Đại dịch cô đơn: Tổng Y sĩ Hoa Kỳ cảnh báo về những rủi ro tử vong tương đương với hút thuốc
Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, Bác sĩ Vivek Murthy gần đây đã tuyên bố rằng cô đơn đã trở thành một “dịch bệnh” và là mối đe dọa mới đối với sức khỏe cộng đồng tại quốc gia này. Xấp xỉ một nửa số người Mỹ trưởng thành cho biết đã trải qua sự cô đơn. Những nguy cơ sức khỏe liên quan đến nỗi cô đơn tương đương với việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày. Bác sĩ Murthy kêu gọi hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe này và nhấn mạnh rằng sự tương tác trực tiếp giữa người với người là không thể thay thế.
Vào ngày 03/05, Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã công bố một báo cáo dài 81 trang ghi lại mức độ của vấn đề. Thiếu kết nối xã hội và sự cô đơn làm tăng 60% nguy cơ tử vong sớm, đồng thời làm tăng 29% nguy cơ bị bệnh tim, 32% đột quỵ, và 50% chứng mất trí nhớ ở người lớn tuổi.
Sự cô đơn đề cập đến sự khác biệt về chất lượng và số lượng giữa các mối quan hệ xã hội mà một người mong muốn với những gì họ thực sự có, trong khi sự cô lập xã hội đề cập đến việc thiếu kết nối xã hội hoặc cộng đồng. Những người trải qua sự cô đơn và cô lập xã hội có thể bị căng thẳng tâm lý nhiều hơn cũng như có lối sống kém lành mạnh hơn so với những người tích cực hoạt động xã hội.
Theo một đánh giá phân tích tổng hợp năm 2015 được công bố trên tập san Viễn cảnh của Khoa học Tâm lý học (Perspectives on Psychological Science), tác động của sự cô đơn và sự cô lập xã hội có thể so sánh với các yếu tố rủi ro rõ ràng đối với tỷ lệ tử vong.
Trong một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tập san PLoS Medicine, các nhà nghiên cứu đã phân tích 148 nghiên cứu gồm 308,849 người tham gia, thời gian theo dõi trung bình là 7.5 năm. Kết quả cho thấy những người có mối quan hệ xã hội bền chặt hơn có khả năng sống sót cao hơn 50% so với những người có mối quan hệ xã hội kém hoặc thiếu kết nối xã hội. Tác động này có thể so sánh với việc bỏ thuốc lá, vượt qua nhiều yếu tố nguy cơ gây tử vong đã biết, chẳng hạn như béo phì và ít hoạt động thể chất.
Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2020 trên tập san Lão khoa: Loạt B (The Journals of Gerontology: Series B), chỉ ra rằng sự cô đơn là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với chứng mất trí nhớ do mọi nguyên nhân, đặc biệt là bệnh Alzheimer.
Ý kiến chuyên gia: Cô đơn và cô lập xã hội là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng bị bỏ qua
Ông Murthy cho biết: “Đại dịch cô đơn và cô lập xã hội là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng bị đánh giá thấp, gây hại cho sức khỏe cá nhân và xã hội. Do tác động đáng kể của vấn đề này đối với sức khỏe, chúng ta phải ưu tiên xây dựng các kết nối xã hội, giống như các vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng khác như béo phì, thuốc lá, và rối loạn sử dụng chất gây nghiện.”
Năm 2018, công ty nghiên cứu thị trường Ipsos thay mặt Cigna thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến, với sự tham gia của 20,096 người Hoa Kỳ trưởng thành từ 18 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy 46% số người cho biết đôi khi hoặc luôn cảm thấy cô đơn, 47% cảm thấy bị bỏ rơi, 54% đôi khi hoặc luôn cảm thấy như thể không có ai hiểu rõ về họ, 43% cảm thấy rằng các mối quan hệ của họ không có ý nghĩa, và 43% cảm thấy bị cô lập.
Tương tác trực tiếp là không thể thay thế cho các kết nối xã hội
Theo báo cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, người dân Hoa Kỳ ngày càng ít tham gia vào các nhóm tôn giáo, liên đoàn lao động, tổ chức cộng đồng, và các nhóm tương tự trong những thập niên gần đây.
Một cuộc khảo sát do trung tâm nghiên cứu Pew của tổ chức thăm dò ý kiến Hoa Kỳ thực hiện cho thấy rằng đã có sự giảm nhẹ về tỷ lệ những người tin vào Chúa, cầu nguyện hàng ngày, thường xuyên đi nhà thờ hoặc các buổi lễ tôn giáo khác. Ngoài ra, dữ liệu do Học viện Do Good tại Đại học Maryland thu thập cho thấy tỷ lệ hoạt động tình nguyện giảm ở Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu năm 2021 của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, có 37 triệu hộ gia đình độc thân ở Hoa Kỳ, chiếm 28% tổng số hộ gia đình, so với chỉ 13% vào năm 1960. Hơn nữa, tỷ lệ người trưởng thành sống với vợ/chồng đã giảm từ 52% xuống 50% trong thập niên qua.
Một nghiên cứu được công bố trên tập san Y học và Khoa học Xã hội – Sức khỏe Dân số (SSM-Population Health) vào năm 2023 chỉ ra rằng từ năm 2003 đến năm 2020, người dân Hoa Kỳ dành trung bình ít hơn 20 giờ mỗi tháng cho các hoạt động xã hội với bạn bè, trong khi thời gian ở một mình tăng thêm trung bình 24 giờ mỗi tháng.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng cô đơn có tác động lớn nhất đến những người trẻ tuổi từ 15 đến 24 tuổi, vốn có mức độ tương tác xã hội giảm mạnh từ năm 2003 đến năm 2019. Tuổi vị thành niên và thanh niên là giai đoạn nhạy cảm để giao tiếp với những người không phải là thành viên trong gia đình. Điều này có nghĩa là thế hệ trẻ Hoa Kỳ thời nay đang trải qua một sự mất mát đáng kể trong các trải nghiệm xã hội hóa. Theo báo cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, những người trẻ từ 15 đến 24 tuổi đã giảm 70% thời gian dành cho bạn bè trong 20 năm qua.
Báo cáo đã đề xuất một số giải pháp cho đại dịch cô đơn này, như tham gia các hoạt động cộng đồng, cất điện thoại khi gặp gỡ bạn bè, và các giải pháp khác. Ngoài ra, báo cáo đề xuất rằng các nhà tuyển dụng nên xem xét cẩn thận các chính sách làm việc từ xa và hệ thống chăm sóc sức khỏe nên cung cấp [chương trình] đào tạo chính thức cho các chuyên gia y tế.
Theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố trong tập san Y học Dự phòng Hoa Kỳ (American Journal of Preventive Medicine), những người dành hơn hai giờ mỗi ngày trên mạng xã hội có khả năng bị cô lập xã hội cao gấp đôi so với những người sử dụng nó dưới 30 phút mỗi ngày.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times