáo hơn.
Một kịch bản hoàn hảo
Về mục đích nghiên cứu lịch sử, giáo sư Chương Thiên Lượng của Đại học Phi Thiên nhận định có tất cả bốn mục đích. Thứ nhất là nghiên cứu xem lịch sử vốn dĩ là gì. Thứ hai, nghiên cứu xem lịch sử tại sao lại như vậy. Thứ ba, để khai thác trí tuệ hoặc tinh thần từ lịch sử. Thứ tư, nghiên cứu xem nguyên nhân tại sao lịch sử lại phát triển như vậy. (Trích “Lịch sử văn minh Trung Hoa” của Chương Thiên Lượng)
Đây là quan điểm cá nhân của giáo sư Chương. Ông giải thích: “Nghiên cứu lịch sử không chỉ để giải thích tại sao lại xảy ra sự kiện này, mà còn phải nghiên cứu sự kiện này đã tạo bước đệm ra sao cho những sự kiện xảy ra sau này. Sự phát triển của lịch sử thực chất là đã được an bài kỹ lưỡng.” Điều này nghĩa là, để khám phá lý do tại sao lịch sử lại an bài như vậy, mục đích của nó là gì, và cần đạt được kết quả gì.
Lịch sử quan phụ thuộc vào thế giới quan, nguyên nhân giáo sư Chương đưa ra nhận định như vậy tất nhiên dựa trên tư tưởng hữu Thần luận và tín ngưỡng của ông làm cơ sở. Vậy, rốt cuộc là ai đã an bài lịch sử? Ông nhận định đó là bàn tay của Thần – sinh mệnh trí huệ cao cấp hơn, đã an bài kỹ lưỡng từng sự kiện lịch sử và cũng đã sáng tạo ra con người. Phán đoán này cũng là một cách để diễn giải về “Văn hóa Thần truyền”.
“Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?” Đó là ba câu hỏi nhân sinh mà Plato đã đưa ra, được gọi là ba câu hỏi cuối cùng của triết học. Những người theo Thuyết vô Thần sẽ luẩn quẩn trong mớ lí luận rắc rối, còn đối với những người hữu Thần, thì lại rất rõ ràng minh bạch. Chúa Jesu từng nói: “Dù tôi làm chứng về chính mình, nhưng lời chứng của tôi là lời chân thật. Vì tôi biết tôi từ đâu tới, tôi sẽ đi về đâu.” (Trích: Phúc âm Gioan)
Như chúng ta đã biết, có hai học thuyết chính liên quan đến nguồn gốc của nhân loại: một là Thuyết tiến hóa, hai là Thuyết sáng tạo. Cả hai học thuyết đều trái ngược nhau. Thuyết tiến hóa dựa trên cấp độ vật chất, phủ định sự tồn tại của Thần. Hầu hết những người tôn sùng Thuyết tiến hóa đều là người vô Thần và thuộc thuyết bất khả tri. Nền tảng của Thuyết sáng tạo tất nhiên là thuyết hữu Thần. Do đó, hai thuyết có cơ điểm khác nhau, vũ trụ quan khác nhau, chiều tư duy cũng khác nhau, nên quan điểm chủ trương đối lập nhau cũng là điều hiển nhiên. Nếu nhảy ra khỏi không gian bốn chiều của nhân loại, chúng ta có thể quan sát vũ trụ và sinh mệnh ở chiều không gian cao cấp hơn, thứ cao thứ thấp, điều đúng điều sai, sẽ hiển hiện ngay trước mắt, không cần bàn cãi.
Thuyết tiến hóa tuyên bố rằng con người là do tiến hóa, nhưng kể cả từ góc độ kiểm chứng khoa học hay lý luận xác xuất, thì đều không thể chứng minh tính đúng đắn của giả thuyết này. Suy cho cùng, nó hoàn toàn là nguỵ biện. Ngoài ra, không có bất cứ ghi chép liên quan nào trong các sách cổ có thể chứng thực được lập luận của học thuyết này. Mặc dù Thuyết tiến hóa còn nhiều sơ hở, nhưng nó đã được Ph.Ăngghen ca ngợi là một trong ba phát hiện vĩ đại của khoa học tự nhiên trong thế kỷ 19. Hơn nữa, nó đã đánh lừa và là mầm mống tai hại đối với thế giới cho đến tận ngày nay.
Bàn về việc Thần sáng tạo ra con người, có nhiều ghi chép rõ ràng trong các tác phẩm kinh điển của Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, v.v. Chẳng hạn, trong “Thánh Kinh Sáng Thế Ký” ghi rằng: Thần đã sáng tạo ra Trời và Đất. Thần đã tạo ra con người dựa vào hình tượng của chính mình. Thần Jehovah đã nặn ra một người từ đất sét trên mặt đất, gọi là Adam. Trong các nền văn minh khác, cũng có những ghi chép và truyền thuyết tương tự cho rằng, Thần đã sáng tạo ra con người từ bùn đất.
Tác giả: Tu Thực
Phương Phái biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ