Kỹ thuật chống tiền giả tiên tiến thời Trung Quốc cổ đại
Trong lịch sử, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng tiền giấy. Tờ tiền giấy mang ý nghĩa chân chính đầu tiên xuất hiện vào năm Thiệu Hưng thứ 30 thời Nam Tống (năm 1160), đó là tờ “Hội tử” (Huizi) do triều đình phát hành. Hội có nghĩa là trả tiền. Vào thời điểm đó, triều đình quy định rằng tờ Hội tử và tiền đồng được lưu hành và sử dụng đồng thời.
Sau khi phát hành, tiền giấy đã được người dân đón nhận rộng rãi vì dễ mang theo và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nó cũng thu hút sự chú ý của những người không tuân theo pháp luật. Vậy triều đình lúc đó đã ngăn chặn tiền giả như thế nào?
Tiền giấy thời nhà Tống
Có ba loại dấu hiệu chống tiền giả trên đồng tiền giấy vào thời nhà Tống. Đó là chất giấy, hoa văn và ‘hoa áp’ (chữ ký).
Giấy Tứ Xuyên, chất giấy thượng thừa
Theo “Tống Sử – Thực Hóa Chí Tam” ghi chép, nhà Tống chuyên dùng giấy Tứ Xuyên để in tiền giấy. Giấy Tứ Xuyên được làm từ vỏ cây dó, giấy có màu sáng, trắng và bền. Thời bấy giờ, nó là loại giấy thuộc loại cao cấp, cho nên còn được gọi là “chử chỉ” (giấy dó). Tiền giấy làm từ giấy Tứ Xuyên cũng được gọi là “chử tệ,” “chử khoán.” Để ngăn chặn việc làm giả, triều đình không cho phép người dân mua giấy Tứ Xuyên.
In lồng nhiều màu
Vào thời điểm đó, kỹ thuật in tiền bị nghiêm cấm truyền ra ngoài. Nhà Tống sử dụng các bản in bằng đồng để in tiền giấy. Trên tấm đồng có khắc các dấu hiệu chống giả để việc làm giả trở nên khó khăn hơn.
Một quy trình quan trọng để chống làm giả tiền giấy hiện nay là in lồng nhiều màu. In lồng nhiều màu đã bắt đầu được sử dụng từ thời nhà Tống. Họ sử dụng ba màu đỏ, xanh lam và đen. (Theo “Chử tệ phổ”) Tiền giấy có hình chữ nhật, xung quanh có hoa văn, đồ án trang trí ở giữa phần nhiều là các nhân vật lịch sử, kiến trúc lầu các hoặc một đoạn văn về pháp luật. Các mệnh giá tiền giấy bao gồm 500 văn, 1 quan, 10 quan, 100 quan, v.v.
Kỹ thuật in hình mờ, công thần chống giả
Tiền giấy được in bằng công nghệ giấy hoa. Công nghệ này được phát minh từ thời nhà Đường, phân chia thành hai loại là in hoa sáng và in hoa tối. Phương pháp in hoa sáng tương tự như in hình mờ khi khắc gỗ, dùng các đường chỉ để tạo thành họa tiết hoặc đồ án trên tiền giấy khiến nó nổi bật trên bề mặt tiền. Khi làm giấy, bột giấy ở đây mỏng nên hoa văn sáng bóng và xuất hiện trên giấy. Phương pháp in hoa tối là loại in hình mờ ngày nay được nhiều người biết đến. Kỹ thuật này sử dụng khuôn gỗ hoặc chất liệu khác có họa tiết hoặc đồ án chạm khắc để ấn mạnh lên giấy.
Tiền giấy thời nhà Tống sử dụng kỹ thuật mài hoa (in hoa) đặc biệt. In hoa thông thường là in bột màu trên giấy, in ra hoa có màu sắc, được gọi là “minh hoa.” Còn mài hoa thì không dùng bột màu, mà ấn đồ án trên tấm khắc lên giấy thông qua quá trình mài để tạo thành hoa màu sẫm, còn gọi là “in hình mờ.”
Hình mờ chống giả thời cổ đại vẫn được sử dụng trên tờ tiền giấy hiện đại. Có thể nói nó là một ‘đại công thần’ trong kỹ thuật chống tiền giả.
‘Hoa áp’ giống như chữ ký ngày nay. Nó trông giống chữ Hán nhưng không phải chữ Hán, được in ở bốn góc hoặc phần giữa tờ tiền.
Giấy chất lượng cao cũng như quy trình sản xuất và đồ án phức tạp của tờ tiền giấy thời nhà Tống đã khiến những tên tội phạm khó có thể làm giả chúng.
Tiền giấy thời nhà Minh
Tờ “Đại Minh Bảo Sao” chủ yếu được làm từ vỏ cây dâu tằm
Đến thời nhà Minh, các kỹ thuật chống làm giả tiền giấy đã tăng lên không ít. Vào tháng Ba năm Hồng Vũ thứ tám, Chu Nguyên Chương lấy hệ thống tiền giấy của nhà Nguyên làm gương, hạ lệnh thành lập Bảo sao Đề cử ti, phụ trách hai cục làm giấy và in tiền, sử dụng hai kho sản xuất và phát hành. Vào năm Hồng Vũ thứ chín, tờ tiền “Đại Minh Thông Hành Bảo Sao” đã được in ra.
Nguyên liệu chính của tờ Đại Minh Bảo Sao là giấy làm từ vỏ cây dâu tằm kết hợp với giấy công văn bỏ đi. Tất cả chúng được nghiền thành bột để làm tiền giấy và có màu xanh xám. Giấy làm từ vỏ dâu tằm rất dày, tuy hơi cồng kềnh nhưng rất khó bắt chước.
Vi khắc chống giả
Trên tờ tiền giấy vào thời nhà Minh đã xuất hiện một kỹ thuật thủ công khéo léo – vi khắc (chạm khắc vi mô). Các kỹ sư chạm khắc thường tinh thông hội họa, thư pháp, điêu khắc và các nghệ thuật khác. Họ khắc rất nhiều hoa văn và những câu chuyện lịch sử lớn trên các mẫu tiền giấy.
Do kỹ thuật vô cùng khéo léo và tinh thâm, vậy nên ngay cả khi mẫu được đưa cho người tạo thì cũng rất khó có thể chiểu theo đó mà khắc ra được. Đây là kỹ thuật độc nhất vô nhị vào thời điểm đó.
Ấn chương chống giả
Mặt trước của tờ tiền nhà Minh được đóng hai quan ấn màu đỏ, phân biệt là ấn Đại Minh Bảo Sao và ấn Bảo Sao Đề Cử Ti. Mặt sau tờ tiền cũng có hai ấn tín, một là quan ấn màu đỏ và một là hàng ngang in bằng mực.
Những ấn chương (con dấu) này đều có ám ký chống giả, hơn nữa mực đóng dấu cũng được cho thêm chất liệu đặc biệt. Ấn chương thông thường sử dụng mực chu sa, nhưng trong mực của tiền giấy còn có chì sunfua nên rất khó làm giả.
Nửa dưới mặt trước của tờ “Đại Minh Bảo Sao” có in quy định pháp luật, trong đó nêu rõ tiền giấy và tiền đồng có thể sử dụng đồng thời, kẻ làm giả sẽ bị tử hình. Nếu phát hiện được kẻ làm giả, sau khi xác nhận, người báo cáo sẽ được triều đình ban thưởng. Ngoài ra, mép trước của tờ tiền còn được in số serial.
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ