Số lượng lớn các tấm quang điện thải ra ở Trung Quốc làm tăng lo ngại về chi phí tái chế cao, ô nhiễm môi trường
Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức tái chế và căng thẳng về môi trường do số lượng lớn các tấm pin quang năng đã hết tuổi thọ gây ra sau một thập niên mở rộng ngành công nghiệp quang điện (PV) nhanh chóng.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã gấp rút tăng cường sản xuất PV và bỏ qua việc tuân thủ không đồng đều các tiêu chuẩn công nghệ. Ông Phương Kỳ (Fang Qi), một nhà tư vấn đầu tư sống ở Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times hôm 04/04 rằng, hiện tượng này dẫn đến kết quả là một số lượng lớn các tấm quang năng sẽ bị loại bỏ trước dự kiến.
Ông Phương cho biết việc tái chế các tấm quang năng đã trở thành một vấn đề ngày càng cấp bách ở Trung Quốc, đồng thời cho biết tỷ lệ loại bỏ các tấm pin quang năng đã chạm tới mức khoảng 30% mỗi năm.
Hôm 17/03, tại Diễn đàn PV Quảng Đông lần thứ Mười, bà Lưu Lê Mẫn (Liu Limin), phó thư ký ủy ban chuyên trách về PV của Liên minh ECOPV Trung Quốc cho biết, đến năm 2030, lượng chất thải mô-đun PV của Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt khoảng 18 GW và 1.4 triệu tấn, trong khi đến năm 2040, con số này sẽ tăng vọt lên 253 GW, “khoảng 20 triệu tấn.”
Thời điểm đó sớm hơn dự báo trước đây của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) một thập niên. Cơ quan này đã ước tính rằng khối lượng chất thải các tấm quang năng của Trung Quốc sẽ đạt 20 triệu tấn vào năm 2050.
Hồi tháng 05/2022, ông Giang Hoa (Jiang Hua), trợ lý tổng thư ký của CPIA, nói với Xinhuanet, một hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, rằng công suất PV được lắp đặt của Trung Quốc lần đầu tiên đạt mức GW vào năm 2011. Dựa trên tuổi thọ 20 năm của các mô-đun PV, thì sẽ có một số lượng lớn các mô-đun bị loại bỏ vào năm 2031. Tuy nhiên, trên thực tế, việc loại bỏ hàng loạt các tấm pin diễn ra sớm hơn dự kiến.
Theo bà Lưu, sản xuất và sử dụng các mô-đun PV của Trung Quốc chiếm hơn 70% sản lượng của thế giới. Do đó, một khi các mô-đun PV đó bị loại bỏ, thì việc xử lý chất thải bằng cách chôn lấp, đốt, và phân hủy tự nhiên chắc chắn sẽ hủy hoại môi trường.
Một thông báo do Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc (CPIA) đưa ra vào đầu tháng Ba chỉ ra rằng một nhóm công tác tái chế, nhằm đối phó với các mô-đun PV thải, đang được khai triển.
Chi phí tái chế các tấm PV cao
Tái chế tấm PV ở Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề về chi phí cao và doanh thu thấp.
Theo một tiêu chuẩn chính thức để tái chế các tấm PV thải ra được công bố vào tháng 08/2022, về thành phần của mô đun PV, thủy tinh chiếm 70% trọng lượng của tấm pin này; khung nhôm chiếm 10%, chất kết dính keo 10%, silicon 5%, các kim loại như bạc, đồng, và gali chiếm khoảng 1%.
Các tấm PV thường được thiết kế bằng cách kẹp mô-đun PV giữa phần đĩa nền và nắp kính sau đó được cố định bằng khung nhôm. Thiết kế này làm cho các tấm quang năng bị loại khó tháo rời. Phần lớn công việc tái chế dừng lại ở việc loại bỏ khung nhôm và hộp nối điện, phần còn lại thường được cắt nhỏ và bán dưới dạng viên hoặc kính vỡ có giá trị thấp.
Kim loại có giá trị lên tới 2/3 vật liệu của tấm PV nhưng tốn nhiều chi phí hơn để tái chế.
Vào tháng 05/2022, ông Hà Song Toàn (He Shuangquan), Giám đốc điều hành của Suntech Power, một nhà sản xuất PV nổi tiếng của Trung Quốc tại thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô ven biển phía đông, nói với Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc: “Việc tái chế các tấm quang năng là một thách thức do chi phí hậu cần cao, công nghệ tái chế chưa hoàn thiện, mức tiêu thụ đầu tư cao, độ tinh khiết của vật liệu tái chế thấp, và thực tế là vẫn chưa hình thành được một quy mô.”
Ông Hà đã chỉ ra trước đó trong một bài báo rằng giá trị của các kim loại như nhôm và bạc có thể được chiết xuất từ một mô-đun PV bị loại là khoảng 56.5 nhân dân tệ (khoảng 8.20 USD). Việc tái chế mỗi mô-đun tốn khoảng 75 nhân dân tệ (khoảng 11 USD). Vì vậy, nếu hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì doanh nghiệp khó tồn tại.
Tổng giám đốc của một công ty tái chế PV ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô đã tiết lộ rằng, tổng doanh thu được tạo ra từ việc tái chế một mô-đun PV phiên bản 60 thịnh hành là 63 nhân dân tệ (khoảng 9.2 USD). Ngược lại, chi phí tái chế của mỗi mô-đun là khoảng 69 nhân dân tệ (10 USD), theo một báo cáo từ truyền thông Trung Quốc.
Theo ông Phương Kỳ, hầu hết năng lực sản xuất quang điện của Trung Quốc nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân lớn, nhưng họ hầu như không muốn bận tâm đến việc tái chế, “Do đó, các vật liệu quang điện thải được ký hợp đồng phụ theo từng lớp và cuối cùng được chuyển giao qua một số xưởng nhỏ ở nông thôn gia công đơn giản như bẻ, tháo nhựa, khung nhôm thủ công để bán lấy tiền.”
Bên cạnh chi phí tái chế cao, phí bảo vệ môi trường đang là gánh nặng đối với các nhà máy. “Bản thân các nhà sản xuất Trung Quốc có lợi nhuận ít ỏi; nếu quý vị [chính quyền địa phương] tính thêm cái gọi là chi phí bảo vệ môi trường, thì các doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa.”
Ông Phương cho biết, một số chính quyền địa phương có thể trợ cấp cho các nhà máy để khuyến khích xử lý chất thải, nhưng nhiều nhà máy chỉ đơn giản chấp nhận các khoản trợ cấp, bỏ qua các khó khăn về công nghệ tái chế sang một bên.
Các chất độc hại từ các tấm PV thải gây ô nhiễm
Do thiếu công nghệ có thể tái chế các tấm pin mặt trời bị loại bỏ một cách phù hợp, hầu hết các phương pháp xử lý là đốt, chất đống, hoặc chôn lấp chất thải tại chỗ. Nhiều “làng rác” được đưa tin trên truyền thông Trung Quốc đã từng hoặc vẫn đang tiến hành tái chế các tấm quang điện đã qua sử dụng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times