Kính thiên văn Webb phát hiện siêu tân tinh như ‘Con mắt của Sauron’
Siêu tân tinh mới được phát hiện trông giống như “Con mắt của Sauron” (Eye of Sauron) trong bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, nhưng quả cầu nhỏ màu xanh tím ở trung tâm bức ảnh thực ra là một ngôi sao neutron siêu dày đặc được bao quanh bởi các mảnh vụn hằng tinh. Hình ảnh này là sự kết hợp của Kính viễn vọng không gian James Webb và Kính viễn vọng không gian Hubble, cho thấy một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện ra một ngôi sao neutron nhỏ ẩn bên trong một siêu tân tinh cực đại. Siêu tân tinh này đã phát nổ cách đây 37 năm, nhưng những gì ẩn giấu ở trung tâm của nó vẫn luôn là một bí ẩn.
Siêu tân tinh đã tạc nổ này được đặt tên là Supernova 1987A. Đây là siêu tân tinh được nghiên cứu nhiều nhất và sáng nhất trong 400 năm qua. Phải mất vài tháng nó mới mờ đi và thậm chí chúng ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Khi một hằng tinh nặng gấp 8 đến 10 lần Mặt Trời sụp đổ, một vụ tạc nổ ngoạn mục sẽ xảy ra, từ đó tạo thành siêu tân tinh. Lõi sụp đổ thường trở thành một ngôi sao neutron nhỏ hơn (được tạo thành từ vật chất đậm đặc nhất trong vũ trụ) hoặc lỗ đen.
Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu cho thấy sao neutron có thể đã hình thành, chưa có thiên .thể đặc nào được phát hiện trước đó trong Siêu tân tinh 1987A. Dấu hiệu quan trọng nhất là neutrino đã được phát hiện trên Trái Đất một ngày trước vụ nổ vào ngày 23/02/1987.
Đám mây bụi cực đại đã chặn ánh sáng khả kiến từ trung tâm của nó, gây ra vấn đề lớn nhất trong việc nghiên cứu siêu tân tinh này.
Nghiên cứu mới được công bố ngày 22/02 trên tập san “Khoa học” (Science) cho biết cuối cùng các nhà thiên văn học đã có thể nhìn xuyên qua đám mây bụi bằng cách quan sát nó ở bước sóng hồng ngoại. Thông qua việc sử dụng kính thiên văn Webb, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các nguyên tử argon và lưu huỳnh nặng gần vị trí xảy ra siêu tân tinh. Các electron bên ngoài của chúng đã bị ion hóa.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hiệu ứng này chỉ có thể xảy ra do sao neutron. Quá trình ion hóa xảy ra khi hằng tinh quay nhanh và kéo theo các hạt xung quanh nó, hoặc thông qua bức xạ tia cực tím và tia X khi hằng tinh nguội đi (từ nhiệt độ cao tới 100 tỷ xuống 1 triệu độ C).