Lập xuân: Thiên nhân hợp nhất khơi dậy sức sống của năm
“Lập xuân” có nguồn gốc lịch sử lâu đời và là một phần quan trọng trong 24 tiết khí của nền văn minh Trung Hoa. Hoạt động của Nguyệt lệnh thời nhà Chu ghi chép chi tiết các phép tắc điển nghi nghênh đón Lập xuân. Cổ nhân tuân thủ quan niệm sống “thiên nhân hợp nhất” để nghênh đón Lập xuân, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Phong tục vào tiết Lập xuân khiến trên từ Thiên tử, dưới đến vạn dân, từ quốc gia đến mỗi cá nhân thảy đều thực hành có ý nghĩa và vai trò gì đối với hậu thế ngày nay?
Lập xuân dẫn đầu trong 24 tiết khí
“Lập xuân” là thông điệp đầu tiên trong 24 tiết khí về sự trở lại của mùa xuân trên đại địa. Đây là ngày khởi đầu của bốn mùa được trời đất tạo nên, từ đó bắt đầu chu kỳ xuân, hạ, thu, đông. “Sau tháng Chạp, đã thấy mùa xuân qua đầu cơn gió,” hoa cỏ cảm nhận được khí xuân của đất trời và nở vàng rực rỡ. Những loài bướm, ong ngủ đông cũng được khí xuân ấm áp đánh thức, vượt qua cái lạnh trong tuyết để nghênh tiếp Thần xuân trở lại nhân gian. Lúc mọi người trải qua cái lạnh buốt giá và chào đón tân xuân cũng là lúc mong cầu những lo lắng, phiền muộn trong lòng sẽ tan biến, nghênh đón ngàn vạn điều tốt đẹp nở rộ trong không khí mùa xuân tươi mới.
Nghi lễ và phong tục mừng đón Lập xuân
Hàn Ốc, thi nhân thời nhà Đường, đã ngâm đọc bài thơ “Lập xuân” như sau: “Câu Mang nhất dạ trưởng tinh thần, Lạp hậu phong đầu dĩ kiến xuân.” Ông nói Thần Câu Mang đã khiến nhân gian hoán đổi sắc xuân chỉ sau một đêm, và để gió mang đến hơi ấm của mùa xuân. Lập xuân đã đến rồi, quý vị đã chuẩn bị nghênh xuân chưa? Văn hóa Trung Hoa lấy tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” kiến lập nên nền văn minh 5,000 năm không đứt đoạn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ xưa đến nay, mỗi triều đại đều có những nghi thức trọng đại để nghênh đón Thần xuân. Sách “Lễ ký – Nguyệt lệnh” của nhà Chu đã ghi chép tỉ mỉ điển tế nghênh đón Thần trong tiết “Lập xuân.”
Nghênh Thần đón xuân, cúng tế Thần Câu Mang
Thần mùa xuân có tên gọi là “Câu Mang” (Câu 句). Câu Mang vốn là Xuân quan thời đại Đế Khốc, chưởng quản việc hoa cỏ, cây cối, được gọi là “Mộc Chánh.” Mọi người tôn xưng Thần Câu Mang là “Thanh Đế.” Ngày Lập xuân là ngày tế tự Thần Câu Mang để nghênh đón mùa xuân. Đây cũng là ngày bắt đầu canh tác vụ xuân, là đại sự của một đất nước.
Hoàng đế thực hiện trai giới ba ngày trước ngày Lập xuân. Vào ngày Lập xuân, “Thiên tử đích thân dẫn đầu tam công, cửu khanh, chư hầu và đại phu nghênh xuân ở ngoại ô phía đông.” Khi trở lại triều đình, Hoàng đế ban thưởng cho công khanh, chư hầu, đại phu, hơn nữa còn thi bày khánh điển và ân huệ cho bách tính cả nước. Sau đó, Thiên tử chọn ngày lành đích thân dẫn các quan lại mang theo nông cụ đến ruộng của mình (tịch điền), lấy mình làm gương cho bách tính để khuyến khích việc canh tác. “Kinh thi – Chu tụng” thu thập, ghi chép nhạc vũ “Tái sam” trong buổi tế Thần của Thiên tử nhà Chu. Trong đó có câu “Tái sam tái sạ, kỳ canh trạch trạch,” miêu tả cảnh Hoàng đế tự mình cày đất. Trong “Thi tự” nói “Tái sam” là lễ “tịch điền vào mùa xuân để cầu cho xã tắc.”
Vào thời nhà Thanh, điển lễ nghênh xuân rất long trọng. Hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh không chỉ đích thân cày ruộng để làm mẫu, mà còn tự mình thu thập những hạt giống lúa chín sớm mang về Bắc Kinh và “tự coi xét ươm trồng.” Số giống lúa này được chăm sóc đúng cách, khắc phục điều kiện ở miền Bắc, nên phát triển nhanh và tốt hơn cây lúa thường. Điều này vừa làm phong phú thêm nguồn lương thực của nhân dân, đồng thời thể hiện tinh thần thử nghiệm tận lực của Hoàng đế Khang Hy và tâm lực ‘thân dân, ái dân’ của ông. (Xem “Thanh thực lục Khang Hy triều thực lục”).
Theo “Yến kinh tuế thời ký” thời nhà Thanh ghi chép, trước ngày Lập xuân một ngày, Phủ doãn phủ Thuận Thiên (Bắc Kinh ngày nay) và các quan lại thuộc cấp sẽ đến cánh đồng xuân bên ngoài Đông Trực Môn để nghênh xuân. Dưới sự dẫn đạo của đội nhạc trống, sai dịch khiêng Mang Thần và Xuân Ngưu [trâu bằng đất sét] đã được trang trí rực rỡ dẫn hồi về trước cổng nha môn.
Vào ngày Lập xuân, Phủ doãn và các quan đến ngoài Ngọ Môn để cung nghênh Hoàng đế, Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, cùng các vị Mang Thần, Thổ Ngưu và Xuân Sơn. Đoàn người nhất mực cung kính nghênh đón đi vào Càn Thanh Môn, Từ Ninh Môn, sau đó nội giám tiếp quản lễ nghênh đón Thần xuân tổ chức trong cung.
Tế trâu xuân khuyến khích cày bừa vụ xuân, “đả xuân” cầu mùa bội thu
Thời Đông Hán, triều đình lệnh cho nha môn “tạo trâu đất” để khuyến khích người dân làm ruộng. Vào ngày Lập xuân, quan lại địa phương các cấp đều nặn trâu đất, “tạo trâu đất” để khuyến khích việc cày bừa vụ xuân. Vào ngày này, quan lại các cấp từ kinh thành đến địa phương đều phải mặc y phục màu xanh lá, trước canh năm tập trung đến trước nha môn để thông báo cho dân chúng biết mùa xuân đang đến và nhắc nhở việc canh tác. Họ sử dụng bùn lấy từ ruộng đất trước nha môn các nơi để nặn ra “trâu đất” và “người cày đất.” Sau đó, họ cắm những lá cờ màu xanh trước nha môn để nhắc nhở dân chúng rằng mùa xuân đang đến, mọi người cần phải cày bừa, gieo trồng chăm chỉ! Con trâu đất và người cày đất được an trí trước nha môn trong suốt mùa canh tác, từ “lập xuân” cho đến “lập hạ.” (Xem “Hậu Hán thư – Chí – Lễ nghi thượng”).
Vào thời nhà Thanh, địa phương cử hành lễ “tế trâu xuân” để khuyến khích nông nghiệp. Sau khi tham dự điển lễ nghênh đón Thần mùa xuân trong cung, Phủ doãn Thuận Thiên (Bắc Kinh) dẫn trâu đất trở về nha môn phủ, nơi ông chủ trì lễ “tế trâu xuân,” tượng trưng cho sự khởi đầu của vụ gieo trồng mùa xuân. Phủ doãn đập con trâu đất thành từng mảnh, nghi thức này còn gọi là “đả xuân,” “kích xuân.”
Về sau, lễ tế này phát triển thành tập tục dùng người thật đóng vai Thần Câu Mang – Thần mùa xuân, mặc y phục màu xanh lá tiến hành “tiên xuân.” Thần mùa xuân cầm trên tay một cành dương liễu hoặc một cây roi lụa ngũ sắc, quất roi vào trâu đất để nhắc nhở, khuyến khích người dân cày bừa vụ xuân. Sau nghi thức “tiên xuân,” người dân nhanh chóng nhặt những mảnh vụn của trâu đất bỏ vào ruộng nhà mình, ngụ ý mong muốn năm nay sẽ được mùa bội thu.
Vào thời điểm đó còn có phong tục lễ hội trình “tranh trâu đất,” “hoa xuân, trâu xuân” và “giảo xuân.”
‘Giảo xuân’ vào tiết Lập xuân để thân thể khỏe mạnh
“Giảo xuân” là chỉ tập tục vào thời điểm Lập xuân trùng với lúc xuân sắc bao trùm khắp trời đất, dùng sức sống của rau củ để hồi phục dương khí nhằm giải sự “khó chịu vào mùa xuân,” giúp thân thể và tâm trí thoải mái. Mặc dù các loại rau sử dụng ở các vùng miền có chút khác nhau, nhưng nhìn chung, thức ăn chính trong “giảo xuân” là củ cải và năm loại rau vị cay nồng, làm thành ‘mâm ngũ tân,’ bánh xuân hoặc chả giò. Bước sang mùa xuân, cơ thể nhanh chóng hồi phục sau thời kỳ ‘ngủ đông,’ máu từ não bộ lưu động nhiều hơn đến các cơ quan nội tạng của cơ thể, dễ gây ra tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ nhất thời. Lúc này, ăn món rau gồm năm vị cay vào mùa xuân có thể thăng phát và trợ giúp dương khí, làm dịu gan và giảm buồn ngủ.
Trung Quốc từ lâu đã có phong tục ăn “xuân bàn” [mâm xuân] với nhiều loại rau sống vào tiết Lập xuân. Sách “Tứ thời bảo kính” thời nhà Đường ghi chép: “Ngày đầu xuân, ăn lô bặc, bánh xuân và rau sống, gọi là xuân bàn.” Lô bặc là một loại cây củ cải nhỏ có hoa màu tím, còn gọi là “lai bặc,” “la bặc,” có vị hơi cay, có thể giải tỏa “cơn mệt mỏi mùa xuân. Củ cải tím tuy là loại rau mùa xuân rẻ tiền nhưng lại giàu chất sắt, có tác dụng bồi bổ cơ thể và cải thiện vẻ ngoài của làn da. Bởi vậy, phụ nữ dù nhà quyền quý hay nghèo khó đều muốn ăn loại rau này vào đầu xuân.
Trong các loại rau sống trên “mâm xuân,” năm loại có vị cay đứng đầu. Lý Thời Trân viết trong sách “Bản thảo cương mục”: “Tiết Lập xuân dịp Nguyên đán (âm lịch), ăn chung hành, tỏi, hẹ, rau đắng, rau cải và các loại rau có vị cay nồng khác, trộn chung lại và ăn cùng, mang ý nghĩa đón chào năm mới, gọi là “ngũ tân bàn” (mâm năm món rau cay)”. Thơ Đỗ Phủ có câu “Xuân nhật xuân bàn tế sinh thái” [Những cọng rau sống nhỏ xinh trên mâm xuân ngày xuân] (Trích từ “Lập xuân nhật). Bài thơ “Lục niên lập xuân nhật nhân nhật tác” của Bạch Cư Dị cũng có câu miêu tả “Bàn sơ bính nhĩ trục thời tân” (Mâm rau bánh ngọt, theo thời đến). Từ đó có thể thấy rằng, ‘mâm xuân’ thời nhà Đường có rau sống, còn thêm bánh bột gạo với hình thức luôn được thay đổi làm mới, hình thành nên lệ mang tính phổ biến! Lục Du, người thời Tống nói: “Đấu đính xuân bàn nhi nữ hỷ” (Bàn xuân ngũ quả, vui con trẻ), cho thấy ‘mâm xuân’ được người lớn và trẻ nhỏ thời đó ưa chuộng.
“Giảo xuân” thời nhà Minh và nhà Thanh kế thừa phong tục thời nhà Đường, nhà Tống, tức là ăn củ cải và bánh xuân, trong bánh xuân có năm loại rau vị cay nồng. Trong cuốn “Chước trung chí – Ẩm thực hảo thượng ký lược” thời nhà Minh ghi chép: “Vào Lập xuân, không kể nhà quyền quý hay nghèo nàn đều ăn củ cải.” “Yến kinh tuế thời ký” thời Thanh cũng nói: “Vào tiết Lập xuân, những gia đình giàu có ăn nhiều bánh xuân, còn phụ nữ thì mua nhiều củ cải và ăn chúng, gọi là ‘giảo xuân,’ nói có thể giải bỏ sự khó chịu vào đầu mùa xuân.”
Tục ăn ‘mâm xuân’ vào tiết Lập xuân cho thấy người xưa từ lâu đã biết đến sự kì diệu của ẩm thực thiên nhiên. Họ khéo léo vận dụng đặc tính của các loại rau củ tương ứng với bốn mùa, phù hợp với nguyên lý tương sinh của ngũ hành, giúp cho thể chất và tinh thần thêm khỏe mạnh.
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ