Làm thế nào để trở thành một người biết lắng nghe? Chuyên gia: Hãy đồng cảm
Con người trong cuộc sống hằng ngày đều cần thông qua đối thoại để giao tiếp với người khác. Người có kỹ năng lắng nghe tốt, không những có thể hiểu được trọn vẹn nội dung lời nói của đối phương, mà còn có thể khiến cho đối phương cảm nhận được thành ý của mình. Vậy, làm cách nào để trở thành một người có khả năng lắng nghe tốt? Một chuyên gia đã chia sẻ quan điểm của cô ấy.
Cô Fay Short, Giáo sư về khoa học hành vi và con người tại trường Đại học Bangor ở Anh quốc, đã viết trên trang web The Conversation rằng, người có khả năng lắng nghe tốt là người có trái tim đồng cảm, nhưng lòng đồng cảm thường dễ bị hiểu nhầm là kỹ xảo lắng nghe.
Giáo sư Fay Short viết rằng, lòng đồng cảm là khi chúng ta cố gắng thấu hiểu thế giới từ góc độ của đối phương để xem chúng ta sẽ có cảm nhận như thế nào. Liên quan đến lòng đồng cảm, sự hiểu nhầm thường thấy nhất là nhiều người cho rằng bạn phải trải qua tất cả những trải nghiệm của người khác thì mới có thể hiểu được họ.
Tuy nhiên, chỉ trải qua những trải nghiệm tương đồng với người khác cũng không đủ để thấu hiểu họ. Hai người có thể cùng đối mặt với một thử thách và khó khăn, nhưng nếu dùng phương pháp khác nhau để giải quyết thì trải nghiệm của mỗi người đã trở nên khác biệt rồi! Ngay cả khi người khác và bạn có cùng một trải nghiệm, thì họ cũng không thể hiểu được bạn đã có cảm giác như thế nào. Vì vậy, cách duy nhất để hiểu được cảm giác của người khác, chính là lắng nghe đối phương, chứ không phải là phỏng đoán xem họ sẽ có cảm giác như thế nào nếu ở trong tình huống giống với bạn.
Cách nhìn độc đáo của bạn đối với thế giới này
Giáo sư Fay Short nói rằng, hãy tưởng tượng mọi đứa trẻ đều sinh ra trong một chiếc khung gỗ được khảm kính. Khi các em nhìn thế giới, thì đều phải thông qua tấm kính này để nhìn.
Tuy nhiên, đến khi các em có thể cầm nắm được tấm kính này, chúng sẽ nhận ra nó không hoàn toàn trong suốt. Nó còn có những đường vân và khả năng biến đổi màu sắc. Đây chính là dấu ấn của gene di truyền và sinh học của trẻ. Điều này có nghĩa là, mỗi người đều thông qua những lăng kính khác nhau để quan sát thế giới này. Hơn nữa, những lăng kính này sẽ ngày càng thể hiện nhiều dấu ấn hơn thuận theo sự gia tăng của trải nghiệm sống. Bất luận là tốt hay xấu, thì những trải nghiệm trong cuộc sống đều sẽ biến đổi những lăng kính này.
Những gì mà con người nhìn thấy không phải là thế giới thực sự. Trái lại, con người nhìn thế giới này qua những bộ lọc được tạo ra bởi dấu ấn sinh học và kinh nghiệm cuộc sống của chính bản thân họ.
Hệ quy chiếu là gì?
Giáo sư Fay Short cho biết, các nhà tư vấn thường đề cập đến việc muốn thông qua hệ quy chiếu (frame of reference) của khách hàng để đánh giá sự việc. Lăng kính trong khung gỗ của bạn chính là hệ quy chiếu của bạn.
Để trở thành một người có khả năng lắng nghe tốt, bạn phải đặt mình vào vị trí của người nói và cố gắng nhìn thế giới này thông qua lăng kính của họ.
Không nên nói rằng: “Tôi cảm thấy tiếc cho chiếc lăng kính đã bị trầy xước của bạn.” Mặc dù đây là sự đồng cảm, và bản thân lòng đồng cảm không phải là điều xấu, nhưng nó lại không có ích gì cho khả năng lắng nghe.
Lòng đồng cảm thể hiện bạn là người cảm thấy khổ tâm vì người khác, bạn muốn giúp họ giảm thiểu sự đau khổ. Đây là lòng nhân từ, nhưng không có nghĩa là bạn hiểu được mong muốn, cảm xúc và trải nghiệm của họ. Bạn vẫn có thể cảm nhận được nỗi khổ tâm của họ mặc dù bạn không hề lắng nghe câu chuyện của họ.
Ngoài ra, cũng đừng cố gắng lau kính hoặc sửa chữa các vết xước trên lăng kính của người khác. Làm như vậy có thể giúp họ nhìn rõ hơn một chút, nhưng có thể khiến những trải nghiệm cuộc sống của họ bị biến mất hoặc xảy ra thay đổi. Những dấu vết này trên kính có thể đã được họ tích lũy trong khoảng thời gian dài, không ai có quyền lấy chúng đi.
Ngoài ra, bạn cũng không nên ngó lơ những dấu ấn trên lăng kính của họ. Bạn có thể hỏi những vết xước trên lăng kính của họ vì sao xuất hiện và lắng nghe câu trả lời của họ. Tuy nhiên, đừng nhân cơ hội này để nói về vết xước của bản thân mình. Điều này có thể rất khó khăn, bởi vì mọi người thường có xu hướng thích nói về bản thân mình. Vì vậy, hãy cố gắng kìm nén suy nghĩ của mình và chuyên tâm vào câu chuyện của họ.
Giáo sư Fay Short nói rằng, sử dụng lòng đồng cảm để thấu hiểu người khác, có nghĩa là kỹ năng lắng nghe của bạn cũng có thể giúp họ hiểu chính mình. Thấu hiểu là bước đầu tiên để có thể kiểm soát được các vấn đề của bản thân và tìm ra câu trả lời.
Khi bạn cố gắng nhìn thế giới này thông qua lăng kính của người khác, bạn sẽ nhận ra mình ít có khả năng hiểu lầm và đưa ra những khẳng định đột ngột, đồng thời bạn có thể có được những mối liên hệ với người khác ở mức độ sâu sắc hơn.
Bạn sẽ biết được khi nào bạn đã xây dựng được một mối quan hệ thân thiết thông qua khả năng biết lắng nghe người khác, bởi vì bạn đã bắt đầu thực sự muốn lắng nghe và đồng cảm với đối phương. Bạn sẽ không còn ngắt lời người khác bằng suy nghĩ của riêng bản thân mình. Bạn cũng sẽ không còn phán đoán lời nói của đối phương đúng hay sai bằng sự cao hứng hoặc góc nhìn của riêng mình. Những sự việc xung quanh hoặc những thanh âm trong nội tâm cũng sẽ không thể nào khiến bạn bị phân tâm nữa.