Quốc gia Âu Châu ban hành lệnh cấm tăng giá trong nỗ lực quyết liệt nhằm chế ngự lạm phát
Quốc gia Đông Âu Belarus đang thực hiện các bước quyết liệt để kiềm chế lạm phát phi mã bằng cách cấm các doanh nghiệp làm việc trực tiếp với khách hàng tăng giá.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người được truyền thông nhà nước dẫn lời nói rằng ông đang áp đặt lệnh cấm tăng giá tiêu dùng để ứng phó với lạm phát “quá cao”, đã công bố những biện pháp kiểm soát giá này hôm 06/10.
“Từ ngày 06/10, mọi hành vi tăng giá đều bị cấm. Nghiêm cấm!” Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời ông Lukashenko nói trong một cuộc họp giữa các bộ trưởng chính phủ.
Việc áp dụng mức giá trần bắt đầu “từ hôm nay. Không phải từ ngày mai, mà là từ hôm nay. Để họ không tăng giá theo ngày,” ông Lukashenko cho biết, theo hãng thông tấn này.
Theo truyền thông nhà nước Belarus, lạm phát ở quốc gia Đông Âu, vốn là đồng minh thân cận với Nga và đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc xung đột Ukraine, dự kiến sẽ ở mức 19% trong cả năm 2022.
Giá cả ‘tăng lên mức cực điểm’
Bà Inna Medvedeva, chủ tịch Ủy ban Thống kê Quốc gia Belarus, được Belta dẫn lời nói rằng lạm phát trong tháng Tám đạt mức 13.8% hàng năm và áp lực giá cả đang gia tăng.
Nhà lãnh đạo Belarus được AFP dẫn lời cho biết “nhiệm vụ là quay trở lại tỷ lệ lạm phát 7-8% vào năm tới.”
“Giá cả đã tăng lên mức cực điểm,” ông Lukashenko phàn nàn về giá cả tăng, đồng thời nói thêm rằng giới hạn giá có thể được nới lỏng trong một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi được các cơ quan chức năng cho phép.
Ông Lukashenko cho biết: “Việc bắt giữ ngay lập tức và các thủ tục tố tụng hình sự” đang chờ đợi những người vi phạm lệnh cấm tăng giá mới, đồng thời tuyên bố sẽ trừng phạt các doanh nghiệp cố gắng đóng cửa hàng hoặc rời khỏi thị trường.
Theo Belta, Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko đã phản đối việc kiểm soát giá cả này.
“Ở Belarus, quy định về giá là nghiêm ngặt nhất trong [Cộng đồng các Quốc gia Độc lập] CIS và là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất trên thế giới,” ông Golovchenko nói, cho rằng việc quy định quá mức có thể gây “phản tác dụng”.
Biện pháp kiểm soát giá ‘hoàn toàn thất bại về mặt phân tích’
Lạm phát tăng vọt ở Hoa Kỳ đã khiến một số người lại quan tâm đến ý tưởng kiểm soát giá cả, vốn được viện đến trong thời kỳ lạm phát những năm 1970. Mặc dù thử nghiệm đó được nhiều người coi là một thất bại, nhưng đợt lạm phát hiện tại đã khơi dậy một số cuộc tranh luận xung quanh chủ đề này.
Tổ chức tư vấn thiên tả Roosevelt Institute đã đăng một bài bình luận hồi tháng 11 năm ngoái (2021) gọi các chỉ số lạm phát mới nhất là cơ hội để xem xét lại các biện pháp kiểm soát giá cả và về căn bản lập luận rằng chúng được coi là thuộc một “phổ rộng hơn” các công cụ để đối phó với áp lực giá cả, một số là do những khó khăn từ phía cung mà việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang không thể giải quyết.
Viện Hoover, một tổ chức tư vấn có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, đã công bố một bài bình luận vào tháng 01/2022 nhằm đẩy lùi sự phục hồi của các biện pháp kiểm soát giá cả, cảnh báo rằng những biện pháp như vậy gây ra tình trạng thiếu hụt, dẫn đến sản phẩm kém chất lượng, các kết quả không công bằng, và nói chung là “hoàn toàn thất bại về mặt phân tích.”
Giáo sư David Henderson, một giảng viên kinh tế và một thành viên nghiên cứu tại Viện Hoover viết: “Việc kiểm soát giá gây ra tình trạng thiếu hụt, lãng phí thời gian xếp hàng của mọi người, đôi khi dẫn đến sự thiên vị của các nhà cung cấp, và như trong trường hợp dầu và xăng vào những năm 1970, có thể dẫn đến những quy định có hại kéo dài hàng thập niên.”
Một nghiên cứu gần đây của một nhóm các nhà kinh tế, trong đó có những chuyên gia từ Fed, cho thấy rằng tình trạng lạm phát đang hoành hành các gia đình Mỹ phần lớn là do nhu cầu tăng vọt do được kích thích chi tiêu, chiếm 60% lạm phát.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times