Gìn giữ những lá thư viết tay: lưu lại hiện tại cho tương lai
Vào ngày đầu năm mới chủ yếu để giải trí cho mấy đứa cháu không biết mệt là gì, tôi mang một ngăn kéo từ tủ đựng hồ sơ ở tầng hầm lên các bậc thang và vào bếp.
Ba đứa trẻ cùng tôi quây quần quanh bàn và lấy ra một số báu vật từ ngăn kéo: chiếc mũ bonnet nhỏ mà cụ cố của chúng đã đội trên con tàu từ Ireland đến Mỹ hơn một thế kỷ trước, những đồng tiền xu được sưu tập khi còn nhỏ của người vợ quá cố của tôi, gồm cả một số đồng đô la bạc từ những năm 1920, và những thứ linh tinh khác.
Mấy đứa nhỏ đặc biệt thích thú với những đồng xu, nhưng tôi, tôi đã choáng ngợp trước những bức thư, thiệp sinh nhật và thiệp Giáng sinh cũng như những tờ tiền mà tôi đã cất giữ trong hơn 60 năm. Còn có vài trăm tài liệu trong quá khứ của tôi: những bức thư mẹ đã gửi cho tôi khi tôi đi học vào đầu những năm 1960, thêm nữa những bức thư từ gia đình và bạn bè trong những ngày học đại học, những tấm thiệp chúc mừng với những câu chữ viết tay dài dằng dặc, hoặc những thư báo của gia đình và những cánh thiệp cưới. Vài trong số chúng được đóng gói, giống như mẹ tôi thường làm, nhưng hầu hết tôi để lộn xộn và bỏ mặc trong ngăn kéo trong nhiều năm.
Khi lật lại một số lời nhắn trong quá khứ, dừng lại đọc vài dòng, một suy nghĩ ập đến trong tôi. Trong tay tôi không chỉ có những kỷ vật từ lịch sử của cá nhân tôi. Không, đây cũng là những di tích từ một thời đại đang biến mất nhanh chóng. Nhiều năm trước, điện báo và điện thoại chắc chắn đã làm xói mòn nghệ thuật và thói quen viết thư tay, nhưng công nghệ gần đây của chúng ta – email, tin nhắn và chat – đã thay đổi hoàn toàn cách hoạt động của các phương thức liên lạc bằng văn bản.
Những ngày nhận được những lá thư trong phong bì qua hòm thư trước nhà đã kết thúc. Cũng giống như việc lưu trữ hình ảnh trên điện thoại đã thay thế những cuốn album, nơi chúng ta từng lưu giữ những bức ảnh quý giá của mình. Vậy phải chăng những thiết bị máy móc này cũng sẽ trở thành nhà kho lưu trữ các bức thư của chúng ta nếu chúng ta giữ lại tất cả chúng?
Đây là câu hỏi chợt lóe lên trong tôi: Khi chúng ta gìn giữ những bức thư của mình trên giấy và bản in giống như những bức thư trong tay tôi thì liệu những bức thư điện tử của chúng ta có tồn tại như những tài liệu về cuộc đời chúng ta, như những bản ghi chép về những ước mơ, thành công và thất bại của chúng ta hay không?
Nhanh hơn và nhanh hơn nữa
Từ lâu con người đã tìm cách để tăng tốc độ trong việc gửi và nhận thư từ và tài liệu.
Để gửi thư và các thông báo từ đầu này đến đầu kia một cách nhanh chóng nhất có thể của một đế chế rộng lớn, người Ba Tư cổ đại đã phát triển một hệ thống đường cao tốc với những tay đua lão luyện và những con ngựa nhanh nhạy, sau này là sự ra đời của Dịch Vụ Chuyển Phát Bằng Ngựa Đua Hoa Kỳ (America’s Pony Express). Các dân tộc cổ đại khác cũng học cách sử dụng chim bồ câu để gửi thư, cách thức này tiếp tục kéo dài đến Thế Chiến Thứ Nhất.
Tại Hoa Kỳ, sự phát triển của bưu điện quốc gia, điện báo và đường sắt đã tạo ra một hệ thống thông tin liên lạc hiệu quả và nhanh hơn bao giờ hết. Ví dụ, cho đến năm 1950, các hãng chuyển phát trong nhiều năm đã chuyển các gói hàng và thư đến tận nhà hai lần mỗi ngày ở hầu hết các thành phố và nhiều nhất bốn lần một ngày cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên giờ đây, chỉ với một phím bấm trên máy tính xách tay hoặc điện thoại, chúng ta có thể gửi tin nhắn trên khắp đất nước hoặc trên toàn thế giới trong vài giây. Không ồn ào, không rối rắm, không tem, không chờ đợi: Email được truyền đi nhanh hơn cả tốc độ âm thanh.
Nhưng tiến bộ vượt bậc về công nghệ này có ý nghĩa gì với lịch sử lưu trữ của chúng ta? Có mang lại hậu quả văn hóa nào mà chúng ta có thể bỏ sót không?
Kỷ nguyên vàng của thư từ
Từ những ngày Hoa Kỳ còn là thuộc địa cho đến quá khứ gần đây, mọi người ở xa đã liên lạc bằng các câu từ được viết bằng bút mực hoặc bút chì trên giấy. Kết quả là chúng ta có những kho báu như thư từ giữa Abigail Adams và chồng cô, John, và những bức thư trao đổi với Thomas Jefferson của cả hai người. Abigail đã viết hàng trăm bức thư vẫn còn lưu lại, một bức thư bao gồm nhiều nhân vật chủ chốt của Cách Mạng Mỹ. Nếu không có những bức thư này, kiến thức của chúng ta về những người này, và về bản thân Abigail, sẽ thiếu hụt rất nhiều.
Và cũng giống như Abigail, những người đã từng ngồi viết những bức thư như vậy cho những người thân yêu và bạn bè thường xem những bức thư như một loại hình nghệ thuật. Một số người viết thư đã được học theo phương cách cổ điển và nhiều người có hiểu biết về Kinh Thánh, chúng thể hiện trong câu chữ của họ, nhưng gần như tất cả những người có học thức đều được đào tạo các kỹ năng cần thiết để viết dễ hiểu, rõ ràng và hài hước về cuộc sống và cảm xúc của họ. Họ tin rằng lời nói và cách họ thể hiện bản thân có ý nghĩa rất quan trọng.
Kết quả là, những thư từ còn lưu lại của ngay cả những người bình thường cũng cho chúng ta những bài học về lịch sử và văn hóa. Ví dụ, từ Cách Mạng Mỹ đến Chiến Tranh Việt Nam, những người lính bình thường đã lưu lại cho chúng ta ấn tượng của họ về những thử thách mà họ đã trải qua qua những lá thư họ gửi về nhà. Chẳng hạn lên Google và tìm từ khóa “thư của lính Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam”, ngay lập tức sẽ hàng chục trang web sẽ hiện ra.
Nói tóm lại, những bức thư còn sót lại sau những tàn phá của thời gian đã cho chúng ta nhiều hiểu biết về quá khứ.
Thu thập những lá thư
Trong một thư viện công cộng quy mô trung bình, chúng tôi tìm thấy bằng chứng về những ảnh hưởng này. Ở đây, chúng tôi tìm thấy hàng chục cuốn sách thư, vài trong số đó là bộ sưu tập thư từ của một nhà văn hoặc một tác giả nổi tiếng hoặc nhân vật chính trị, trong khi những cuốn khác xuất hiện trong bộ sưu tập của các nhà văn khác nhau được tập hợp theo một số loại chủ đề chung.
Chẳng hạn trên các kệ đó có cuốn “Dành cho hậu thế: Những bức thư của những người Mỹ vĩ đại gửi cho con cái của họ” (NXB Doubleday, 2004, 316 trang), trong đó Dorie McCullough Lawson đã tổng hợp các thư từ được gửi từ gần 100 bậc cha mẹ nổi tiếng cho con của họ.
Thomas Jefferson viết cho con gái “Patsy” của mình như sau: “Cha không thích nghe con nói rằng con không thể tự đọc bản in cổ về Livy, mà phải cần hỗ trợ từ thầy giáo.”
Nhà văn John O’Hara gửi một bức thư cho con gái, cho cô bé lời khuyên về việc vào học tại một trường trung học địa phương. Ông kết thúc bằng câu nói: “Thời thơ ấu con là một đứa trẻ ngoan, với những triển vọng tuyệt vời cho một tương lai tuyệt vời. … Và cha được sinh ra để yêu thương con.”
Vài từ này cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn mới về một nhà văn thường được coi là một người thô lỗ gắt gỏng.
Cũng trong thư viện công cộng này có “Những bức thư của một quốc gia: Bộ sưu tập những bức thư đặc biệt của Hoa Kỳ” (NXB Broadway Books, 1997, 446 trang). Đây là hơn 200 bức thư được viết bởi người Mỹ trong hơn 350 năm lịch sử.
Vài trong số đó có Abraham Lincoln, Andrew Jackson, Frederick Douglass, là những nhân vật rất quen thuộc với chúng ta trong khi những người khác, như Hannah Johnson viết thư cho Lincoln về tình trạng của lính Mỹ gốc Phi rong Nội Chiến hoặc Aline Bernstein viết cho người tình cũ của cô, tiểu thuyết gia trẻ tuổi Thomas Wolfe, mà ngày nay chúng ta ít biết đến.
Mỗi từng thanh âm quá khứ kể cho chúng ta một câu chuyện, dù ngắn ngủi, về cuộc đời của họ, và hòa quyện với nhau, tất cả những câu chuyện này trở thành của chúng ta. Chúng thuộc về chúng ta. Cụ thể hơn, chúng định hình chúng ta, những người dân Mỹ quốc.
Những mảnh ghép còn thiếu
Cô bé Wylie, con gái của O’Hara, cầm đọc bức thư của anh trên tay. Bây giờ chúng ta có thể đọc những lời của anh trong một cuốn sách. Ai đó đã coi bức thư này đáng được giữ gìn.
Nhưng tôi tự hỏi: Liệu điều tương tự có xảy ra trong thời đại kỹ thuật số của chúng ta không, khi nút delete sẽ xóa ngay lập tức một email dài và khi có quá nhiều tin nhắn trao đổi qua điện thoại? Làm thế nào con cháu của chúng ta có thể thay đổi quan điểm của chúng về lịch sử nếu phủ nhận quan điểm cá nhân của tổ tiên chúng?
Đại dịch trong hai năm qua là một ví dụ hoàn hảo ở đây. Một ngày nào đó, cháu và chắt của chúng ta sẽ đọc về thảm họa này trong một cuốn sách lịch sử. Tùy thuộc vào chủ kiến của các tác giả, cuốn sách đó sẽ kể một câu chuyện một theo hướng nhất định. Những đứa trẻ đó có thể biết được những chi tiết trần trụi về những gì đã xảy ra, nhưng chúng cũng có thể bỏ lỡ những thông tin mà chúng ta có thể đã truyền lại cho chúng: căn bệnh khủng khiếp của chúng ta do chính virus gây ra, công việc kinh doanh của chúng ta bị đóng cửa vĩnh viễn, sự tức giận của chúng ta trước những thông tin sai lệch, và trên tất cả, là niềm hy vọng mãnh liệt đã giúp chúng ta tiến về phía trước.
Với chủ đích cẩn trọng
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times