Kính viễn vọng Hubble chụp lại bức ảnh nghi ngờ là cuộc chạm trán giữa các thiên hà
Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đã quan trắc thấy một thiên hà xoắn ốc nhưng không giống thiên hà xoắn ốc vì hình dáng của nó bị biến dạng. Có thể nó đang tương tác hấp dẫn với một thiên hà khác.
Hôm 01/02, NASA đã công bố hình ảnh thiên hà xoắn ốc UGC 3912 được chụp bởi Kính viễn vọng không gian Hubble. Mặc dù UGC 3912 được phân loại là một thiên hà xoắn ốc, nhưng từ hình ảnh này cho thấy nó lại không giống một thiên hà xoắn ốc, vì hình dạng của nó đã bị biến dạng.
NASA chỉ ra rằng, hình dạng xoắn của UGC 3912 thông thường mang nghĩa là nó đang tương tác hấp dẫn với một thiên hà khác. Khi các thiên hà tương tác với nhau, dù chỉ lướt qua trường hấp dẫn của nhau hoặc va chạm với nhau, các hằng tinh, bụi và khí của chúng có thể sẽ đi theo những đường mới.
UGC 3912 có thể từng là một thiên hà xoắn ốc có kết cấu rõ ràng, nhưng giờ đây nó trông như bị biến dạng bởi một ngón tay cái khổng lồ.
May mắn thay, khi các thiên hà tương tác với nhau, mặc dù quỹ đạo của từng hằng tinh và vật thể quay quanh chúng sẽ thay đổi đáng kể, khiến hình dạng của toàn bộ thiên hà thay đổi, nhưng bản thân các hằng tinh và vật thể sẽ không thay đổi. Điều này là do khoảng cách giữa các hằng tinh trong thiên hà quá lớn nên không thể va chạm với nhau và sẽ chỉ di chuyển theo những quỹ đạo mới.
Các nhà thiên văn học quan sát UGC 3912 như một phần trong nghiên cứu về siêu tân tinh (sao siêu mới) của họ. Siêu tân tinh là chỉ vụ nổ của một hằng tinh lớn hơn Mặt trời ít nhất 8 lần vào cuối con đường sinh mệnh của nó.
Các nhà thiên văn học đang sử dụng Kính viễn vọng không gian Hubble để quan trắc một loại siêu tân tinh, được gọi là siêu tân tinh loại II. Mặc dù các nhà thiên văn học đã quan sát thấy một số lượng lớn siêu tân tinh loại II, nhưng vẫn chưa hiểu rõ tính đa dạng cao về độ sáng và quang phổ của chúng.
Hôm 31/01, NASA cũng đã công bố những hình ảnh về thiên hà xoắn ốc NGC 5427 do Kính viễn vọng không gian Hubble chụp được. Đây cũng là một thiên hà bị biến dạng do tương tác.
NASA cho biết, NGC 5427 cùng thiên hà xoắn ốc NGC 5426 tương tác với nó được gọi chung là Arp 271. NGC 5426 nằm bên dưới NGC 5427 và không thể nhìn thấy trong hình ảnh này. Nhưng tương tác hấp dẫn giữa chúng có thể được nhìn thấy ở sự biến dạng của thiên hà và cầu nối của các ngôi sao (bridge of star) ở góc dưới bên phải bức ảnh.
Các nhà thiên văn học vẫn chưa xác định được liệu hai thiên hà này cuối cùng có va chạm và hợp nhất hay không, nhưng tương tác hấp dẫn giữa chúng đã xuất sinh rất nhiều ngôi sao mới. Những hằng tinh trẻ này có thể được nhìn thấy trong cây cầu sao mờ nối giữa hai thiên hà. Một cây cầu sao như vậy sẽ cung cấp một kênh giúp hai thiên hà có thể tiếp tục chia sẻ khí và bụi để hình thành các ngôi sao mới.
Các nhà thiên văn học tin rằng, Arp 271 có thể đóng vai trò là bản kế hoạch diễn hóa cho các tương tác trong tương lai giữa Hệ Ngân hà và thiên hà Tiên Nữ bên cạnh. Hệ Ngân hà và thiên hà Tiên Nữ được dự đoán sẽ va chạm vào nhau trong khoảng bốn tỷ năm nữa.
Nói về những cây cầu sao, hôm 25/01, NASA cũng đã công bố bức ảnh về tổ hợp thiên hà, trong đó có một cây cầu sao mờ dài đến 250,000 năm ánh sáng.
Tổ hợp thiên hà này được đặt tên là Arp 295. Nó bao gồm ba thiên hà xoắn ốc nằm theo hướng Bảo Bình, đó là Arp 295a, Arp 295b và Arp 295c.
Arp 295a nằm ở trung tâm của bức ảnh này, mặt cạnh của nó quay về phía chúng ta. Arp 295c là một thiên hà nhỏ màu xanh lam ở bên phải, đối diện trực diện với chúng ta. Còn Arp 295b nằm lệch về bên trái và không thể nhìn thấy trong bức ảnh.