Tác dụng của việc chạm nhẹ vào cơ thể đối với chứng trầm cảm, lo âu và đau đớn

Sự tiếp xúc giữa người với người là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, chữa lành bệnh tật, chấn thương và cảm xúc.

Sự đụng chạm nhẹ nhàng của người khác trong lúc chúng ta rơi vào trạng thái lo âu, buồn bã hay đau khổ có thể xoa dịu cả cơ thể và tâm trí.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng, những đụng chạm phi tình dục, chẳng hạn như ôm và xoa bóp, có “tầm quan trọng đặc biệt” trong việc gia tăng sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nhiều người đang phải sống chung với cơn đau mạn tính do viêm khớp, chấn thương và các tình trạng như đau cơ xơ hóa. Lo âu và trầm cảm cũng là những căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 19.1% và 8.3% dân số Hoa Kỳ. Một nghiên cứu mới được công bố trên Nature Human Behavior (NHB) (Tập san Hành Vi Tự Nhiên Của Con Người (NHB)) cho thấy, việc chạm nhẹ vào cơ thể có thể giúp giảm bớt đáng kể những thách thức về sức khỏe mà không bị tác dụng phụ như khi dùng thuốc.

Nghiên cứu cũng tìm hiểu các yếu tố – chẳng hạn như tần suất, thời lượng và tính cách của người tiếp xúc – để giúp tối ưu hóa lợi ích của việc tiếp xúc. Một số phát hiện đã gây ngạc nhiên và đôi khi trái với trực giác thông thường.

Đồng tác giả và nhà khoa học thần kinh Christian Keysers cho biết trong tuyên bố của Viện Khoa Học Thần Kinh Hà Lan (NIN), “Câu hỏi quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi là phải tận dụng hàng trăm nghiên cứu riêng lẻ để xác định được xem loại tiếp xúc nào là tốt nhất.”

“Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không có một người bạn hoặc ai đó ở bên cạnh để ôm bạn? Liệu việc chạm nhẹ từ một người lạ hay thậm chí là một cái máy có mang lại tác dụng gì không? Và mức độ thường xuyên như thế nào? Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng, việc tiếp xúc có thể thực sự đạt được hiệu quả tối ưu, nhưng những yếu tố quan trọng nhất không nhất thiết phải là những yếu tố mà chúng tôi đang nghi ngờ.”

Việc tiếp xúc của ai và cái gì có thể giúp chữa lành?

Nghiên cứu NHB này là phân tích gộp trên 12,966 cá nhân.Kết quả phát hiện rằng, việc chạm nhẹ vào cơ thể đã mang lại tác dụng có lợi ở mức độ trung bình, phù hợp nhất cho việc giảm trầm cảm, lo âu, đau đớn ở người lớn và trẻ em, cũng như thúc đẩy tăng cân ở trẻ sơ sinh.

Đối với trẻ sơ sinh, các kiểu chạm khác nhau bao gồm xoa bóp, vuốt ve nhẹ nhàng và chăm sóc kiểu kangaroo (tiếp xúc da kề da giữa bé và cha mẹ) đều mang lại lợi ích giống nhau. Sự tiếp xúc cơ thể không chỉ mang lại lợi ích cho những người khỏe mạnh, mà với người có tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần được hưởng lợi nhiều nhất.

Người tiếp xúc khác nhau có tạo nên sự khác biệt không?

Với mục đích tối ưu hóa lợi ích, nghiên cứu NHB đã tìm hiểu về việc liệu tính cách của người tiếp xúc có ảnh hưởng đến kết quả hay không. Các nhà nghiên cứu cũng điều tra tác động của sự tiếp xúc từ các đồ vật, vì những người sống một mình thường thiếu sự tiếp xúc của con người.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi đánh giá cho thấy rằng, việc tiếp xúc từ một đồ vật hoặc robot kém hiệu quả hơn trong việc mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần so với việc tiếp xúc từ con người. Ngược lại, sự tiếp xúc của con người không tỏ ra vượt trội hơn so với sự tiếp xúc của đồ vật trong việc mang lại lợi ích sức khỏe thể chất.

Thế còn việc tiếp xúc từ một người quen và việc tiếp xúc từ một người lạ thì sao? Nghiên cứu cho thấy, yếu tố này không tạo ra sự khác biệt nào – điều này có vẻ phản trực giác khi xét đến mối liên quan giữa sự tiếp xúc với sự hỗ trợ về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh là trường hợp ngoại lệ, trẻ sơ sinh nhận được nhiều lợi ích từ việc tiếp xúc của cha mẹ hơn là từ nhân viên y tế.

Tác giả đầu tiên Julian Packheiser cho biết trong tuyên bố của NIN rằng, “Phát hiện này có thể mang đến những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mọi người. Tại một số quốc gia, tỷ lệ tử vong do sinh non rất cao và việc biết rằng em bé sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tiếp xúc với cha mẹ, sẽ mang đến một hình thức dễ dàng thực hiện khác cho việc trợ giúp sức khỏe cho em bé.”

Tần suất và thời lượng tiếp xúc có tạo nên sự khác biệt không?

Nghiên cứu NHB lưu ý rằng, tần suất tiếp xúc tăng hơn sẽ tạo ra kết quả tốt hơn, trong khi thời lượng tăng lên thì không. Một số bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa việc tiếp xúc thời gian dài với sự gia tăng hormone gây căng thẳng cortisol và huyết áp. Ngoài ra, không giống như một nghiên cứu khác được công bố trên Acta Paediatrica (Tập san Nhi khoa Acta) liên quan đến việc tăng cân ở trẻ sinh non với thời gian tiếp xúc lâu hơn, nghiên cứu NHB không tìm thấy bằng chứng nào cho điều này.

Những phát hiện này cho thấy rằng tần suất tiếp xúc càng cao thì hiệu quả càng lớn, và rằng vài cái ôm nhanh mỗi ngày có thể có lợi hơn việc xoa bóp 20 phút.

Điểm nổi bật từ nghiên cứu khác về lợi ích của việc tiếp xúc

Nghiên cứu của NBH cho thấy việc tiếp xúc giúp làm giảm lo lâu, đây chắc chắn là một tác động tốt trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Psychology of Sport and Exercise (Tập san Tâm Lý Học Thể Thao Và Luyện Tập) đã minh họa một khía cạnh như vậy, vì đã phát hiện ra rằng, hành động tiếp xúc có thể làm giảm lo âu và nâng cao hiệu suất thể thao. Những vận động viên nào được vỗ nhẹ vào lưng một cách thân thiện trước khi thực hiện quả ném phạt trong trận bóng rổ sẽ có khả năng thực hiện cú ném cao hơn. Tuy nhiên, hiệu quả xuất hiện chỉ sau lần ném đầu tiên thất bại. Các tác giả kết luận rằng việc tiếp xúc có thể làm giảm thiệt hại về hiệu suất do căng thẳng.

Một nghiên cứu trước đó được công bố trên Psychological Science (Tập san Khoa Học Tâm Lý) cho thấy, ngoài tác dụng giảm căng thẳng, việc chạm vào (và các trợ giúp khác) có thể có tác dụng có lợi đối với hệ thống miễn dịch. Đối với những người tham gia nghiên cứu nhận được nhiều cái ôm hơn thì sau khi tiếp xúc với virus sẽ có khả năng được bảo vệ khỏi viêm nhiễm và các triệu chứng khác tốt hơn so với những người nhận được ít cái ôm hơn. Ngay cả trong số những người thường xuyên xung đột với những người khác – điều mà các nhà nghiên cứu tin rằng đó là nguyên nhân làm suy yếu khả năng miễn dịch của con người thì những ai thường xuyên được ôm ấp sẽ ít bị bệnh hơn.

Theo một nghiên cứu bổ sung được công bố trên HHS Public Access (Tập san Truy Cập Công Cộng HHS), tác dụng giảm lo âu của xoa bóp có thể giúp mọi người đối phó với một loạt tình trạng về sức khỏe. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, xoa bóp có thể làm giảm căng thẳng khi chuyển dạ và điều trị ung thư tủy xương, cũng như phục hồi sau phẫu thuật tim. Vì tình trạng lo âu không phải là hiếm trong nhiều can thiệp y tế và các bệnh mạn tính nên tác dụng thư giãn của xoa bóp là rất rộng.

Các chuyên gia cân nhắc về sức mạnh của tiếp xúc

Cộng đồng y tế có thể không hiểu đầy đủ về các yếu tố tạo nên sức mạnh của việc chạm nhẹ vào cơ thể, nhưng có nhiều lý thuyết khác nhau liên quan đến mối liên quan phức tạp giữa các yếu tố thần kinh, nội tiết tố và tâm lý.

Ông Keysers nói với The Epoch Times trong một email rằng, “Các cơ chế thần kinh mà qua đó việc chạm nhẹ có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất rất là phức tạp. Chúng ta biết rằng, cơ thể có những cảm biến đặc biệt trên da – có thể phát hiện ra những va chạm nhẹ nhàng và gửi những tín hiệu này đến các vùng trong não – nơi điều khiển trạng thái cảm xúc của con người. Ngoài ra, chúng tôi nghi ngờ rằng sự chạm nhẹ cũng sẽ kích hoạt 3 chất truyền tin thần kinh quan trọng gồm oxytocin, dopamine và hệ thống opioid, chẳng hạn như endorphin.”

Ông Keysers giải thích về cách mà mỗi chất này tạo ra những cảm xúc tích cực như sau. Oxytocin làm giảm căng thẳng, thúc đẩy sự tin tưởng, gắn bó và gắn kết xã hội. Dopamine góp phần tạo ra cảm giác vui vẻ, có thể khuyến khích tìm kiếm các tương tác xã hội, do đó có thể làm giảm bớt sự cô đơn. Endorphin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cơn đau và điều chỉnh tâm trạng, cả hai đều góp phần mang lại cảm giác thoải mái và thư giãn.

Chạm nhẹ cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm (SNS) tạo ra phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy trước sự nguy hiểm, trong khi hệ thần kinh phó giao cảm (PNS) tạo ra sự bình tĩnh và thư giãn.

Jeanette Raymond, nhà tâm lý học lâm sàng và nhà trị liệu tâm lý được cấp phép, nói với The Epoch Times qua email, “SNS giải phóng adrenaline khi con người cảm thấy lo sợ trước những mối đe dọa, chẳng hạn như thất bại, bị từ chối hoặc lạm dụng. Tuy nhiên, ôm, xoa lưng và vuốt ve theo những cách phi tình dục sẽ gửi thông điệp đến SNS để giảm bớt các hormone gây căng thẳng. Việc chạm nhẹ như vậy cũng kích hoạt dây thần kinh phế vị, một phần của PNS, do đó tạo ra cảm giác an toàn.”

Theo cô Raymond, điều này có thể giải thích tại sao một cái ôm có thể mang lại cảm giác được bảo vệ khỏi mối đe dọa khi cảm thấy bất lực. Giống như một đứa trẻ ngừng khóc khi được bế, người lớn cũng cảm thấy bớt đau khổ hơn khi được ôm vào lòng.

Theo bác sĩ nội khoa được Hội đồng chứng nhận – Tiến sĩ Jacob Teitelbaum thì các yếu tố nền tảng của việc tiếp xúc để giúp làm giảm cơn đau là rất đa dạng.

Ông nói với The Epoch Times trong một email, “Đối với cơn đau cục bộ, nghiên cứu ban đầu về sinh lý học của sự tiếp xúc cho thấy rằng, hành động chạm nhẹ giúp cải thiện lưu lượng máu đến khu vực đó. Chạm sâu hơn dưới hình thức xoa bóp có thể có hiệu quả mạnh mẽ trong việc giải phóng các dải cơ căng và được gọi là các điểm kích hoạt, có lẽ là nguyên nhân gây đau đớn mà hơn một nửa dân số ở Hoa Kỳ phải chịu đựng.”

Tiến sĩ Teitelbaum nói thêm rằng, hình ảnh học về thần kinh cho thấy sự chồng chéo trong các vùng não liên quan đến việc chịu đựng nỗi đau thể xác và sự tẩy chay của xã hội. Điều này một phần có thể giải thích tại sao sự đụng chạm chậm rãi, nhẹ nhàng không chỉ có thể làm giảm đau mà còn làm giảm lo âu và trầm cảm bằng cách tạo ra cảm giác hòa nhập xã hội.

Ba chuyên gia thảo luận về các yếu tố khác nhau nhưng đều mô tả về giá trị của sự tiếp xúc bằng những thuật ngữ mạnh nhất. Ông Keysers mô tả nó là “tuyệt vời”, Tiến sĩ Teitelbaum gọi nó là “khả năng chữa lành đáng kinh ngạc” và cô Raymond nói rằng việc chạm nhẹ vào cơ thể thúc đẩy những lợi ích mà “nếu không có những thứ đó chúng ta không thể tồn tại.”

Cần có nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ tác dụng của việc chạm nhẹ sẽ mang lại những lợi ích gì. Trong khi đó, việc chạm nhẹ vào cơ thể rõ ràng là đã mang lại cảm ứng thực sự rất mạnh mẽ. Hành động chạm nhẹ vào cơ thể này là một hành động miễn phí và có sẵn cho tất cả mọi người.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mary West
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mary West là một nhà văn tự do có các tác phẩm được đăng trên Medical News Today, Tập san Doanh nghiệp Nhỏ Ngày nay và các ấn phẩm khác. Bà có hai bằng cử nhân khoa học của Đại học Louisiana ở Monroe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn