Lịch sử tham nhũng của Ukraine ngày càng đáng lo ngại khi viện trợ quân sự của Hoa Kỳ tăng mạnh
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Kyiv viện trợ quân sự, kinh tế, nhân đạo và các hình thức viện trợ khác.
Theo các nguồn tin chính thức, tổng đóng góp của Hoa Kỳ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine hiện ở mức khoảng 113 tỷ USD, vượt xa khoản đóng góp của các đồng minh khác của Kyiv.
Nhưng khi các hóa đơn này tiếp tục tăng lên, thì đã có những lời kêu gọi về việc cần phải giám sát chặt chẽ hơn về cách thức các khoản tiền đó được chi tiêu. Những vụ bê bối tham nhũng gần đây ở Kyiv đã làm dấy lên lo ngại rằng tiền của người đóng thuế Hoa Kỳ đang bị tiêu xài lãng phí mà không có trách nhiệm giải trình.
Hơn nữa, những tiếng nói bất đồng đang chỉ ra rằng cuộc chiến này cho thấy có rất ít – nếu có – dấu hiệu sẽ sớm kết thúc, bất chấp sự ủng hộ dường như không giới hạn của phương Tây dành cho Ukraine.
Phân tích chi tiết
Khi trả lời các câu hỏi của The Epoch Times, Ủy ban vì Một Ngân sách Liên bang Có Trách nhiệm (CRFB) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã xác nhận rằng con số 113 tỷ USD “vẫn chính xác.”
Họ giải thích rằng con số này “chỉ bao gồm các gói tài trợ mà Quốc hội đã phê chuẩn đến hết tháng 12/2022 và cho đến nay Quốc hội chưa phê chuẩn bất kỳ gói nào khác vào năm 2023.”
Theo dữ liệu của CRFB, khoảng ba phần năm trong số 113 tỷ USD (67 tỷ USD) này đã được phân bổ cho “các nhu cầu quốc phòng,” trong khi hai phần năm còn lại (46 tỷ USD) được dành cho “các mối quan tâm phi quốc phòng.”
Các thống kê chi tiêu chính xác hơn dường như gây khó hiểu, khi mà các nguồn chính thức và bán chính thức (cơ quan nhà nước, tổ chức tư vấn, các hãng thông tấn, v.v.) thường có vẻ mâu thuẫn với nhau.
“Sự phức tạp này có xu hướng nằm ở cách chính phủ phân bổ và chi tiêu tiền,” CRFB, một tổ chức phi đảng phái với mục tiêu được tuyên bố là “giáo dục công chúng về các vấn đề có tác động đáng kể đến chính sách tài khóa,” cho biết.
Tổ chức này giải thích rằng Quốc hội “có thẩm quyền theo hiến pháp để quyết định có bao nhiêu tiền nên dành cho chi tiêu liên bang – “quyền lực của hầu bao” – trong khi Nhánh Hành pháp (tổng thống và các cơ quan khác) chịu trách nhiệm chi tiêu số tiền đó.”
“Tùy thuộc vào thời điểm quý vị hạch toán chi tiêu mà quý vị sẽ nhận được số tiền khác nhau,” CRFB nói thêm, “bởi vì Nhánh Hành pháp phải mất thời gian để thực sự chi tiêu số tiền mà Quốc hội phân bổ.”
Các phương thức rối rắm
Thực tế là việc giải ngân được thực hiện qua một loạt các phương thức quan liêu rối rắm, thường liên đới đến nhiều cơ quan, và có xu hướng làm mọi việc phức tạp thêm.
Chẳng hạn, trong trường hợp viện trợ quân sự, các phương thức này bao gồm – nhưng không giới hạn ở – Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA), Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), và Tài trợ Quân sự Ngoại quốc (FMF).
Theo CRFB, PDA cho phép tổng thống gửi thẳng vũ khí của Hoa Kỳ đến Ukraine, trong khi USAI cho phép chính phủ – cùng với khu vực tư nhân – cung cấp thiết bị và huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Trong khi đó, FMF cho phép chính phủ bổ sung kho dự trữ của các đồng minh NATO đã cung cấp khí tài quân sự của riêng họ cho Ukraine.
Các hình thức hỗ trợ phi quân sự – gồm viện trợ kinh tế, nhân đạo, và chính phủ – được chuyển đến Ukraine thông qua các phương thức phức tạp tương tự.
Ví dụ, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã viện trợ cho Kyiv 13 tỷ USD dưới hình thức “hỗ trợ ngân sách trực tiếp.”
Theo một báo cáo của USAID được công bố dịp đánh dấu tròn một năm cuộc xâm lược của Nga, những khoản chi này nhằm giúp Kyiv chi trả cho “các dịch vụ công căn bản,” chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Những khoản chi này cũng nhằm giúp Ukraine duy trì “một chính phủ hoạt động tốt với các thể chế vững mạnh không có tham nhũng” và “một nền kinh tế toàn diện, sôi động, tự do báo chí, và xã hội dân sự vững mạnh.”
Mối lo ngại ngày càng tăng
Mặc dù những mục tiêu cao cả này dường như là có thiện chí, nhưng một loạt vụ bê bối tham nhũng gần đây ở Kyiv đã khiến người ta đặt ra câu hỏi liệu những khoản tiền hào phóng của Hoa Kỳ có được chi tiêu như dự định hay không.
Hai ngày trước khi USAID công bố báo cáo của mình, Ủy ban Hạ viện về Giám sát và Trách nhiệm giải trình đã gửi một lá thư với lời lẽ mạnh mẽ đến những người đứng đầu USAID, Bộ Ngoại giao, và Bộ Quốc phòng.
Trong bức thư gửi đi hôm 22/02, người đứng đầu ủy ban James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) đã khuyến nghị người đứng đầu ba cơ quan liên bang này bảo đảm rằng các khoản tiền dành cho Ukraine được sử dụng “đúng với mục đích của chúng” để ngăn chặn “sự lãng phí, gian lận, và lạm dụng.”
Bức thư trích dẫn một tuyên bố hôm 25/01 của ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), trong đó ông tuyên bố NSC “không thấy bất kỳ dấu hiệu nào” cho thấy viện trợ ngân sách của Hoa Kỳ cho thủ đô Kyiv đã “trở thành con mồi của bất kỳ hình thức tham nhũng nào.”
Bức thư tiếp tục lưu ý rằng lời khẳng định của ông Kirby được đưa ra một ngày sau khi một số quan chức cao cấp của Ukraine bị cách chức vì những cáo buộc hối lộ.
Theo bức thư, nhận xét của ông Kirby cho thấy NSC đã “không biết” về vụ bê bối tham nhũng ở Kyiv, do đó “làm gia tăng mối lo ngại rằng các cơ quan Hoa Kỳ không tiến hành giám sát viện trợ từ tiền thuế cho Ukraine.”
Sau đó, ba cơ quan này được cho thời hạn đến ngày 08/03 để bàn giao một loạt “các tài liệu và thông tin” liên quan đến cách họ “tiến hành giám sát các quỹ này.”
Hai ngày trước thời hạn, Văn phòng các Vấn đề Lập pháp của Bộ Ngoại giao đã gửi thư cho ông Comer nhấn mạnh cam kết của ba cơ quan này trong việc “hợp tác chặt chẽ” với ủy ban của ông để bảo đảm rằng khoản viện trợ được sử dụng “như kết quả mong muốn, hiệu quả và đúng mục đích của nó.”
Trong thư, các cơ quan đã đề nghị tổ chức một “cuộc báo cáo liên cơ quan” để các thành viên của Ủy ban Giám sát “giải đáp các câu hỏi của quý vị và cung cấp thông tin được yêu cầu.”
Tuy nhiên, tại thời điểm phát hành bản tin này, ngày cho “cuộc họp liên cơ quan” được đề nghị vẫn chưa được công bố.
Bê bối ở Kyiv
Trước cuộc xâm lược của Nga, báo chí phương Tây đã không ngại đưa tin về nạn tham nhũng đang hoành hành chính phủ Kyiv. Hồi năm 2015, tờ báo The Guardian của Anh đã mô tả Ukraine là “quốc gia tham nhũng nhất ở châu Âu.”
Nhưng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi đầu năm ngoái, các hãng thông tấn đột ngột thay đổi giọng điệu, hiếm khi miêu tả Kyiv bằng bất cứ điều gì khác ngoài những từ ngữ mỹ miều.
Theo dòng tin chính, Ukraine và tổng thống của họ, ông Volodymyr Zelensky, đang bảo vệ phương Tây và các lý tưởng dân chủ của họ – gần như đơn thương độc mã – khỏi sự tàn phá của “chế độ chuyên chế Nga.”
Từng là diễn viên hài và diễn viên truyền hình, ông Zelensky đã đắc cử tổng thống năm 2019 nhờ cam kết chống tham nhũng tràn lan trong chính phủ.
Tạp chí Time đã tôn vinh ông Zelensky – và “Tinh thần Ukraine” bất khuất – là “nhân vật của năm” cho năm 2022. Bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Kyiv, hoặc tổng thống thời chiến được yêu mến của họ, đều bị các chuyên gia truyền thông thiên tả cho là “thông tin sai lệch” của Nga.
Tuy nhiên, hào quang của sự hoàn hảo này đã bị phá vỡ hôm 24/01, khi một loạt các quan chức hàng đầu của Ukraine đột ngột từ chức – hoặc bị sa thải – giữa những cáo buộc tham nhũng.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã từ chức sau các tuyên bố rằng ông đã mua các khẩu phần ăn cho quân đội với các mức giá khống, trong khi một Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng đã bị bắt vì tội nhận tiền lại quả cho các máy phát điện có giá ngất ngưởng.
Một số quan chức cao cấp khác, bao gồm các thống đốc khu vực và một phụ tá tổng chưởng lý, cũng bị buộc thôi giữ chức vụ vì những cáo buộc tương tự.
“Mọi vấn đề nội bộ gây cản trở nhà nước này đang được thanh lọc,” ông Zelensky cho biết vào thời điểm đó. “Điều này là cần thiết để bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta nối lại tình hữu nghị với các tổ chức Âu Châu.”
‘Hố đen’
Về phần mình, NSC đã phản ứng lại việc sa thải bằng cách ca ngợi “hành động nhanh chóng … của ông Zelensky nhằm bảo đảm việc giám sát hiệu quả và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm công và buộc những người ở các vị trí được công chúng tin tưởng phải chịu trách nhiệm.”
Hồi tháng Tư năm ngoái (2022), CNN, hãng thông tấn mà những thông tin ủng hộ Kyiv của họ hiếm khi bị nghi ngờ, đã dẫn lời một nguồn tin tình báo ẩn danh cáo buộc rằng vũ khí của Hoa Kỳ đã rơi “vào một hố đen lớn” sau khi vượt qua biên giới Ukraine.
Hồi tháng 08/2022, CBS News đã phát sóng một bộ phim tài liệu có nhan đề “Vũ trang cho Ukraine” (Arming Ukraine), trong đó có các cuộc phỏng vấn với ông Jonas Ohman, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ “NGO” thân Kyiv chuyên vận chuyển vũ khí và thiết bị của phương Tây vào Ukraine.
Trong bộ phim tài liệu này, ông Ohman tuyên bố rằng chỉ có khoảng 30% số vũ khí và thiết bị này thực sự “đến đích cuối cùng.” Sau đó, ông cho rằng sự thiếu hụt bị cáo buộc này là do sự can thiệp của “các lãnh chúa quyền lực, đầu sỏ chính trị, và những chính trị gia” ở địa phương.
Ở những phần khác trong bộ phim tài liệu dài 23 phút này, ông Ohman tuyên bố rằng tổ chức của ông đã đưa vũ khí vào Ukraine “kể từ mùa hè năm 2014.”
Bất chấp lập trường công khai ủng hộ Ukraine, bộ phim tài liệu này đã nhanh chóng bị CBS rút lại – hai ngày sau khi phát sóng – sau một sự phản đối gay gắt của Kyiv.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc đài truyền hình trên đã “lừa dối một lượng lớn khán giả bằng cách chia sẻ những tuyên bố không có căn cứ và phá hủy sự tín nhiệm vào việc cung cấp nguồn viện trợ quân sự sống còn cho một quốc gia đang chiến đấu với cuộc xâm lược và nạn diệt chủng.”
Trình bày trên Twitter, ông Kuleba tiếp tục yêu cầu “một cuộc điều tra nội bộ về việc ai đã cho phép phát sóng [phim tài liệu] này và tại sao.”
‘Lịch sử lâu đời’ về tham nhũng
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Kyiv, đây không phải là lần đầu tiên những tuyên bố như vậy được đưa ra.
Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo rằng vũ khí phương Tây chuyển đến Ukraine cuối cùng sẽ rơi vào tay các băng đảng tội phạm và các nhóm khủng bố. Tháng Sáu năm ngoái, ông Jurgen Stock, tổng thư ký của Interpol, đã đưa ra một cảnh báo tương tự.
Tại một phiên điều trần hôm 28/02 của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Tổng thanh tra Ngũ Giác Đài Robert Storch đã bị các nhà lập pháp chất vấn về những lo ngại cho rằng vũ khí của Hoa Kỳ đang rơi vào tay kẻ xấu.
Về phần mình, ông Storch cho biết văn phòng của ông không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy trường hợp này, nhưng nói thêm rằng các cuộc điều tra vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.
Ông còn nói thêm, văn phòng của ông sẽ “tiếp tục giám sát độc lập việc viện trợ cho Ukraine như là một vấn đề ưu tiên cao nhất.”
“Và chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo cho Quốc hội và công chúng về công việc của chúng tôi,” ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi ông Storch bị Nghị sĩ Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida), một người chỉ trích mạnh mẽ việc viện trợ không giới hạn cho Kyiv, tiếp tục thúc ép, ông đã thừa nhận rằng: “Có một lịch sử lâu đời về các vấn đề tham nhũng ở Ukraine.”
Những lo ngại liên quan đến khả năng chuyển vũ khí và thiết bị của phương Tây sang Ukraine không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ.
Tháng 07/2022, tờ Ottawa Citizen, trích dẫn “nhiều nguồn tin quốc phòng,” đưa tin rằng Canada “không biết về vị trí của các thiết bị mà họ đã cung cấp cho Ukraine vì họ không chủ động giám sát việc phân phối thiết bị này.”
Sự thật trên thực tế
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm ngoái, Hoa Kỳ đã cung cấp cho nước này rất nhiều thiết bị tấn công, bao gồm xe tăng, các thiết vận xa, hệ thống pháo, và đạn dược đủ hình dạng và kích cỡ.
Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy Ukraine đang chiến thắng trong cuộc xung đột này, mặc dù các hãng truyền thông thiên tả của phương Tây thường xuyên tuyên bố ngược lại.
Các cuộc phản công của Ukraine hồi năm ngoái ở Kharkov và Kherson đã được ca ngợi rộng rãi như là những chiến thắng.
Tuy nhiên, kể từ đó, các lực lượng Nga đã củng cố các vị trí của họ – đặc biệt là ở khu vực phía đông Donbas, nơi vẫn là tâm điểm chính của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ.
Những tuần gần đây, quân đội Nga đã chiếm được một số vị trí ở Donetsk, với việc họ gần như bao vây thị trấn chiến lược Bakhmut, một trung tâm giao thông then chốt của Ukraine.
Tháng 09/2022, Nga đã sáp nhập hai vùng Donetsk và Luhansk (gọi chung là Donbas), cùng với các khu vực phía nam Kherson và Zaporizhzhia. Bây giờ nước này xem cả bốn khu vực nói trên là lãnh thổ thuộc Liên bang Nga.
Các cuộc thôn tính năm ngoái trùng hợp với việc điều động 300,000 tân binh. Trong số các binh sĩ này, nhiều người có khả năng sẽ tham gia vào một chiến dịch tấn công mùa xuân được dự trù trước.
Tuy vậy, trong khi báo chí thiên tả xem thường những thành quả trên chiến trường của Nga, thì một số ít tiếng nói bất đồng, trong đó có cả các chuyên gia quân sự đáng kính, đã đưa ra những cảnh báo nổi bật về diễn biến của cuộc xung đột này.
Tháng Mười Một năm ngoái, đại tá lục quân đã về hưu Douglas Macgregor, từng làm cố vấn cho bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã cảnh báo rằng thương vong “nặng nề” của Ukraine đã làm xói mòn khả năng chiến đấu của Kyiv “một cách nguy hiểm.”
Viết trên tạp chí The American Conservative, ông Macgregor khẳng định: “Trái ngược với cách đưa tin ‘chiến thắng của người Ukraine’ phổ biến trên truyền thông phương Tây, vốn ngăn chặn mọi thông tin trái chiều với họ, thì Ukraine đang không giành phần thắng và sẽ không thắng nổi cuộc chiến này.”
‘Chừng nào còn có thể’
Trong khi đó, các triển vọng về một giải pháp ngoại giao đang tỏ ra xa vời hơn bao giờ hết.
Hôm 10/03, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moscow nhận thấy “không có khả năng tổ chức đàm phán vào lúc này.”
Sáu ngày sau, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lặp lại những nhận định này. Ông nói, “Tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy, ngay lúc này, Nga quan tâm đến một giải pháp ngoại giao … giúp chấm dứt cuộc chiến này.”
Vì vậy, câu hỏi tự đặt ra là: Trong trường hợp không có giải pháp nào về quân sự hay ngoại giao, thì Hoa Kỳ sẽ sẵn lòng rót tiền bạc và vũ khí vào Ukraine trong bao lâu nữa?
Theo hầu hết các quan chức Hoa Kỳ – và những người đồng cấp có cùng chí hướng với họ ở châu Âu – câu trả lời rất rõ ràng: “Chừng nào còn có thể.”
“Chúng tôi cam kết sẽ sát cánh cùng Ukraine chừng nào còn có thể,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price đã nhắc lại trong cuộc họp báo hôm 13/03. “Chúng tôi cam kết với các đối tác Ukraine của chúng tôi như vậy.”
Phúc đáp một nghi vấn của The Epoch Times, ông Price nói thêm: “Điều quan trọng là Hoa Kỳ phải kiên quyết, cùng với hàng chục quốc gia trên thế giới không chỉ đứng về phía Ukraine mà còn ủng hộ hệ thống Liên Hiệp Quốc, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, và Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.”
Mệt mỏi vì cuộc chiến tại Ukraine
Nhưng khi chi phí vũ trang và tài trợ cho Ukraine tiếp tục tăng, những người khác trong chính phủ không sẵn sàng chờ đợi lâu như vậy.
Hôm 10/02, một số ít các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa, dẫn đầu là ông Gaetz của Florida, đã công bố một dự luật tại Quốc hội kêu gọi chấm dứt viện trợ của Hoa Kỳ – quân sự và tài chính – cho Kyiv.
11 người đề xướng dự luật này đã tìm cách biện minh cho dự luật bằng cách viện dẫn chi phí ngày càng tăng đối với người nộp thuế, nguy cơ leo thang với một nước Nga được trang bị vũ khí hạt nhân, và sự hao hụt kho dự trữ quân sự của Hoa Kỳ.
Dự luật trên, được mệnh danh là dự luật “Mệt mỏi vì cuộc chiến tại Ukraine,” kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột đạt được một giải pháp thương lượng.
Ông Gaetz nói trong một thông cáo báo chí: “Chúng ta phải đình chỉ mọi viện trợ ngoại quốc cho cuộc chiến ở Ukraine và yêu cầu tất cả các bên tham chiến trong cuộc xung đột này phải đạt được một thỏa thuận hòa bình ngay lập tức.”
Tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang trong một thời kỳ “suy thoái có kiểm soát,” vị nghị sĩ đứng đầu nhóm này cảnh báo về tình trạng xấu đi hơn nữa nếu Hoa Thịnh Đốn tiếp tục “làm chảy máu tiền thuế của người dân” bằng cách kéo dài cuộc chiến này.
Văn bản của dự luật trên bao gồm một danh sách dài các khoản đóng góp quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, điều mà dự luật khẳng định đã “làm cạn kiệt nghiêm trọng các kho dự trữ của Hoa Kỳ, làm suy yếu khả năng sẵn sàng của Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột.”
‘Mấp mé bờ vực’
Dự luật này có rất ít cơ hội được thông qua và các nhà bảo trợ dự luật vẫn đại diện cho một ý kiến thiểu số – ngay cả trong số các thành viên Đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, dự luật dường như phản ánh sự phản đối ngày càng tăng của công chúng đối với sự ủng hộ vô bờ bến dành cho Ukraine.
Vài ngày sau khi dự luật này được đưa ra, một cuộc thăm dò do The Associated Press thực hiện cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với viện trợ của Hoa Kỳ cho Kyiv đã giảm – từ 60% xuống 48% – kể từ những tháng đầu của cuộc xung đột.
Hôm 14/03, sau khi chiến đấu cơ của Nga bắn hạ một phi cơ không người lái của Mỹ gần Bán đảo Crimea do Nga kiểm soát, ông Gaetz đã nhắc lại lời kêu gọi “chấm dứt sự can dự của chúng ta vào cuộc xung đột này.”
Ông viết trên Twitter: “Với việc phi cơ không người lái MQ-9 Reaper của Không lực Hoa Kỳ bị bắn hạ ở Hắc Hải ngày hôm nay, chúng ta một lần nữa được nhắc nhở về thực tế nguy hiểm về sự can dự của chúng ta vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times