Lạm phát chạm kỷ lục 10% ở 19 quốc gia EU sử dụng đồng Euro
FRANKFURT, Đức — Lạm phát ở các nước Âu Châu sử dụng đồng tiền chung euro đã phá vỡ thành mức hai con số khi giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao, báo hiệu một cuộc suy thoái trong mùa đông đang hình thành đối với một trong những nền kinh tế lớn trên toàn cầu khi giá cả cao hơn làm suy yếu sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Hôm 30/09, cơ quan thống kê Liên minh Âu Châu Eurostat đưa tin cho biết giá tiêu dùng tại 19 quốc gia thuộc khu vực đồng euro đã tăng kỷ lục 10% trong tháng Chín so với một năm trước đó, tăng từ mức 9.1% hàng năm hồi tháng Tám. Chỉ một năm trước đây, lạm phát đã ở mức thấp nhất là 3.4%.
Mức tăng giá đã vượt quá những gì mà các nhà phân tích thị trường dự đoán và đang ở mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu liên quan đến đồng euro bắt đầu được thu thập hồi năm 1997. Giá năng lượng là thủ phạm chính, tăng 40.8% so với một năm trước. Giá thực phẩm, rượu, và thuốc lá tăng 11.8%.
“Tôi đã đang tìm nhiều ưu đãi đặc biệt hơn,” bà Myriam Maierhofer, một nhà đào tạo kiêm huấn luyện viên về phát triển nhân viên 64 tuổi, người đã mua sắm hôm 29/09 tại chợ ngoài trời hàng tuần ở Cologne, Đức, nói. “Tôi không nhanh chóng bỏ đi quá nhiều thứ, vì vậy tôi đã trở nên tiết kiệm hơn với thực phẩm. Và sáng nay, tôi cũng đã vặn nhỏ hệ thống sưởi trong các phòng một lần nữa.”
Lạm phát được thúc đẩy bởi sự cắt giảm liên tục nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga cũng như sự tắc nghẽn trong việc có được các nguồn cung cấp nguyên liệu thô và các linh kiện khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch COVID-19. Việc cắt giảm của Nga đã khiến giá khí đốt tăng vọt đến mức các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như phân bón và thép cho biết họ không còn có thể có lời khi sản xuất một số sản phẩm nữa.
Trong khi đó, giá điện nước, thực phẩm, và nhiên liệu cao đang khiến người tiêu dùng có ít tiền hơn để chi dùng cho những thứ khác. Đó là lý do chính mà các kinh tế gia dự đoán về một sự suy giảm, hoặc một đợt suy thoái nghiêm trọng và kéo dài trong hoạt động kinh tế, cho cuối năm nay và những tháng đầu năm sau.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu đang tăng lãi suất để chống lạm phát bằng cách ngăn cho giá cao hơn không ăn sâu vào kỳ vọng của người dân về tiền lương và giá cả, chứ bản thân việc tăng lãi suất không thể làm giảm giá năng lượng.
Bà Jessica Hinds, chuyên gia kinh tế cao cấp của Âu Châu tại Capital Economics, cho biết số liệu lạm phát hôm 30/09 có thể là một vấn đề “lo ngại nghiêm trọng” đối với ECB. Bà cho biết hội đồng thiết lập tỷ giá của ngân hàng trung ương Âu Châu có khả năng sẽ tăng lãi suất chuẩn của mình lên hơn ¾ điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 27/10.
Lãi suất cao hơn kiến việc đi vay, đầu tư, và chi tiêu của người dân và các doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm nhu cầu hàng hóa và do đó hạn chế lạm phát. Lạm phát vượt xa mức mục tiêu được xem là tốt nhất cho nền kinh tế của ECB là 2%.
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang nhanh chóng tăng lãi suất, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, nhằm giảm lạm phát đã chạm mức 8.3% trong tháng Tám. Lạm phát khu vực đồng tiền chung Âu Châu đã làm lu mờ mức 9.9% của Vương quốc Anh được công bố hồi tháng trước.
Các quan chức Âu Châu gọi việc cắt giảm khí đốt tự nhiên do hành vi tống tiền năng lượng của Nga là nhằm gây áp lực và chia rẽ các chính phủ Âu Châu đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự ủng hộ của họ đối với Ukraine. Trong khi phía Nga thì đổ lỗi cho vấn đề kỹ thuật.
Giá khí đốt tăng lên đồng nghĩa với việc hóa đơn sưởi ấm cao hơn và chi phí điện năng cao hơn vì khí đốt tự nhiên được sử dụng để sản xuất điện, sưởi ấm các ngôi nhà, và vận hành các nhà máy.
Hôm 30/09, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh Âu Châu đã thông qua việc đánh thuế thu nhập bất thường lên lợi nhuận của các công ty nhiên liệu hóa thạch và các biện pháp khác để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, trong khi các quốc gia riêng lẻ cũng đã phân bổ hàng trăm tỷ đồng để cứu trợ cho các gia đình và doanh nghiệp.
Với việc giá tiêu dùng ở Đức tăng 10.9%, lần đầu tiên đạt mức hai con số trong nhiều thập niên, chính phủ Đức đã công bố kế hoạch chi tới 200 tỷ euro (195 tỷ USD) để giúp giải quyết vấn đề tăng giá khí đốt tại nền kinh tế lớn nhất Âu Châu này.
Hôm 29/09, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết chính phủ đang kích hoạt lại một quỹ ổn định kinh tế được sử dụng trước đây trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch virus corona.
Do David McHugh của The Associated Press thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times