Kính viễn vọng Không gian Hubble phát hiện một ngoại hành tinh cách Trái Đất chỉ 22 năm ánh sáng
Các nhà khoa học phát hiện ra một ngoại hành tinh có kích thước bằng Trái Đất. Đường kính của nó lớn gấp Trái Đất 1.07 lần. Hành tinh này chỉ cách Trái Đất 22 năm ánh sáng. Hiện tại, đây là ngoại hành tinh có kích thước bằng Trái Đất và ở gần Trái Đất nhất. Nhưng nhiệt độ bề mặt hành tinh này quá cao, không thích hợp để con người có thể sinh tồn.
Ngày 16/11/2023, cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết, vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh (Transiting Exoplanet Survey Satellite) của cơ quan này đã phát hiện ra một hành tinh có tên LTT 1445Ac vào năm 2022. Tuy nhiên, độ phân giải quang học của vệ tinh này không đủ để xác định mặt phẳng quỹ đạo của hành tinh này trông như thế nào so với hằng tinh mẹ của nó. Điều này dẫn đến việc không thể tính toán chính xác đường kính của hành tinh này.
May mắn thay, khả năng quan trắc của kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA có thể bù đắp thiếu sót này. Các nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng Không gian Hubble để đo đường kính của LTT 1445Ac.
Các quan trắc từ kính viễn vọng Không gian Hubble cho thấy, hành tinh LTT 1445Ac thực hiện một chuyển động quá cảnh (chỉ việc hành tinh đi ngang qua phần giữa Trái Đất và hằng tinh) bình thường, hoàn toàn vượt ngang hằng tinh mẹ của nó. Đây là một hành tinh đất đá giống như Trái Đất. Đường kính của nó gấp Trái Đất 1.07 lần và khá giống Trái Đất. Trọng lực ở bề mặt của nó khả năng cũng tương tự Trái Đất.
Tuy nhiên, nhiệt độ bề mặt của LTT 1445Ac cao tới khoảng 260 độ C. Đối với sự sống được biết đến hiện nay, nhiệt độ như vậy là quá cao và không thích hợp để sinh tồn.
Hằng tinh mẹ của LTT 1445Ac được gọi là LTT 1445A. Hằng tinh này có hai hành tinh khác quay quanh nó và cả hai đều có kích thước lớn hơn LTT 1445Ac.
LTT 1445A là một hằng tinh trong hệ ba sao do ba ngôi sao lùn đỏ tổ hợp thành. Hệ thống ba sao này nằm trong chòm sao Ba Giang, cách Trái Đất 22 năm ánh sáng. Hai sao lùn đỏ còn lại là LTT 1445B và LTT 1445C, cách LTT 1445A khoảng 4,7 tỷ km.
Các quan trắc của kính viễn vọng Không gian Hubble cũng cho thấy, tất cả các hằng tinh và hành tinh trong hệ ba sao này đều nằm trên cùng một mặt phẳng.
Bà Emily Pass, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Massachusetts, Hoa Kỳ, cho biết việc các hành tinh quá cảnh khiến các nhà khoa học cảm thấy phấn khích. Bởi vì họ có thể mô tả đặc điểm bầu khí quyển của các hành tinh này thông qua phân tích quang phổ bằng kính viễn vọng Không gian Hubble hoặc kính viễn vọng Không gian James Webb.
Bà Pass nói: “Phép đo của chúng tôi rất quan trọng, vì nó cho chúng tôi biết rằng đây có thể là một hành tinh đất đá rất gần. Chúng tôi mong đợi những quan trắc tiếp theo sẽ giúp hiểu rõ hơn về tính đa dạng của các hành tinh xung quanh các hằng tinh khác.”
Bà Laura Kreidberg, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Thiên văn học Max Planck ở Đức, người chưa từng tham gia vào nghiên cứu này, bổ sung thêm rằng, kính viễn vọng Không gian Hubble tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc mô tả đặc điểm bầu khí quyển của các hành tinh.