Kiến trúc Trung Hoa, một vũ trụ thu nhỏ
Những kiến trúc chọc trời hiện đại kiêu hãnh tuyên bố sự ưu việt của nó so với nhân loại nhỏ bé chúng ta. Kiến trúc này không kết nối chúng ta với thiên đường, mà dường như nó muốn tuyên chiến với thiên thượng.
Trải qua hàng ngàn năm, dân tộc Trung Hoa đã phát triển phong cách kiến trúc của riêng mình. Dựa trên các nguyên lý của Đạo giáo và Phật giáo, nó phản ánh trí huệ của người Trung Hoa về mối liên hệ mật thiết giữa trời, đất và con người. Nhật Bản, Đại Hàn và hầu hết các nước Á Châu đã sao chép phong cách kiến trúc này cho các công trình của họ.
Sự hài hòa giữa Thiên và Địa
“Kinh Dịch: Cuốn sách của những quy luật biến đổi” và nhiều cuốn sách khác viết rằng người xưa hành xử theo quy luật của trời, đất, thiên nhiên và thời gian trong năm. Triết lý của Đạo giáo dựa trên sự cân bằng, mà từ đó sinh ra thiên, địa, nhân.
Nho giáo gắn liền với nguyên tắc hài hòa giữa trời và đất. Tự nhiên là một đại vũ trụ và con người là một tiểu vũ trụ. Là một mô hình thu nhỏ của tự nhiên, một người cần phải sống và hành động theo quy luật của tự nhiên và vũ trụ.
Quan điểm truyền thống này được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực trong đời sống của dân tộc Trung Hoa, bao gồm cả kiến trúc. Quan trọng hơn cả vị trí và công dụng thiết thực của nó, một công trình phải hài hòa với tự nhiên từ trong ra ngoài.
Các kiến trúc sư Trung Hoa cổ đưa các yếu tố của vũ trụ vào trong mọi công trình kiến trúc. Từ các hang động thô sơ và các tòa nhà đơn giản cho đến những công trình phức tạp, người ta luôn tìm thấy các yếu tố của vũ trụ được lồng ghép trong kiến trúc Trung Hoa. Một cách rất thiết thực, kiến trúc là một mô hình thu nhỏ của vũ trụ.
Hướng của la bàn
Tất cả các công trình kiến trúc Trung Hoa đều sử dụng la bàn để định hướng đông tây nam bắc. Các kiến trúc sư sử dụng những biểu đồ mà các nhà thiên văn học đã chuẩn bị trước. Không giống như các bản đồ ngày nay, trong bản đồ cổ, phía nam ở trên, phía bắc ở dưới, phía tây bên phải và phía đông bên trái.
Dựa trên vị trí địa lý của Trung Hoa là ở Bắc bán cầu, người Trung Hoa tin rằng khí hậu dễ chịu, tức là đông ấm hạ mát của phía Nam, đến từ thiên đường. Do vậy, phía nam là hướng của tất cả các công trình.
Về tổng thể, kiến trúc sư thiết kế các bức tường ngăn cách ở phía bắc, phía tây, phía đông và lối vào đối diện với phía nam. Điều này giúp ngăn ngừa các kiểu thời tiết gây ảnh hưởng đến nhiệt độ trong nhà như gió bắc hoặc các điều kiện thời tiết bất lợi khác.
Để bảo vệ ngôi nhà khỏi các thảm họa thời tiết, tứ linh được đặt trên nóc nhà, như những linh vật bảo vệ của bốn phương. Huyền vũ được đặt ở phía bắc, chu tước ở phía nam, bạch hổ ở phía tây và thanh long ở phía đông.
Ngói lợp
Những viên ngói đầu tiên được làm bằng đất sét có niên đại khoảng 3,000 năm trước. Về sau, một hỗn hợp gồm cỏ hoàng lan (ngọc lan tây), đất sét và đá vụn được dùng để phủ lên các mái nhà. Rồi sau đó, ngói được gia cường bằng cách tráng men và chất làm bóng với nhiều sắc độ màu sắc khác nhau.
Các mái ngói được liên kết với nhau bằng đinh và thường được trang trí với các họa tiết động vật hoặc thực vật với ý nghĩa bảo vệ khỏi các thảm họa tự nhiên.
Các thiết kế đặc biệt được dành riêng cho nơi ở của hoàng đế, như mái ngói hoàng lưu ly với sắc vàng rực rỡ mà ngày nay vẫn có thể nhìn thấy trên các công trình trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Hay như mái ngói bích lưu ly trên đền Thiên Đàn ở Bắc Kinh với màu xanh dương.
Gỗ: Vật liệu xây dựng chính
Gỗ là vật liệu xây dựng chính được sử dụng bởi các kiến trúc sư Trung Hoa. Gỗ có thể được khai thác dễ dàng từ nhiều khu rừng ở Trung Quốc. Gỗ là một vật liệu xây dựng tự nhiên được ưa chuộng bởi nó tỏa ra một mùi thơm dễ chịu trong nhà. Ngoài ra, thớ gỗ và độ bóng của nó mang lại một bầu không khí tự nhiên cho ngôi nhà. Đối với các kiến trúc sư, gỗ là một vật liệu xây dựng sống, có thể thở, hấp thụ và chống ẩm. Nhưng nó cũng có nhược điểm là dễ bắt lửa.
Hệ khung
Các kiến trúc sư Trung Hoa thường sử dụng hệ khung để xây nhà, vì nó mang lại nhiều lợi ích cho người xây dựng. Trái ngược với cấu trúc đặc chắc (bằng đá), hệ khung ngôi nhà gồm có dầm và cột để chịu tải trọng ở một số vị trí nhất định. Phương pháp xây dựng này cho phép thiết kế các không gian có phòng rộng và mở.
Hàn Mặc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times