Khoa học thời cổ đại: Đá đổ chuông báo thức, ‘sứ giả bóng gỗ’ thần kỳ
“Đá” đổ chuông đều đặn
Vào thời Vạn Lịch của nhà Minh (1573-1620), một người dân ở Quý Khê (nay là thành phố Quý Khê, tỉnh Giang Tây) đang đào ruộng thì phát hiện tàn tích của tường thành cổ. Người này thuận tay đào lên thì thấy có một viên đá rất đẹp và đáng yêu, liền lấy về làm đồ chơi cho các con của mình. Qua vài ngày, gia đình anh phát hiện ra điều kỳ lạ của viên đá này: cứ mỗi trưa và nửa đêm (23 giờ đến 1 giờ sáng), viên đá lại phát ra tiếng “leng keng”. Thấy rất kỳ quái, anh liền đặt nó lên điện thờ nhà mình.
Một ngày nọ, một quan văn địa phương tên là Diệp Tân đến nhà anh, quan văn là một chức quan cấp thấp từ Bát phẩm trở xuống, phụ trách các vấn đề trường học địa phương. Hóa ra Diệp Tân đã nghe về chuyện kỳ lạ này nên đã đến xem viên đá. Diệp Tân cầm viên đá trong tay, lăn qua lộn lại ngắm nghía hồi lâu, nhưng không thể tìm ra đầu mối, cuối cùng dứt khoát đập vỡ nó. Sau khi đập vỡ, mới nhìn ra bên trong có rất nhiều linh kiện nhỏ và máy móc, hóa ra đây hoàn toàn không phải đá mà là một vật dụng nhân tạo. Càng kinh ngạc hơn nữa, bên trong có một hàng chữ: “Toái Diệp Tân Thủ” (vỡ trong tay Diệp Tân). Hóa ra người làm ra vật này còn là một người có thể đoán trước được tương lai, biết rằng thứ mình làm ra sẽ bị phá vỡ bởi một người tên là Diệp Tân. Có người còn suy đoán: đây là Định Canh Thạch do Gia Cát Vũ Hầu làm ra.
Sau khi đọc xong bản ghi chép về câu chuyện này, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng: Đây chẳng phải là một chiếc đồng hồ báo thức sao? Cứ mỗi trưa và tối nó lại đổ chuông đều đặn. Thế nhưng tại sao không ai nghe thấy âm thanh này trước khi nó được đào lên khỏi lòng đất? Lẽ nào là vì không có nguồn năng lượng, sau khi đào lên, do có thiết bị đĩa tự động đã truyền động lực cho lò xo (đồng hồ cơ cao cấp hiện đại cũng tự động lên dây theo nguyên tắc này); hay là do có thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời nên khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì điện năng mới được tạo ra; hay là do nguyên lý khác? Ở Trung Quốc cổ đại, quả thực có rất nhiều điều kỳ diệu vượt xa sự hiểu biết của con người hiện đại.
Càng vi diệu hơn là, bên trong có bốn chữ “Toái Diệp Tân Thủ”, cho thấy người chế tạo ra nó cũng là một nhà tiên tri thần kỳ. Khoa học phương Tây đã phát triển hàng mấy trăm năm, nhưng hiếm khi nghe nói về một khoa học gia hay kỹ sư nào đó đồng thời cũng là một nhà tiên tri có năng lực tiên đoán thần kỳ. Người chế tạo “viên đá” này ít nhất đã vượt xa năng lực dự đoán bình thường, đồng thời còn là một nghệ nhân lành nghề.
Trung Quốc cổ đại hẳn là đã đi theo con đường phát triển khoa học khác với phương Tây hiện đại, rất có thể là thông qua khai phát siêu năng lực, sau đó lại sử dụng siêu năng lực để thăm dò và thu hoạch kiến thức công nghệ. Ví như các đại sư Trung y vào thời cổ đại thông qua nhập định để quan sát nhân thể và biết được sự tồn tại của kinh lạc. Kỳ thực, khoa học phương Tây vẫn còn nhiều hạn chế, nhận thức sự vật phải dựa vào các giả thuyết, suy đoán khác nhau, rồi làm thí nghiệm để kiểm chứng. Bởi vậy, chúng ta nên nhận thức sự vật với một tâm thái cởi mở hơn, phá trừ sự mê tín đối với khoa học phương Tây.
“Sứ giả bóng gỗ” thần kỳ
Vào thời Minh Vũ Tông, ở bên Tây Hồ có một tăng nhân tên là “Bản Am Đại Giác thiền sư,” là một vị Thần sư. Tá Quốc Tự do ông xây dựng vô cùng tráng lệ, tiêu tốn hàng trăm nghìn lạng bạc. Số tiền này có được đều là do ông giao cho “Sứ giả bóng gỗ” đi hóa duyên khắp nơi.
Sứ giả bóng gỗ “to như cái đấu, tròn như trái bóng,” với những hình vẽ sặc sỡ trên bề mặt. Nó không có cánh, cũng không có chân, nhưng lại có thể “không cánh mà bay, không chân mà chạy.” Khi bay đến những gia đình giàu có, nó nhẹ nhàng chĩa xuống đất, như thể đang khấu đầu. Đối mặt với trái bóng gỗ biết bay thần kỳ này, mọi người đều vui vẻ chào đón và nhanh chóng bố thí. Khi sứ giả bóng gỗ phi hành, ngay cả khu vực cấm của hoàng gia nó cũng có thể tùy ý ra vào, vì vậy được các vị quý tộc bố thí rất nhiều. Tuy nhiên, những vị thái giám canh giữ các khu vực cấm này lại không biết sứ giả bóng gỗ đã đến bằng cách nào. Theo quan điểm khoa học hiện đại, có thể nói rằng “sứ giả bóng gỗ” này bay không phát tiếng động, hơn nữa có thể nhận dạng con người, tránh lính canh và tự động đi đến chỗ các quý tộc ăn mặc sang trọng để nhận bố thí.
Sau khi thiền sư viên tịch, thì sứ giả bóng gỗ cũng ngừng chuyển động, nó chỉ giống như một khúc gỗ chết. Các nhà sư để nó trên một chiếc chiếu dày và đặt trong chùa, rất nhiều người tò mò đã đến để được tận mắt chứng kiến.
Trong lịch sử Trung Quốc, Sứ giả bóng gỗ không phải chỉ có một. Nạp Lan Tính Đức là một văn nhân thời nhà Thanh. Trong “Lục thủy đình tạp thức” – quyển một, ông viết: “Công Đức Tự có sứ giả bóng gỗ, chuyện về nó gần như kỳ lạ. ‘Du hoạn kỷ văn’ của Trương Thế Nam đời Tống ghi rằng: Nghĩa Tồn, một tăng nhân ở Tuyết Phong Tự… được phong là Chân Giác thiền sư. Trong chùa có trái bóng gỗ, tương truyền nó chịu sự sai khiến của Chân Giác, hô bộc mời khách, trái bóng này đều tự động làm.”
“Sứ giả bóng gỗ” được đề cập ở trên và “Sứ giả bóng gỗ” được Nạp Lan Tính Đức viết đến là cùng một loại đồ vật, chúng đều là những trái cầu thần kỳ làm bằng gỗ mà con người có thể sai khiến. Trong đó, trái bóng gỗ của Chân Giác thiền sư thời nhà Tống không đi hóa duyên mà là “hô bộc mời khách,” có lẽ là nó có khả năng đối thoại tự động. Theo ghi chép cổ xưa, loại sứ giả bóng gỗ này ít nhất đã từng xuất hiện vào các triều đại Tống, Minh và Thanh, hơn nữa đều xuất hiện trong các ngôi chùa để các cao tăng sai khiến, sau khi các cao tăng viên tịch thì cũng thất truyền. Có thể xác định, ở Trung Quốc cổ đại có một con đường khoa học kỹ thuật hoàn toàn khác với khoa học hiện đại, và con đường khoa học kỹ thuật cổ đại này rất có thể có mối liên quan trực tiếp với tu luyện.