Lại có thêm chính trị gia Hoa Kỳ rời khỏi Đảng Dân Chủ
Trong năm nay, 5 nhà lập pháp tiểu bang chuyển sang đảng phái khác khi còn đương chức
Trong một bài bình luận trên Wall Street Journal, khi tuyên bố chuyển từ Đảng Dân Chủ sang Đảng Cộng Hòa, ông Eric Johnson, thị trưởng Dallas, đã viết rằng ông “không có ý định thay đổi cách tiếp cận công việc” nhưng các thành phố ở Mỹ quốc cần có chủ nghĩa bảo tồn truyền thống về tài khóa và hoạt động chấp pháp mà Đảng Cộng Hòa thúc đẩy.
Và ông không phải là người duy nhất. Trong năm nay đã có năm nhà lập pháp tiểu bang chuyển từ Đảng Dân Chủ sang Đảng Cộng Hòa. Hồi năm ngoái, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona) rời Đảng Dân Chủ và trở thành một chính trị gia độc lập. Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) từng nói ông đang cân nhắc nghiêm túc đến việc rời Đảng Dân Chủ, và được cho là đang nhắm đến một bên thứ ba tranh cử vào Oval Office năm 2024. Năm 2022, có báo cáo cho thấy 1 triệu cử tri đã chuyển sang Đảng Cộng Hòa, trong khi đó 630,000 cử tri chuyển sang Đảng Dân Chủ.
Mặc dù việc chuyển đổi đảng phái không phải là điều gì đó hiếm thấy, nhưng việc chuyển đổi đảng phái khi đang giữ một chức vụ nào đó là rất hiếm có. Theo Bellotpedia, từ năm 1994 đến nay, có 173 nhà lập pháp đã chuyển đổi đảng phái khi còn đương chức, hầu hết là chuyển sang Đảng Cộng Hòa.
Trong bài bình luận của mình, ông Johnson nhấn mạnh rằng chức vụ của ông là một chức vụ phi đảng phái.
“Tôi chưa bao giờ là người được yêu thích trong nhóm kín của Đảng Dân Chủ, và ngược lại. Vào thời điểm mà tôi được bầu làm thị trưởng — một chức vụ phi đảng phái — vào năm 2019, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi tình trạng siêu đảng phái và sẵn sàng tập trung vào giải quyết các vấn đề,” ông viết.
Những vấn đề tại địa phương
Theo bà Mesha Mainor, dân biểu tiểu bang Georgia, lý do chuyển đổi đảng phái của những nhà lập pháp tiểu bang không phải là những tuyên bố “trọng đại” về đất nước. Trong hầu hết các trường hợp, lý do thay đổi đảng phái là do vấn đề địa phương, và thậm chí là do cá nhân.
Từng là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bà Mainor dành 20 năm làm việc với những người thuộc mọi giai tầng xã hội để tìm kiếm giải pháp cho họ, và bà cho biết bà đã tham gia Cơ quan lập pháp tiểu bang với mong muốn làm điều tương tự. Tuy nhiên bà đã nhanh chóng nhận ra rằng đảng của bà không sẵn sàng hợp tác với các đảng phái khác, và một vài lần yêu cầu bà bỏ phiếu bác bỏ các dự luật của Đảng Cộng Hòa, không phải do chính sách không tốt, mà là do Đảng Dân Chủ muốn gửi đi một thông điệp.
Ông Roger Simon: Đảng Dân Chủ đối mặt với sự cải tổ toàn diện từ ‘Đảng No Labels’
“Tôi nghĩ nước Mỹ đang nói rằng chúng tôi đã quá chán ngán trước tình trạng siêu đảng phái,” bà Mainor chia sẻ với The Epoch Times, cho biết thêm nhiều cử tri của bà đã nhắn tin và gọi điện để bày tỏ sự ủng hộ sau khi bà loan báo chuyển đổi sang đảng phái chính trị khác hồi tháng Bảy. Họ nói với bà rằng họ không quan tâm bà thuộc về đảng phái nào, miễn là bà tiếp tục đại diện cho họ.
Bà nói: “Tôi tranh đấu cho các vấn đề được đưa đến tôi.” Bà Mainer đã hai lần đắc cử trên cơ sở giải quyết bất cứ vấn đề gì mà cử tri đưa ra cho bà
Thí dụ, khi một người đang bị điều tra mà bị sát hại, tiểu bang sẽ giữ giấy chứng tử, và nhiều gia đình đề nghị bà Mainor giúp lấy giấy chứng tử để họ có thể lấy tiền bảo hiểm cho con cái của người quá cố đó. Một vấn đề lớn khác là việc lựa chọn trường học, bởi vì tại địa hạt của bà, chỉ 3% các trường học đạt được trình độ thông thạo về đọc hiểu và toán học.
Bà Mainor thay đổi đảng phái không phải vì các vấn đề của bà thay đổi; mà bà làm vậy để tiếp tục bảo vệ những vấn đề mà bà đang phải giải quyết.
“Tôi có thể nói rằng Đảng Cộng Hòa là chính đảng bao quát hơn,” bà cho biết, nói thêm rằng với đảng mới, bà sẽ không phải bỏ phiếu theo đường hướng của đảng và sẽ có chỗ cho sự bất đồng ý kiến.
‘Tính độc hại’
Sự bất đồng ý kiến mà bà chứng kiến tại Đảng Dân Chủ đôi khi trở nên thù địch — khi bà bỏ phiếu chống lại dự luật của một đồng sự, các đồng sự là nhà lập pháp Đảng Dân Chủ đã chỉ trích bà trên truyền thông xã hội, một người cầm tấm chi phiếu 1,000 USD kêu gọi người khác tranh cử vào vị trí của bà Mainor.
Những loại chiến thuật trấn áp này là một trong những lý do mà đại diện tiểu bang North Carolina — bà Tricia Cotham chuyển sang Đảng Cộng Hòa.
Hành động của bà bị chỉ trích nặng nề vì đã khiến cho Đảng Cộng Hòa chiếm được khối đa số và quyền bác bỏ phủ quyết tại Hạ viện.
Bà Cotham có mẹ là một thành viên Đảng Cộng Hòa lỗi lạc tại tiểu bang, bản thân bà cũng là một nhà lập pháp kỳ cựu. Bà phục vụ từ năm 2007 đến 2016 sau đó nghỉ việc khi con trai lớn của bà chuẩn bị đi học mẫu giáo. Trong khi đang hồi phục vì bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, bà biết vị trí của bà tại địa hạt này vẫn còn trống. Bà đã suy nghĩ và cầu nguyên rất nhiều.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương sau thông báo của mình, bà Cotham kể lại sự “độc hại” và “tàn ác” trong cách cư xử của đồng sự đối với bà, và cũng như cách mà bà bị tẩy chay trong các cuộc họp kín. Bà chỉ trích Đảng Dân Chủ quá chú trọng đến việc “theo dõi” các chủ tịch ủy ban của Đảng Cộng Hòa để nghiên cứu phe đối lập, thay vì dành thời gian để tạo ra các chính sách tốt, và bà cho biết Đảng Dân Chủ đã có sự thay đổi lớn trong thời gian bà đương chức.
Cựu chủ tịch ủy ban giáo dục kiêm nhà giáo cho biết bà bắt đầu thực sự “cầu nguyện về vấn đề này” trước khi đưa ra quyết định của mình. “Tôi đã không thay đổi nhanh chóng mặc cho những quảng cáo kinh khủng, những lời lẽ hèn hạ, ác độc được sử dụng để chống lại tôi,” bà chia sẻ.
Bà Cotham đã nhiều lần khẳng định rằng cá nhân bà không hề thay đổi, tuy nhiên phiếu bầu của bà về vấn đề phá thai và chính sách “chuyển giới” đã thay đổi sau khi bà chuyển đảng.
Bà đã thường xuyên né tránh giới truyền thông về vấn đề này và không phúc đáp nhiều câu hỏi từ The Epoch Times.
Năm 2015, bà Cotham đã đưa ra lời khai chống lại dự luật yêu cầu phụ nữ phải đợi 72 giờ trước khi phá thai. Bà chia sẻ câu chuyện về lần đầu tiên bà mang thai, biện pháp loại bỏ thai bằng thuốc trong trường hợp có thai ngoài tử cung đã cứu sống bà.
Hồi tháng Năm, bà đã ủng hộ một lệnh cấm phá thai khi thai nhi được 12 tuần tuổi, việc mà bà cho rằng đã tạo ra “sự cân bằng hợp lý” và “trung dung” giữa các thái cực, bác bỏ những khẳng định về đạo đức giả.
Hồi tháng Tư, bà Cotham cũng đã bỏ phiếu cho một dự luật cấm những người có giới tính sinh học nam tham gia các môn thể thao dành cho nữ, việc mà khiến cho bà phải nhận một làn sóng chỉ trích khác từ phía cánh tả.
Trong một cuộc phỏng vấn ngắn sau khi bà tuyên bố chuyển đảng, bà nói với một đài địa phương rằng bà sẽ luôn ủng hộ quyền của “LGB”, bỏ chữ T đại diện cho từ “trans” (“chuyển giới”).
Năm 2016, bà bỏ phiếu cho dự luật về phòng tắm cho phép những học sinh được xác định là “chuyển giới” sử dụng phòng tắm mà họ muốn thay vì phải dùng phòng tắm đúng với giới tính sinh học của họ. Đó là vào năm mà sau khi ông Bruce Jenner “xuất hiện” với cái tên Caitlyn Jenner, thu hút được nhận thức và hiểu biết rộng rãi về ý nghĩa của việc “chuyển đổi.” Từ “người chuyển giới” (transgender) mới được thay thế cho từ “người chuyển đổi giới tính” (transsexual), và vấn đề này vẫn chưa tập trung vào trẻ em.
Những người chỉ trích bà Cotham đã yêu cầu bãi nhiệm bà, và bà Cotham đã hoàn lại tiền cho những nhà tài trợ đã ủng hộ chiến dịch của bà theo yêu cầu.
‘Chẳng có gì thay đổi’
Tại Louisiana, hai nhà lập pháp đã đổi đảng.
Ông Francis Thompson đã phục vụ 50 năm với tư cách là thành viên của Đảng Dân chủ trước khi ông chuyển đảng hồi tháng Ba, khiến Đảng Cộng Hòa chiếm được khối đa số.
Là một thành viên “Đảng Dân Chủ theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống” lâu năm, ông Thompson được biết đến tại địa hạt của mình với khả năng đưa các dự án chi tiêu lớn vào khu vực này.
Hồ sơ của một tờ báo địa phương về ông mô tả ông là một nhà lập pháp luôn nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với thống đốc. Tờ báo mô tả một cuộc họp báo do Thống đốc Đảng Dân Chủ John Bel Edwards tổ chức, ăn mừng một sự thất bại của Đảng Cộng Hòa trong nỗ lực nhằm bác bỏ quyền phủ quyết của ông đối với dự luật ngăn cản các vận động viên nam thi đấu trong các môn thể thao nữ.
Theo The Advocate, ông Thompson đã bỏ phiếu chống lại thống đốc, nhưng ông vẫn có mặt tại hội nghị, vỗ tay cùng với các đồng sự của mình — ít nhất một trong số họ đã thách thức ông tham dự.
“Tôi ở đây để tôn vinh thống đốc Đảng Dân Chủ của tôi,” nhà lập pháp Đảng Dân chủ lúc bấy giờ cho biết. Ông đã được cử tri bầu chọn 11 lần liên tiếp, khiến ông trở thành nhà lập pháp Đảng Dân Chủ phục vụ lâu nhất ở tiểu bang trước khi đổi đảng.
Bên cạnh dự luật thể thao, ông cũng đã bỏ phiếu theo đường hướng ngoài đảng khi bỏ phiếu bãi bỏ các yêu cầu về giấy phép mang theo súng ngắn, và một lần nữa bác bỏ quyền phủ quyết của thống đốc đối với dự luật tái phân chia địa hạt bầu cử Quốc hội.
Khi tuyên bố đổi đảng, ông Thompson nói rằng “chẳng có gì thay đổi” và ông sẽ tiếp tục bỏ phiếu theo nguyên tắc của mình.
Ông cho biết Đảng Dân Chủ ngày càng ủng hộ những quan điểm không “phù hợp với những giá trị và nguyên tắc vốn là một phần trong đời sống tín ngưỡng Cơ Đốc Giáo của tôi.”
Tại cuộc họp báo, ông nói: “Có những giá trị và nguyên tắc mà tôi luôn giữ gìn để chỉ dẫn cho những quyết định của mình. Thành tích về việc bỏ phiếu theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống của tôi trong nhiều năm tôi phục vụ trong Cơ quan lập pháp đã nói lên điều đó.”
Theo những lá phiếu?
Vài tuần sau, nhà lập pháp tiểu bang Louisiana, ông Jeremy LaCombe cũng đổi đảng từ Đảng Dân Chủ sang Đảng Cộng Hòa mà không thông báo lý do. Trang web chiến dịch tái tranh cử của ông hiện giới thiệu ông là một “tiếng nói độc lập” sẵn sàng làm việc với cả hai bên để hoàn thành công việc.
Tờ báo địa phương The Advocate lưu ý rằng trong những năm gần đây, Louisiana đã chuyển sang đỏ; ông LaCombe đã thảm bại trước một thành viên Đảng Cộng Hòa khi theo đuổi vị trí Thượng viện tiểu bang vào năm 2022.
Cả ông LaCombe và ông Thompson đều không phúc đáp nhiều yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.
Hồi tháng Tư, sau khi thắng nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2022 với tư cách là thành viên Đảng Dân Chủ, ông Elliott Pritt, nhà lập pháp West Virginia, đã chuyển đảng.
Địa hạt của ông nằm ở các mỏ than phía nam của tiểu bang, nơi chủ yếu chuyển sang đỏ trong những năm gần đây.
Ông nói với tờ Politico, “Ngay cả khi tôi tái tranh cử và giành chiến thắng, tôi sẽ xem xét việc không bao giờ thông qua một dự luật nào khác, không bao giờ để cho bất cứ điều gì được hoàn thành.”
“Trong thời gian tôi ở vị trí đó, tôi sẽ không ngồi đó và trở thành một chính trị gia “vịt què” (lame duck) và không làm gì cả.”
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times