Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung Âu Châu chạm mức 10.7% khi tăng trưởng giảm mạnh
Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung Âu Châu đã tăng trên 10% trong tháng này khi các nền kinh tế trên toàn khối 19 quốc gia này bắt đầu chậm lại.
Giá cả tăng cao trên khắp châu lục đã gây áp lực lớn lên các quốc gia trong khu vực này. Dữ liệu sơ bộ từ cơ quan thống kê của Liên minh Âu Châu cho thấy lạm phát chạm mức 10.7% hàng năm trong tháng 10, mức cao nhất hàng tháng kể từ khi khu vực đồng euro được thành lập.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), giống như đối tác của họ là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đã và đang nỗ lực để kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Nguy cơ suy thoái trong khu vực đồng euro đã tăng lên khi lãi suất cao hơn làm nền kinh tế chậm lại hơn nữa.
Theo CNBC, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết: “Chúng tôi phải làm những gì chúng tôi phải làm,” đối với chính sách lãi suất cứng rắn của ngân hàng trung ương này.
ECB đã tăng các lãi suất chính sách chủ chốt của mình lên 75 điểm căn bản hôm 27/10, nâng lãi suất chuẩn lên 1.5%.
Tuần trước, ECB đã xác nhận các đợt tăng lãi suất bổ sung cho những tháng tới, giải thích rằng họ đã đạt được “tiến triển đáng kể” trong việc bình thường hóa tỷ giá ở khu vực đồng euro.
Họ có kế hoạch tăng lãi suất hơn nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%.
Sau khi tổng sản phẩm quốc nội tăng chậm chạp ở mức 0.8% trong quý thứ hai, khối đồng euro đã cho thấy mức tăng trưởng 0.2% trong quý thứ ba.
Giá cả trong khu vực đã tăng chóng mặt trong năm qua, đặc biệt là thực phẩm và năng lượng. Mức tăng đột biến này phần lớn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt năng lượng của EU đối với Nga.
Việc mất đi nguồn khí tự nhiên thiết yếu của Nga đã làm tăng chi phí năng lượng ở Âu Châu trong tháng Mười, lên mức 41.9% hàng năm từ mức 40.7% vào tháng Chín.
Trong khi đó, giá lương thực cùng kỳ tăng 13.1% trong tháng 10, tăng so với 11.8% của tháng trước, gây khó khăn trong toàn khối đồng euro.
Tỷ lệ lạm phát căn bản của đồng euro, không bao gồm lương thực và năng lượng, đã tăng từ 4.8% lên 5% trong tháng Chín.
Khủng hoảng năng lượng và đồng Euro giảm
Nguồn cung khí đốt của Nga cho khối này thấp hơn khoảng 80% so với năm ngoái, buộc người Âu Châu phải nhập cảng khí đốt của họ từ nơi khác và với giá cao hơn.
Chi phí năng lượng cao ở lục địa này đã buộc các chính phủ phải hỗ trợ tài chính cho các gia đình và nhà sản xuất, với các biện pháp quyết liệt như áp giá trần để hạn chế lạm phát.
Chi phí sinh hoạt tăng đột ngột cũng đã gây ra làn sóng phản đối trên khắp Âu Châu, vì người dân lo ngại tình trạng thiếu nhiệt và thực phẩm cũng như căng thẳng tài chính nghiêm trọng trong mùa đông tới.
Một mối quan tâm khác đối với ECB là sự sụt giảm của đồng euro so với USD, vốn đã trở thành một yếu tố chính trong việc đẩy lạm phát trong toàn khối lên.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times