Lịch sử của nỗi cô đơn
Có phải cô đơn là tình trạng bất ổn của thời đại chúng ta hiện nay hay không?
Ông Vivek Murthy, cựu Tổng Y Sĩ Hoa Kỳ nói rằng hầu hết các bệnh lý phổ biến mà ông đã gặp trong suốt sự nghiệp của mình “không phải là bệnh tim mạch hoặc tiểu đường; đó là cô đơn.”
Một số người nói rằng cô đơn kinh niên cũng giống như việc “hút 15 điếu thuốc mỗi ngày”. Chứng bệnh này còn “giết nhiều người hơn cả béo phì”
Bởi vì hiện nay sự cô đơn được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng – thậm chí là một bệnh dịch, nên người ta đang tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cố gắng tìm kiếm các giải pháp để chữa trị.
Trong khi viết một quyển sách nói về cách thức mà các nhà thơ trong lịch sử đã mô tả về sự cô đơn trong Thời Kỳ Lãng Mạn, tôi đã khám phá ra rằng sự cô đơn là một khái niệm tương đối mới và đã từng có một liệu pháp chữa trị dễ dàng. Tuy nhiên, khi ý nghĩa của khái niệm bị thay đổi, việc tìm ra các giải pháp chữa trị đã trở nên khó khăn hơn.
Việc quay trở lại với ý nghĩa nguyên gốc của thuật ngữ này, và thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa của nó đã bị thay đổi theo thời gian như thế nào – sẽ trao cho chúng ta một lối suy nghĩ mới về sự cô đơn hiện đại cũng như những phương cách giúp chúng ta khắc phục nó.
Những hiểm nguy của việc liều lĩnh dấn thân vào “sự cô đơn”
Mặc dù sự cô đơn có thể giống như một trải nghiệm phổ biến vượt thời gian, nó dường như có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 16, khi đó nó là dấu hiệu về sự nguy hiểm khi ở quá xa những người khác.
Ở giai đoạn đầu của nước Anh hiện đại, việc đi quá xa khỏi cộng đồng cũng có nghĩa là từ bỏ sự bảo vệ mà xã hội đó cung cấp. Những khu rừng và đồi núi xa xôi khơi gợi lên nỗi sợ hãi, và khu vực hiu quạnh là một địa phương mà ở đó bạn có thể bị người khác làm hại mà không có bất kỳ ai để giúp đỡ.
Để khiến cho giáo đoàn của họ sợ hãi tránh phạm tội lỗi, những người viết bài thuyết giảng đã yêu cầu mọi người hãy tưởng tượng họ đang ở trong “sự cô đơn” – là những nơi giống như địa ngục, nghĩa trang hoặc là sa mạc.
Tuy nhiên, đến thế kỷ 17, cụm từ “sự cô đơn” và “lẻ loi” hiếm khi xuất hiện trong văn viết. Vào năm 1674, một nhà tự nhiên học là John Ray đã biên soạn một bảng thuật ngữ các từ thường xuyên được sử dụng. Ông đã liệt kê “sự cô đơn” trong danh sách của mình, và định nghĩa nó là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những địa phương và con người “ở nơi xa xôi khỏi làng xóm”
Bài thơ sử thi năm 1667 của thi hào John Milton “Paradise Lost – Thiên Đường Đã Mất” mô tả một trong những nhân vật cô độc đầu tiên của văn học Anh: quỷ Sa-tăng. Trong chuyến đi của hắn đến Vườn Địa Đàng để cám dỗ Eva, quỷ Sa-tăng đã đi “những bước chân cô độc” ra khỏi địa ngục. Tuy nhiên ông Milton không viết gì về những cảm xúc của Sa-tăng; thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng hắn đã đi băng qua một vùng đất hoang dã cuối cùng, một không gian giữa địa ngục và Vườn Địa Đàng, nơi mà trước đó không có bất kỳ một thiên thần nào dám liều lĩnh bước vào.
Sa-tăng mô tả sự cô đơn của hắn dưới một trạng thái dễ bị tổn thương:
“Từ đây ta ra đi
bước chân cô độc lạ lẫm, một cho tất cả
Bản thân ta bị đặt vào tình thế bước đi trong cô độc
trong sâu thẳm vô định.”
Tình thế nan giải của sự cô đơn hiện đại
Thậm chí ngày nay khi chúng ta tận hưởng các vùng đất hoang dã như là một nơi để phiêu lưu và chơi đùa, thì nỗi sợ hãi về sự cô đơn cũng tồn tại. Vấn đề chỉ đơn giản là chuyển vào các thành phố của chúng ta.
Nhiều người đang cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách đưa những người là hàng xóm đến gần với nhau hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có một số lượng lớn người dân sinh sống cô độc và sự phá vỡ các cấu trúc của gia đình và cộng đồng.
Cựu thủ tướng Anh, bà Theresa May đã đặt ra mục tiêu “chiến đấu” với sự cô đơn và chỉ định một bộ trưởng riêng chỉ để thực hiện công việc này. Thậm chí còn có một tổ chức thiện nguyện được gọi là “Chiến dịch chấm dứt sự cô đơn”
Tuy nhiên động lực để chữa trị sự cô đơn đã đơn giản hóa quá mức ý nghĩa hiện đại của nó.
Vào thế kỷ thứ 17, khi mà sự cô đơn thường được sử dụng để nói đến những khu vực bên ngoài thành phố, việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn. Chỉ đơn thuần là yêu cầu họ quay trở về với cộng đồng là xong.
Tuy nhiên, sự cô đơn đã dịch chuyển vào bên trong – và đã trở nên khó khăn chữa hơn rất nhiều. Bởi vì nó chiếm chỗ bên trong tâm trí của con người, thậm chí là bên trong nội tâm của những người đang sinh sống ở một thành phố sầm uất, nó không thể được giải quyết chỉ bằng việc ở gần nhau.
Sự cô đơn hiện đại không phải chỉ đơn giản là nói về khoảng cách địa lý với những người khác. Thay vào đó, cô đơn là một trạng thái cảm xúc trong đó một người cảm thấy xa lạ với những người khác, mà không thực sự như vậy.
Có một số người khi đang ở cùng nhiều người khác, hoặc thậm chí là ở cùng với bạn bè và những người thân yêu, cũng có thể phàn nàn về những cảm giác cô đơn. Vùng đất hoang dã hiện nay đã ở bên trong tâm trí chúng ta rồi.
Dân cư hóa vùng hoang dã của tâm trí
Việc thiếu vắng một biện pháp để chữa trị là nguyên nhân giải thích tại sao ngày nay sự cô đơn được nhìn nhận là một vấn đề nguy hiểm: sự mơ hồ thật đáng sợ.
Tuy nhiên, ngược lại, bí quyết để đối phó với cô đơn hiện nay có thể không nằm ở việc cố gắng làm biến mất mà là khám phá các phương pháp để tồn tại bên trong những điều trừu tượng của nó, thảo luận thông qua những mâu thuẫn của nó, và tìm kiếm những người có cùng cảm giác như vậy.
Mặc dù điều quan trọng chắc chắn là cần phải chú ý đến những cấu trúc khiến người dân (đặc biệt là người già, người tàn tật và người dễ bị tổn thương) bị cô lập về thể chất và từ đó cảm thấy không khỏe, tuy nhiên việc tìm ra phương pháp để giải tỏa nỗi cô đơn cũng là việc trọng yếu.
Việc thừa nhận sự cô đơn là trải nghiệm sâu sắc của con người và đôi khi không thể chữa lành chứ không phải là một bệnh lý thông thường có thể cho phép mọi người – đặc biệt là những người cô đơn tìm ra các điểm tương đồng.
Để có thể nhìn nhận “đại dịch cô đơn” không chỉ là một “đại dịch của sự cô lập,” điều quan trọng là phải xem xét tại sao không gian bên trong nội tâm của những con người khác nhau lại cảm giác giống như là những vùng hoang dã ngay từ ban đầu.
Mỗi người đều trải nghiệm sự cô đơn theo cách khác nhau, và rất nhiều người trong đó rất khó để mô tả nó. Tiểu thuyết gia Joseph Conrad đã viết như sau: “Ai hiểu cô đơn thật sự là gì – không phải là một từ ngữ thông thường mà là một sự kinh hoàng trần trụi? Bản thân của nỗi cô đơn, chính nó cũng đã đeo lên một lớp mặt nạ.”Tìm hiểu về phương thức mà người khác đã vượt qua nỗi cô đơn cũng có thể giúp giảm thiểu việc mất phương hướng như Conrad mô tả.
Việc đọc các tác phẩm văn chương cũng có thể làm cho tâm trí cảm thấy bớt cằn cỗi hơn. Những quyển sách chúng ta đọc không nhất định phải nói về sự cô đơn, mặc dù có rất nhiều ví dụ về điều này, từ “Frankenstein” cho đến “Người Vô Hình.” Việc đọc sách cho phép chúng ta kết nối với những nhân vật mà chính họ cũng có thể đang cảm thấy cô đơn, nhưng điều quan trọng là, nhưng nó cũng cung cấp một phương pháp để làm cho tâm trí chúng ta dường như có nơi cư trú.”
Văn học cũng đem đến những ví dụ về cách người ta cô đơn cùng nhau. Những nhà thơ lãng mạn người Anh thường sao chép nỗi cô đơn của người khác và nhận thấy rằng nó cũng rất hiệu quả và trọn vẹn.
Có những cơ hội cho cộng đồng những người đang cảm thấy cô đơn khi họ chia sẻ nó, bất kể là tương tác trực diện hay là qua tin nhắn. Mặc dù sự cô đơn có thể làm bạn suy nhược, nhưng nó đã đi một quãng đường rất dài từ ý nghĩa nguyên gốc khi chỉ là một từ đồng nghĩa với sự cô lập.
Như nhà thơ Ocean Vuong đã viết, “Sự cô đơn cũng là thời gian dành cho cả thế giới.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times