Ký giả điều tra phơi bày di sản hủy hoại môi trường của ĐCSTQ
Trong Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhà cầm quyền Trung Quốc đã trích dẫn số liệu chính thức cho thấy trong 10 năm cầm quyền vừa qua họ đã quản lý môi trường hiệu quả hơn bao giờ hết. Thế nhưng, một ký giả điều tra Trung Quốc đã tiết lộ, môi trường ở Trung Quốc đại lục đang xuống cấp ở mức đáng báo động và có thể sẽ không phục hồi được trở lại trong nhiều thập niên tới.
Ông Trạch Thanh (Zhai Qing), Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo rằng trong 10 năm qua, dưới sự chỉ dẫn của “ông Tập Cận Bình và tư tưởng về nền văn minh sinh thái,” đảng đã đạt được những bước tiến tổng thể trong việc bảo vệ hệ sinh thái và môi trường của Trung Quốc. Ông đã nêu ra nhiều thành tựu, chẳng hạn như: Trung Quốc là quốc gia cải thiện chất lượng không khí nhanh nhất thế giới, mức xếp hạng an toàn nước uống dành cho 770 triệu dân của quốc gia cũng đã được cải thiện, số cá thể trong hơn 300 loài động vật và thực vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã phục hồi và tăng trưởng.
Bàn về các tuyên bố chính thức nói trên, phóng viên điều tra Trung Quốc đại lục Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian) nói với The Epoch Times hôm 23/10 rằng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất, và các chỉ số môi trường khác của Trung Quốc đều đang ở mức chấn động. Các cuộc biểu tình phản đối ô nhiễm của người dân đã bị đàn áp, nhiều phóng viên điều tra đã bị bịt miệng, và chỉ có các quan chức ĐCSTQ đến từ Bộ Môi trường mới đi khoe khoang về tình trạng môi trường của Trung Quốc.
“Tiêu chuẩn đánh giá bảo vệ môi trường trước hết cần xuất phát từ việc thiết lập hệ thống đánh giá gồm các tổ chức phi chính phủ (NGO), để có thể đánh giá một cách khách quan các kết quả bảo vệ môi trường liên quan đến cuộc sống của người dân,” ông Triệu nói. “Ông [Trạch] đang khoe khoang về việc ĐCSTQ quản lý môi trường tốt như thế nào. [Nhưng] tất cả các câu hỏi trong cuộc họp báo đều được chuẩn bị trước, và dữ liệu mà họ đưa ra là không thể tin cậy.”
Phát triển theo kiểu săn mồi làm phá hủy các khu bảo tồn thiên nhiên
Ông Triệu chỉ ra rằng các chính sách bảo vệ môi trường của ĐCSTQ và mô hình phát triển kinh tế của đảng này có nhiều mâu thuẫn.
“Một số thắng cảnh thiên nhiên từng được bảo tồn đã được phát triển để đạt được thành công thương mại nhanh chóng theo một mô hình kiểu săn mồi, chẳng hạn như Trương Gia Giới hoặc núi Trường Bạch.”
“Tôi đã đến núi Trường Bạch bốn lần; lần đầu tiên là vào năm 1994 và một lần nữa vào năm 2015,” ông Triệu nói, khi đề cập đến một ngọn núi ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc giáp biên giới với Bắc Hàn. “Tôi phát hiện ra rằng khu bảo tồn thiên nhiên này đã bị tước đoạt và phát triển nhân tạo, và toàn bộ danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc đều đang phải đối mặt với cùng một vấn đề.”
Ông đã so sánh tình hình này với các quốc gia khác. “Tôi đã đến thăm các công viên sinh thái ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Chile, nơi người ta không được phép xây dựng đường xá cũng như không được phát triển du lịch thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc đặt mô hình kinh tế du lịch lên hàng đầu; đặt doanh thu du lịch từ việc bán vé lên vị trí hàng đầu.”
Ông Triệu nói rằng ông đã dành 10 năm để điều tra thực trạng sinh thái của các địa phương dọc theo sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, rồi ở Thanh Hải cũng như Tây Tạng và Nội Mông, và đã chứng kiến sự tàn phá của cùng một mô hình phát triển kiểu săn mồi này đối với môi trường tự nhiên.
Sa mạc hóa ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước và thủy sản
Hồi năm 2018, ông Triệu đã đến nhiều khu vực khác nhau ở Tam Giang Nguyên, tọa lạc trên cao nguyên Tây Tạng ở phía nam tỉnh Thanh Hải, để thăm dò và nghiên cứu thực địa. Ông nhận thấy có nhiều sa mạc mới đang hình thành. So sánh với các bản đồ trong quá khứ, “Tôi phát hiện ra rằng sa mạc này mới được hình thành trong 30 năm trở lại đây. Ba mươi năm về trước, nơi đây là những nghĩa địa và đầm lầy,” ông nói.
Ông nói: “Sự tồn tại của sa mạc này chứng tỏ rằng ít nhất thì môi trường sinh thái của khu vực Tam Giang Nguyên đã có những thay đổi đáng kinh ngạc so với 30 năm trước. Tôi đã phỏng vấn một số chuyên gia, và họ cũng cho là quá trình sa mạc hóa ở thượng nguồn Tam Giang Nguyên đã thực sự gây ra tình trạng thiếu nước ở Thượng Hải và toàn bộ hệ thống sông Dương Tử.”
Tam Giang Nguyên, hiểu theo nghĩa đen là “nguồn của ba con sông,” là nơi hình thành của ba hệ thống sông chính là sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, và sông Mê Kông (Lan Thương). Nơi đây còn được mệnh danh là “Tháp Nước của Trung Quốc” và đóng vai trò quan trọng trong tình trạng của hệ sinh thái và sự phát triển của nền kinh tế quốc gia Trung Quốc.
“Mọi người đều có thể thấy sự xuống cấp trong môi trường sinh thái của Trung Quốc hiện nay, chẳng hạn như trong việc các con sông Dương Tử và Hoàng Hà cùng nhiều hệ thống nước cạn dần,” ông Triệu nói. “Việc hệ thống nước khô kiệt như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, và đánh bắt thủy sản dọc theo các con sông này. Vì vậy, dù khẩu hiệu của chính quyền về những vấn đề môi trường này có hay đến đâu đi chăng nữa, thì mọi người vẫn nhìn thấy tình hình thực tế.”
Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình nhấn mạnh hai điểm về môi trường trong bài diễn văn tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 rằng, ĐCSTQ sẽ “thúc đẩy sâu sắc công tác phòng chống và kiểm soát ô nhiễm môi trường, và đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý và bảo vệ hệ sinh thái của các sông, hồ, và hồ chứa quan trọng.”
Bình luận về bài diễn văn của ông Tập, ông Triệu nói: “Các vấn đề về bảo vệ môi trường và sinh thái đang ở ngay trước mắt, và ông ấy phải đề cập đến điều đó. Khi chúng ta nhận thấy rằng môi trường đã thay đổi, thì thực ra môi trường đã xấu đi ở một mức độ nhất định. Mô hình phát triển của cả xã hội này đang trên bờ vực khủng hoảng.”
Báo cáo năm 2014 của ông Triệu tiết lộ tình trạng ô nhiễm gây chấn động ở sa mạc Đằng Cách Lý (Tengger). Dân du mục địa phương chỉ ra rằng các hồ chứa nước thải đã xuất hiện ở sâu trong nội địa sa mạc, tại đó các doanh nghiệp địa phương đã xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống hồ chứa nước thải này. Các bài báo và hình ảnh của ông Triệu đã bị chính quyền Trung Quốc xóa khỏi mạng internet.
Kiểm duyệt các ký giả và các cuộc biểu tình
Ông Triệu nói: “Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát truyền thông kể từ năm 2014, và các phóng viên điều tra đã bị đàn áp mạnh tay. Đồng thời, các cuộc biểu tình phản đối ô nhiễm [môi trường] quy mô lớn của hàng chục ngàn người đã lần lượt nổi lên trên khắp Trung Quốc, nhưng tất cả những cuộc biểu tình đó đều bị quân đội và công an của ĐCSTQ đàn áp dã man.”
Nước ngầm ở 90% các thành phố của Trung Quốc bị ô nhiễm do các doanh nghiệp xả nước thải sâu dưới lòng đất. Và một nhà hoạt động công ích đã lập “Bản đồ làng ung thư ở Trung Quốc”. Do ô nhiễm, đã có hàng ngàn ngôi làng ung thư [như vậy] trên cả nước, ông Triệu cho biết.
“Môi trường hiện tại của Trung Quốc đang như thế nào?” ông Triệu hỏi. “Hệ thống đánh giá cuối cùng nằm trong tay của chính quyền.”
Ông chỉ ra rằng: “Sau khi ông Tập Cận Bình chủ trương sông xanh, núi xanh, các chính quyền địa phương vẫn chưa thể làm cho núi xanh trở lại. Kết quả là những cây xanh làm từ nhựa được rải từ trên đỉnh núi, từng lớp từng lớp, núi trọc trở thành núi xanh nhân tạo, và nhiều nơi có những ngọn núi ‘xanh’ đã được phun bằng mực xanh và sơn xanh.”
Bản tin có sự đóng góp của Lý Vân và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times