Khuyến nghị sàng lọc rối loạn lo âu cho tất cả người lớn dưới 65 tuổi
Mới đây, một nhóm các chuyên gia y tế độc lập khuyến nghị nên sàng lọc chứng rối loạn lo âu cho những người trưởng thành từ 19 đến 64 tuổi. Đề xuất dựa trên bằng chứng mới này của họ được đăng trên Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA). Và lần đầu tiên Lực lượng đặc nhiệm Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) đề xuất sàng lọc chứng rối loạn lo âu cho người trưởng thành, bao gồm cả phụ nữ có thai và sau sinh.
Bước tiến mới này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong hiểu biết và công nhận chứng rối loạn lo âu là một mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. Khuyến nghị này có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch bảo hiểm và hướng dẫn cho các quyết định của bác sĩ. Phạm vi bảo hiểm có vai trò đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm sàng lọc và điều trị sau đó. Việc đưa các sàng lọc về chứng rối loạn lo âu vào phạm vi bảo hiểm có thể tạo điều kiện chẩn đoán và can thiệp kịp thời cho những người có thể đang bị lo lắng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có sự tăng đáng kể trong các triệu chứng liên quan đến rối loạn lo âu và trầm cảm ở người trưởng thành từ tháng 08/2020 đến tháng 02/2021 do đại dịch COVID-19. Sự gia tăng rõ rệt nhất được quan sát thấy ở những người từ 18 đến 29 tuổi. Một phân tích gần đây hơn của Cuộc Khảo sát Nhịp tim Gia đình của Cục điều tra Dân số cho thấy vào năm 2023, một nửa người trưởng thành từ 18 đến 24 tuổi đã báo cáo về các triệu chứng lo âu và trầm cảm, so với khoảng 1/3 số người trưởng thành nói chung. Nhìn chung, ước tính có khoảng 31.1% người trưởng thành Hoa Kỳ sẽ bị rối loạn lo âu vào thời điểm nào đó trong đời.
Các rối loạn lo âu biểu hiện qua sự lo lắng dai dẳng và quá mức về các hoạt động hoặc sự kiện và có xu hướng tránh một số tình huống. Các triệu chứng thể chất có thể bao gồm đổ mồ hôi, run rẩy, và nhịp tim nhanh. Sự sợ hãi kinh niên này có thể dẫn đến buồn phiền và suy yếu đáng kể trong hoạt động hàng ngày.
Các khuyến nghị sàng lọc lo âu cũng có thể trợ giúp các bác sĩ xác định các bệnh nhân cần được điều trị cho cả chứng lo âu và trầm cảm. Mặc dù hai bệnh lý này là khác nhau, nhưng thường biểu hiện cùng lúc ở người bệnh, vì vậy cần phải chăm sóc toàn diện.
Theo mẫu nghiên cứu được đề cập trong ấn phẩm của tập san JAMA, người ta quan sát thấy chứng rối loạn lo âu và trầm cảm thường đi đôi với nhau, trong đó 67% người bị rối loạn trầm cảm cũng có biểu hiện rối loạn lo âu. Hơn nữa, nghiên cứu phát hiện 75% người bị rối loạn trầm cảm có đi kèm với chứng rối loạn lo âu suốt đời.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Gallup, trầm cảm đang gia tăng đều đặn ở Hoa Kỳ. Đáng chú ý là các trường hợp trầm cảm đã có sự gia tăng đáng kể trong đại dịch COVID-19. Báo cáo này nhấn mạnh rằng gần 29% người trưởng thành cho biết họ được chẩn đoán bị trầm cảm vào thời điểm nào đó trong đời, tăng gần 10% so với con số năm 2015.
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), công cụ chẩn đoán này được công bố bởi Hiệp Hội Tâm thần Hoa Kỳ, công nhận nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau thường gặp ở người trưởng thành, bao gồm rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ, chứng sợ khoảng trống, rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt, rối loạn lo âu do chất/thuốc, và rối loạn lo âu do một tình trạng bệnh lý khác.
Quá trình sàng lọc diễn ra như thế nào?
Lực lượng đặc nhiệm khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng bộ câu hỏi và thang điểm để kiểm tra chứng rối loạn lo âu cho người trưởng thành. Những công cụ sàng lọc này liên quan đến các câu hỏi về tâm trạng, cảm giác, và mức độ tập trung trong các hoạt động hàng ngày.
Nếu các bài kiểm tra cho thấy các triệu chứng rối loạn lo âu, thì sẽ khuyến nghị đánh giá lâm sàng để xác nhận mức độ trầm trọng của các triệu chứng và xác định thêm bất kỳ mối lo ngại nào về tâm lý. Hơn nữa, bệnh nhân nên được chăm sóc theo dõi thích hợp.
Mặt khác, cần phải cân nhắc các tác hại tiềm ẩn liên quan đến việc sàng lọc, chẳng hạn như dương tính giả, có thể dẫn đến các cuộc hẹn và điều trị không cần thiết. Ngoài ra, kỳ thị và hiểu sai có thể là các hậu quả tiêu cực tiềm ẩn.
Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm khẳng định rằng hầu hết những người được sàng lọc và chăm sóc thích hợp có thể giảm các triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm một cách hiệu quả.
Trong một bài viết đi kèm với khuyến nghị mới, Tiến sĩ Murray Stein và Tiến sĩ Linda Hill từ Đại học California đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá lâm sàng đối với ý định tự tử sau khi có kết quả sàng lọc dương tính với chứng lo âu. Tuy nhiên, khía cạnh này không được đề cập rõ ràng trong Tuyên bố Khuyến nghị của USPSTF. Theo họ, việc áp dụng các khuyến nghị sàng lọc mới này sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác và là cơ hội để các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu có cơ sở hơn để tin tưởng vào chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu. Để làm được việc này, có khả năng cần đào tạo thêm [cho các bác sĩ].
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times