Những cái chạm tinh tế giúp giảm cô đơn, giảm huyết áp và giảm viêm

Tiếp xúc cơ thể không chỉ là một ngôn ngữ yêu thương.

Tiếp xúc cơ thể là nền tảng để tối ưu sức khỏe thể chất và tinh thần. Hành động này kích hoạt một loạt các phản ứng sinh hóa, giúp chúng ta giảm căng thẳng, tăng khả năng miễn dịch và thúc đẩy sự gắn kết.

Nghiên cứu gần đây trên Tập san The Journals of Gerontology: Series B (Lão Khoa: Loạt bài B) kết luận rằng, những tiếp xúc cơ thể vừa phải như ôm, vỗ nhẹ vào lưng hoặc nắm tay có tác dụng chống viêm.

Tiến sĩ tâm lý học Tiffany Field, giám đốc Viện Nghiên cứu Cảm ứng tại Trường Y khoa Đại học University of Miami, nói với The Epoch Times rằng, “Đụng chạm nhẹ nhàng sẽ kích thích các thụ thể áp lực dưới da, từ đó làm chậm hệ thống thần kinh và chậm sản xuất các hormone căng thẳng như cortisol, tăng tiết serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh trong não có thể điều chỉnh cảm giác đau. Giảm nồng độ các hormone căng thẳng là một trong nhiều cách bảo vệ sức khỏe.”

Các yếu tố gây căng thẳng hàng ngày như màn hình, thực phẩm chế biến sẵn, tiếp xúc với trường điện từ và chất độc làm tăng mức cortisol. Theo bà Field, hành động tiếp xúc thân thể trực tiếp chống lại những áp lực hiện đại này.

Tiếp xúc thân thể có lợi cho tâm trí

Theo tiến sĩ Gayle Myers, một bác sĩ nội khoa chuyên về y học tích hợp, sự đụng chạm cơ thể có những lợi ích nổi bật về sức khỏe tâm thần. Bà nói với The Epoch Times rằng, “Chạm vào có tác dụng xoa dịu và chữa lành sâu sắc.”

Tiếp xúc vật lý cũng liên quan đến nồng độ oxytocin cao hơn. Oxytocin, thường được gọi là “hormone tình yêu,” là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng có chức năng chính là thúc đẩy liên kết xã hội và kết nối cảm xúc.

Nghiên cứu gần đây ủng hộ điều này. Một nghiên cứu đăng trên Tập san Adaptive Human Behavior and Physiology (Hành Vi và Sinh Lý Thích Ứng của Con Người) cho thấy người ta ít cảm thấy cô đơn và lo lắng hơn sau khi tiếp xúc cơ thể. Các tác giả viết, “Đây là con đường nghiên cứu đầy hứa hẹn về các chiến lược để giảm bớt sự cô đơn và tác động tiêu cực của trạng thái cô đơn đối với sức khỏe tâm – sinh lý.”

Một nghiên cứu khác đã xem xét tình trạng thiếu tiếp xúc trong đại dịch COVID-19. Thiếu tiếp xúc gắn liền với nhiều lo lắng và cô đơn hơn. Những người khao khát được tiếp xúc nhiều nhất cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của sự tiếp xúc trong việc kiểm soát căng thẳng.

Những phát hiện này song song với những gì Tiến sĩ Myers tìm thấy trong thực hành lâm sàng của bà. Bà cho biết, “Một cái chạm thiện lành [có tác dụng] trấn an rằng mọi thứ sẽ ổn và giúp thúc đẩy một hy vọng tươi sáng hơn. Khi không được tiếp xúc, sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng—ở cả người cho và người nhận.”

Tiếp xúc thân thể định hình sự phát triển của trẻ nhỏ

Tiếp xúc da kề da được biết đến là có lợi cho trẻ sơ sinh. Hơn nữa, sự đụng chạm của cha mẹ còn rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sau giai đoạn thơ ấu.

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những đứa trẻ thiếu sự âu yếm của mẹ sẽ dễ gặp khuyết tật phát triển thần kinh. Điều này được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đó cho thấy sự đụng chạm của cha mẹ tương quan với việc kiểm soát căng thẳng tốt hơn ở trẻ em.

Tiến sĩ Myers cho biết bà đã chứng kiến những lợi ích của sự đụng chạm nhẹ nhàng, yêu thương trong quá trình hành nghề của mình. Bà chia sẻ, “Tôi đã tập vật lý trị liệu cho nhiều em bé không thể bú và chậm phát triển. Thông qua những động tác xoa bóp nhẹ nhàng, các em đã hồi phục.” Bà nói thêm, “Một trong những niềm vui lớn nhất của tôi trong nghề y là nhìn thấy những đứa trẻ được chăm sóc, gắn bó với cha mẹ, phát triển và lớn lên thành những đứa trẻ khỏe mạnh.”

Tiếp xúc thân thể ắt phải tinh tế và nhẹ nhàng

Theo Tiến sĩ Myers, lợi ích của tiếp xúc thân thể là một con đường hai chiều, trong đó người cho và người nhận đều sẽ có được cảm giác kết nối và cộng đồng qua việc phóng thích oxytocin, endorphin và dopamine—đồng thời cải thiện khả năng miễn dịch.

Sự đụng chạm ắt phải đong đầy yêu thương, tử tế, thân thiện và nhẹ nhàng thì mới có lợi cho sức khỏe. Nếu tiếp xúc đó là thô bạo, thiếu quan tâm và máy móc thì có thể sẽ dẫn đến căng thẳng và lo lắng nhiều hơn.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Vance Voetberg
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Vance Voetberg là ký giả tự do của The Epoch Times tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân khoa học trong ngành báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe trung thực, truyền cảm hứng. Anh là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter.”
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn