Làm mẹ không phải hy sinh, mà là đang trưởng thành
Lê Tú là một học viên trong lớp giáo dục phụ huynh. Vẻ mặt nóng vội của cô ấy khi bước vào lớp khiến tôi đoán rằng cô ấy chắc hẳn lại bị con trai làm cho bực bội. Quả nhiên, cô ấy là người đầu tiên đưa ra câu hỏi trong lớp: “Thưa cô, việc con trẻ không nghe lời và việc người mẹ đi làm có liên quan gì hay không?”
Lê Tú đã nghỉ việc vì đứa con duy nhất của cô ấy không thích ứng tốt với trường học, cô đã chuyên tâm làm một người mẹ toàn thời gian được gần hai năm. Tuy nhiên, cậu con trai đang học lớp ba lại khiến Lê Tú cảm thấy: cậu bé quả thật là không coi trọng người mẹ này. Lê Tú tự nhủ trong lòng rằng: phải chăng vì mình không có công việc nên mới bị con trai coi thường? Cô ấy đã nghĩ đến việc đi làm lại.
“Thật đấy! Thằng nhóc nghĩ tôi thiếu năng lực và kém cỏi sao?”, Lê Tú nói mà tóc gần như dựng đứng lên. “Lê Tú, tôi có thể cảm nhận được tâm trạng của cô, tôi cũng biết rằng cô chỉ muốn giúp đỡ đứa trẻ, vì vậy mới tức giận vì sự bất lực của mình. Đúng không?”. Nước mắt trào ra trong mắt của cô ấy. Tôi tiếp tục nói: “Khóc không phải là chuyện xấu, sau khi trong tâm cảm thấy thoải mái thì lại tiếp tục nghĩ biện pháp, đừng đưa ra quyết định khi đang tức giận”. “Cảm ơn cô giáo đã nhắc nhở. Ôi! Đây thực sự là cái tôi cần phải học”, Lê Tú bắt đầu bình tĩnh lại.
Tôi cười và nói: “Làm mẹ thật sự cần học hỏi. Lê Tú sẵn sàng đến và thảo luận với chúng ta về đạo làm mẹ. Cô ấy đã thành công bước một bước đầu tiên và xứng đáng nhận được một tràng pháo tay nồng nhiệt dành cho mình!”. Vừa dứt, tiếng vỗ tay nổi lên như sấm.
Lê Tú kể lại câu chuyện của mình: “Tôi lớn lên trong một gia đình rất cẩn trọng, bố tôi rất nghiêm khắc, mẹ thì rất ít nói chuyện hoặc bày tỏ cảm xúc của mình. Tôi thường chỉ thấy bóng lưng của mẹ, và cả ngày hầu như không nghe thấy âm thanh gì trong nhà”.
Những người cha làm lính chuyên nghiệp thường có ít thời gian ở bên gia đình, vì vậy từ nhỏ Lê Tú đã hy vọng sẽ có thể thoát ly gia đình sớm một chút, để có thể tìm một khoảng không hạnh phúc ở bên ngoài.
Thành tích học tập của cô ấy khiến bố mẹ rất yên tâm. Nhờ thành tích xuất sắc, cô đã kiếm được việc làm lương cao từ rất sớm, cũng thuận lợi sống xa nhà một mình ở bên ngoài, bởi vậy khoảng cách với gia đình càng ngày càng xa. Những thành quả xuất sắc trong công việc mang lại cho cô nhiều cảm giác về sự thành tựu, nó cũng khiến cô cho rằng giá trị của cuộc sống là dựa trên kết quả học tập hoặc thành tựu công việc.
Biểu hiện của anh đồng nghiệp Chí Nguyên khiến Lê Tú cảm mến, cả hai đã sánh bước trên thảm đỏ. Ban đầu, Lê Tú nghĩ rằng cô có thể thuận buồm xuôi gió trong công việc, đồng thời có một gia đình nhỏ ấm áp của riêng mình. Không ngờ khi con trai cô lớn lên, giấc mộng này lại trở thành một vấn đề đau đầu. Cuối cùng, trước phản ứng mạnh mẽ của nhà trường đối với hành vi của con trai, Lê Tú đã phải từ bỏ công việc để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho đứa trẻ.
“Thưa cô, em phát hiện thì ra em không muốn nghỉ việc, là vì em không muốn từ bỏ công việc khiến em cảm thấy mình có giá trị. Đến bây giờ em mới nhận ra rằng em sống vì công việc, em rất quan tâm đến sự khẳng định của sếp và sự đề cao của đồng nghiệp đối với em. Mặc dù đã nghỉ việc nhưng tâm em vẫn không hướng về con cái, mà chỉ đem thành quả công việc chuyển thành yêu cầu điểm số đối với con mình. Quả thật là mệt mỏi!”.
Tôi nói: “Đây là tiếng lòng của rất nhiều bà mẹ hiện đại: học tập cả đời để tìm một công việc tốt và có một gia đình phù hợp với điều kiện của mình. Nhưng kết quả của việc tự cho mình là trung tâm này, lại khiến chúng ta mất đi rất nhiều cơ hội để hiểu và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với người khác. Kết quả là, chúng ta lại không thể giải quyết các vấn đề của cuộc sống bằng đáp án của sách giáo khoa”.
Mọi người đều đồng tình và gật đầu.
Tôi hỏi họ: “Xoay trở lại mà xét, bản thân là một người mẹ thì có thể bồi dưỡng những năng lực nào?”.
“À! Tại sao chúng tôi không nghĩ ra nhỉ?”. Nhóm các bà mẹ đều ngạc nhiên nhìn và đồng loạt nói: “Chúng tôi luôn cho rằng làm mẹ là hy sinh, hy sinh và hy sinh, ngay cả cái cuối cùng còn lại cũng phải hy sinh!”.
Lớp học bắt đầu đầy ắp tiếng thảo luận, trong không khí háo hức, tôi đã được nghe những câu trả lời tuyệt vời. Họ phát hiện rằng làm mẹ có thể rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, có thể là một chuyên gia phục vụ đa chức năng, có thể sở hữu khả năng quan sát tinh tế như một thẩm phán, có thể là giáo viên vỡ lòng và chuyên gia dinh dưỡng đầu tiên của trẻ, cũng có thể là một chuyên gia khích lệ tâm trạng, v.v.
Sau đó tôi lại hướng dẫn họ cách chuyển những phát hiện này thành hành động cụ thể và thực hiện chúng trong cuộc sống, từ đó củng cố khả năng thiết lập mối tương tác tốt với những người xung quanh.
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ