Bộ Ngoại Giao: Hoa Kỳ không thay đổi chính sách hạt nhân sau khi Nga cam kết trang bị vũ khí cho Belarus
Hoa Kỳ sẽ không điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình sau khi Nga đưa ra thông báo rằng họ sẽ đặt các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus.
Cuối tuần qua (25-26/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Belarus có thể là nơi đặt các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga vào đầu mùa hè này.
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống (TT) Biden nói rằng Nga không xem xét nghiêm túc việc sử dụng các vũ khí hạt nhân ở Ukraine, và sẽ không điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình theo hướng này.
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết trong một cuộc họp báo hôm 27/03: “Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh chính sách hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Ông Patel nói thêm, “Không có quốc gia nào đang đe dọa Nga hay đang đe dọa Tổng thống Putin.”
Belarus, quốc gia nằm ngay phía tây Nga và phía bắc Ukraine, trước đây đã cho phép quân đội Nga tập hợp và tấn công Ukraine từ bên trong biên giới của mình. Tương tự như vậy, nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã cam kết sẽ tham gia cùng Nga trong cuộc chiến của nước này nếu họ là mục tiêu gây hấn từ Ukraine hoặc phương Tây.
Thông báo của ông Putin có nghĩa là Nga có thể đặt vũ khí hạt nhân ngay sát Latvia, Lithuania, Ba Lan, và Ukraine, bất chấp việc ông Putin nhiều lần tuyên bố rằng ông đã xâm lược Ukraine để ngăn chặn vũ khí hạt nhân của phương Tây được khai triển gần Nga.
Một hành động như vậy cũng sẽ làm tăng sự thuận tiện mà Điện Kremlin có thể tận dụng để leo thang cuộc chiến của họ nhằm vào Ukraine.
Ông Patel lưu ý rằng, bất chấp luận điệu của ông Putin, không có quốc gia nào khác đã từng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, hay tìm cách leo thang xung đột.
“Thành thật mà nói, thông báo này là một thông báo mà chúng tôi lên án,” ông Patel cho hay. “Đây là ví dụ mới nhất về luận điệu hạt nhân vô trách nhiệm mà chúng ta đã thấy từ Nga.”
“Không một quốc gia nào khác đang gây ra thiệt hại như vậy đối với việc kiểm soát vũ khí, cũng như tìm cách phá hoại sự ổn định chiến lược ở châu Âu. Không có quốc gia nào khác đưa ra khả năng sử dụng hạt nhân tiềm ẩn liên quan đến cuộc xung đột này.”
Ông Patel nói thêm rằng Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của mình sẽ khiến Nga phải gánh “hậu quả nghiêm trọng” nếu nước này khơi mào xung đột hạt nhân, và cho biết chính phủ TT Biden tiếp tục “sử dụng một số công cụ sẵn có để buộc Liên bang Nga phải chịu trách nhiệm.”
Do đó, ông Patel đã nhắc lại niềm tin của Tổng thống Joe Biden rằng thế giới này đang đối mặt với một loạt thách thức đối với nền quản trị dân chủ, và liên kết cuộc xâm lược của Nga với hành vi chống lại luật pháp và trật tự.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times