Leo Tolstoy, trong tình yêu với Sự thật
“Người anh hùng trong câu chuyện của tôi, người mà tôi yêu quý bằng tất cả sức mạnh của tâm hồn mình, người đã, đang và sẽ mãi mãi tuyệt đẹp… là sự thật.” Đại văn hào Tolstoy đã viết như vậy khi bắt đầu cuộc đời sáng tạo của mình. Trên giường bệnh, lời trăn trối dở dang cuối cùng của ông bắt đầu bằng từ “Sự thật”.
Theo quan điểm của ông, bày tỏ sự chân chính trong tâm hồn của con người, thể hiện những điều thầm kín không thể diễn đạt bằng những ngôn từ thông thường là nhiệm vụ và mục đích duy nhất của nghệ thuật. “Nghệ thuật không phải là một thú vui, một niềm an ủi hay một trò tiêu khiển; nghệ thuật là một công việc tuyệt vời. Nhờ có ảnh hưởng của nghệ thuật, mà sự kết hợp hòa ái của con người mới xuất hiện và mọi bạo lực đều được để qua một bên.”
Một số độc giả có thể ngạc nhiên khi biết rằng đối với đại văn hào Leo Tolstoy, vốn là một nhân tài văn chương thi phú, thì âm nhạc lại là môn nghệ thuật khiến ông rung động nhiều nhất trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Nhà soạn nhạc Serge, con trai của Tolstoy, nói rằng không có người đàn ông nào mà ông từng biết lại chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi âm nhạc như cha ông. Nhiều danh nhân cũng từng chứng kiến phản ứng của ông với âm nhạc. Nhạc sỹ vĩ đại người Nga Feodor Chaliapin hồi tưởng lại khi ông đến hát cho Tolstoy nghe, bà Sofia Tolstoya đã kéo ông sang một bên và nói: “Có thể khi anh hát, chồng tôi sẽ rơi lệ. Hãy cố gắng đừng để ý nhé, vì ông ấy sẽ cảm thấy xấu hổ vô cùng.” Tchaikovsky cũng ghi lại trong nhật ký của mình rằng, “Có lẽ chưa bao giờ trong đời tôi mãn nguyện đến thế và hoài bão sáng tạo của tôi lại rung động như khi L.N. Tolstoy ngồi cạnh tôi, lắng nghe chương andante dành cho bản Tứ tấu Đàn dây Đầu tiên của tôi chậm rãi cất lên và đã bật khóc.”
Tolstoy yêu cầu tính chân thật từ bản thân trong chính các tác phẩm văn học của ông: Chúng hẳn phải được sinh ra từ nhu cầu cấp thiết, chúng phải đơn giản và không có sự phù phiếm. Ông đã thuyết phục những người khác về điều này. Tchaikovsky đã viết cho một người bạn như sau, “Tolstoy đã thuyết phục tôi rằng bất kỳ nghệ sỹ nào làm việc không xuất phát từ sự thôi thúc trong nội tâm mà làm bằng cặp mắt tinh tường về hiệu ứng và dùng tài năng của mình với ý tưởng làm hài lòng công chúng và phóng túng dục vọng đó thì không phải là một nghệ sỹ thực thụ.”
Tolstoy khuyên chàng trai trẻ Leonid Andreyev rằng “giản dị là điều kiện cần của cái đẹp” và chê bai [văn hào người Ireland] nổi tiếng và kiêu hãnh Bernard Shaw. Ông nói với Bernard Shaw rằng, “Tôi thấy trong cuốn sách của anh một ham muốn gây ngạc nhiên và kinh ngạc độc giả nhờ tài năng và trí thông minh tuyệt vời của anh. Nhưng nó khiến độc giả phân tâm khỏi chủ đề và thay vào đó tập trung vào ánh hào quang của chính anh.”
Nghệ thuật là một vấn đề đạo đức đối với Tolstoy. Ông coi các vở kịch, tiểu thuyết, bức họa, vở opera được tạo ra chỉ để giải trí và thu lợi nhuận là hàng giả và phi đạo đức, thực ra đó là một hình thức mại dâm. “Thật khủng khiếp khi nói hầu hết nghệ thuật của thời đại chúng ta là mại dâm: Nó luôn có thể hoạt động theo thị hiếu. Giống như gái làng chơi, nó phải được tô điểm. Nó phản ảnh chỉ vì lợi nhuận. Nó bại hoại, làm bối rối, phá hủy và làm suy yếu sức mạnh tinh thần của người ta,” ông viết trong tác phẩm “Nghệ thuật là gì”.
Nhưng sự chân chính này là gì mà Tolstoy cảm ngộ sâu sắc và thấy tuyệt đẹp đến vậy? Tất nhiên cuối cùng, đó là điều bí ẩn được nhìn xuyên “qua một tấm kính, trong bóng tối”, nhưng vẫn còn nhiều điều được thấy, nhiều điều khiến chúng ta phải kinh ngạc. Chúng ta tìm thấy các khía cạnh của nó trong tiểu thuyết của Tolstoy, trong các bài tiểu luận, nhật ký và thư từ của ông.
Ví dụ, chúng ta thấy rằng chúng ta ít biết về: Pierre, người hùng trong “Chiến tranh và Hòa bình” nhận xét, “Một điều mà tôi biết rằng con người là vô minh: và [hiểu được điều đó] chính là đỉnh cao của trí tuệ.” Chúng ta thấy rằng tình yêu có nhiều khía cạnh: Anna Karenina, trước mối tình bi thảm của cô với Vronsky và khi được những người bạn trong một xã hội bại hoại hỏi rằng “Chà, Anna, bạn nghĩ gì về tình yêu?”, đã trả lời rằng: “Có rất nhiều loại tình yêu bởi vì có rất nhiều nhân tâm.” Chúng ta tìm lời biện hộ cho sự tàn ác của con người đối với anh trai mình: Vì thiếu hiểu biết và bị ép buộc, chúng ta bị mù quáng trước một sự thật rằng mọi sinh mạng con người và mọi linh hồn con người đều quý giá, thánh thiện không tả xiết, và chúng ta bạo lực với nhau chỉ vì thiếu hiểu biết hoặc do bị ép buộc.
Những suy nghĩ như vậy đã được bày tỏ và lặp lại trong một loạt tuyệt tác mãi cho đến khi ông 50 tuổi. Khủng hoảng đến, và đó là một cuộc khủng hoảng tinh thần. Trong “Lời thú tội”, Tolstoy mô tả cuộc đấu tranh sâu sắc của mình: “Bằng tất cả tâm hồn mình, tôi khao khát trở nên tốt đẹp. Mỗi khi tôi bày tỏ khát vọng đề cao đạo đức sáng ngời, tôi đều vấp phải sự khinh miệt và chế nhạo, nhưng ngay khi tôi nhường chỗ cho những đam mê thấp hèn, tôi đã được khen ngợi và khích lệ. Tham vọng, đam mê quyền lực, danh lợi, phóng đãng, kiêu hãnh được coi trọng và tôi đã sống vì chúng trong nhiều năm cho đến khi cuộc đời tôi dừng lại. Cuộc sống dường như vô nghĩa và tôi đã kiệt sức đến mức tự sát.”
Sau đó, ông nhận ra rằng tất cả sự thật được ông viết ra một cách chân thành và tin tưởng không phải là lý thuyết đơn thuần, không chỉ là trừu tượng. Ông phải sống cùng chúng. Chúng quả nhiên đúng, chân thực hơn, trường tồn hơn cả cuộc đời của chính ông hay những người khác, những thứ đã mất đi và bị lãng quên.
Khi ông bắt đầu sống theo lý tưởng của mình, đời sống tinh thần và thế giới quan của ông được mở rộng. Ông ngừng nhận nhuận bút cho việc viết lách của mình và ít viết tiểu thuyết hơn, chuyển sang các chủ đề triết học và tôn giáo. Giới trí thức đã không chấp thuận điều này. Họ không ưng thuận với những bài tiểu luận tuyệt diệu như “Điều phải làm” hay “Thiên đàng trong bạn”. Turgenev viết từ Paris rằng, “Này bạn của tôi, hãy trở về với văn học!” Những tác phẩm mà ông viết đều bị chỉ trích nặng nề, mặc dù cuốn tiểu thuyết vĩ đại “Sự phục sinh” của ông và một số truyện ngắn của thời kỳ này rất chói lọi bởi sự trong sáng và giản dị của chúng.
Sự thật luôn là người hùng trong những câu chuyện của ông. Hòa vào cuộc sống mới của mình, Tolstoy đã xuất bản cuốn “Con người sống bởi điều gì”, được viết theo thể loại truyền thống dân gian xưa.
Chúa gửi một thiên thần đến một ngôi làng nhỏ ở Nga để tìm hiểu ba sự thật về nhân loại. Đó là những sự thật mà Tolstoy đã sở hữu trong suốt quãng đời dài của mình:
“Điều gì tồn tại trong con người chúng ta” – “Tình yêu.”
“Cái gì không được trao cho con người” – “Con người không biết được ngày mai sẽ ra sao.”
Minh Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times