Lạm phát là vua
Lạm phát hiện là chỉ số quan trọng nhất đối với các thị trường tài chính.
Những nguyên tắc căn bản ư? Chúng vô nghĩa. Lợi nhuận ư? Quan trọng nhưng không phải là dấu hiệu của tương lai. Động lực ư? Vâng, thứ ấy cũng phụ thuộc vào lạm phát.
Thị trường tài chính hiện nay dường như được điều khiển một cách đặc biệt bởi quỹ đạo kỳ vọng của lạm phát. Nói cách khác, các chỉ số về lạm phát sẽ cung cấp một dấu hiệu về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã làm đủ để chống lại lạm phát bằng cách tăng lãi suất hay chưa. Vì vậy, đó là một dự đoán về việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chuẩn bao nhiêu và trong bao lâu.
Các chiến lược gia đầu tư, những người thường có những điều thú vị để nói đã đột nhiên vứt bỏ sách lược của họ và bây giờ nhìn về phía Fed (và các ngân hàng trung ương khác). Nếu các nhà đầu tư tin rằng lạm phát đang đạt đến đỉnh điểm và Fed có thể làm chậm lại hoặc đảo ngược việc tăng lãi suất trong tương lai gần, họ sẽ chuyển sang mua cổ phiếu. Nếu các nhà đầu tư tin rằng lạm phát vẫn còn tiếp diễn, thì họ sẽ bán và tránh xa thị trường cổ phiếu.
Nói cách khác, quan điểm của mọi người về thị trường đã trở nên khá nhị phân và phụ thuộc vào quan điểm về kỳ vọng lạm phát.
Báo cáo CPI mới nhất được công bố hôm 13/10 là một lời nhắc nhở khác rằng lạm phát tăng cao chưa thể hạ nhiệt. Giá cả tháng Chín tăng 8.2% so với năm trước và 0.4% so với tháng trước, cả hai kết quả đều cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Thực tế này đã khiến các nhà phân tích tại Bank of America tuyên bố trong một ghi chú rằng lạm phát có thể vẫn ở mức cao trong nhiều năm tới, như trong lịch sử một khi lạm phát vượt ngưỡng 5%, thường phải mất mười năm để lạm phát quay trở lại phạm vi 2% (những gì Fed đang nhắm mục tiêu) cho các nền kinh tế phát triển.
Ông David Einhorn, người sáng lập quỹ đầu cơ Greenlight Capital, xem vấn đề này là do tự tạo. Ông tự hỏi trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/10 với Bloomberg TV rằng, “Lần cuối chúng ta đặt một nhà máy xi măng ở đất nước này là khi nào, và lần cuối chúng ta tạo ra một nhà máy lọc dầu là khi nào.” Trong hai thập niên qua, đất nước của chúng ta (và cơ sở nhà đầu tư của đất nước này) đã bị ám ảnh bởi việc xây dựng các công ty công nghệ bằng tiền vay.
Một câu hỏi quan trọng là liệu Fed có đang đi đúng hướng để khắc phục vấn đề này hay không. Ông Einhorn tin rằng Fed có thể đang đi sai hướng.
“Một nửa vấn đề lạm phát là do các biện pháp tài khóa gây ra. Và không có chút thảo luận nào về việc đưa ra các biện pháp tài khóa để tăng nguồn cung, điều thực sự sẽ là một điều tốt để làm vì khi quý vị tăng nguồn cung, quý vị sẽ tăng thêm sự giàu có,” ông nói thêm. “Thay vào đó, những gì chúng ta đang cố gắng làm là giảm nhu cầu, có nghĩa là hạ thấp mức sống của mọi người để cố gắng chống lại lạm phát.”
Về cốt lõi, lạm phát là do mất cân bằng cung cầu. Nói một cách đơn giản, khi cầu vượt quá cung, giá có xu hướng tăng lên. Và để khắc phục tình trạng mất cân bằng, cung cần phải tăng lên hoặc cầu cần phải giảm.
Nhà kinh tế Nouriel Roubini, Giáo sư Danh dự về Kinh tế tại NYU và là chủ tịch công ty Macro Roubini Associates đã lập luận rằng, cho dù quý vị tin rằng lạm phát hiện tại là do chính sách kém (tín dụng lỏng lẻo, thiếu đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định) hay kém may mắn (các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến COVID, chiến tranh Nga-Ukraine), thì cuối cùng đó vẫn là lạm phát do nguồn cung quá ít.
Ông Roubini đã viết trong một bài bình luận trên tạp chí TIME rằng, “Điều này quan trọng vì lạm phát do nguồn cung là tình trạng lạm phát đình trệ và do đó làm tăng nguy cơ hạ cánh cứng (tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và có khả năng suy thoái) khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt.”
Luận điểm của ông Roubini cho rằng việc nền kinh tế hạ cánh cứng là không thể tránh khỏi và với lượng nợ trong hệ thống tài chính cùng với lãi suất cao, tăng trưởng sẽ thấp trong tương lai gần. “Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với những biến động về nguồn cung trong bối cảnh mức nợ cao hơn nhiều, ngụ ý rằng chúng ta đang hướng tới sự kết hợp giữa lạm phát đình trệ kiểu 1970 và khủng hoảng nợ kiểu 2008 — tức là khủng hoảng nợ lạm phát đình trệ.”
Để chống lại lạm phát bằng cách phá hủy nhu cầu — buộc thất nghiệp và làm suy giảm của cải gia đình — có thể khiến quốc gia này rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp trong nhiều năm tới.
Ông Roubini có biệt danh là “Dr. Doom” vì đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát trong nhiều năm ngay cả khi giảm phát là mối lo chính. Nhưng ngày nay lý luận của ông đã trở nên sát với thực tế hơn rất nhiều.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times