Khóa học dành cho cha mẹ (P.2): Hai nguyên tắc then chốt để trở thành cha mẹ tốt
Làm thế nào trở thành người cha, người mẹ tốt? Hai nguyên tắc then chốt để trở thành cha mẹ tốt là gì? Tiến sĩ Trần Ngạn Linh là chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong giáo dục và tâm lý sẽ hướng dẫn cho bạn hai nguyên tắc: một lớn và một nhỏ. Chính là đôi mắt phải mở lớn, đồng thời quan sát bắt đầu từ chỗ nhỏ nhất. Cô Trần có ba bằng thạc sĩ và một bằng tiến sĩ, cũng có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trong lâm sàng và giáo dục.
Tập trước chúng ta kể về một người mẹ có học vấn cao, phát hiện ra con trai ba tuổi của mình có một số vấn đề nhưng không biết phải làm thế nào. Khi vấn đề của đứa trẻ càng lúc càng biểu hiện ra rõ ràng, che giấu không được nữa thì mới tìm đến cô Trần.
Lý do đằng sau hành vi trốn tránh của một đứa trẻ
Người mẹ vừa đề cập phía trên có một nhận thức sai lầm. Cô ấy là một người mẹ bận rộn và hy vọng con mình có thể nhanh chóng theo kịp bước chân của mình, bởi vì cô ấy còn phải đi làm, còn rất nhiều công việc phải hoàn thành. Khi người mẹ trở nên vội vàng thì rất khó nhìn thấy sự phát triển từng bước từng bước mà đứa trẻ cần phải có.
Hơn nữa, cô ấy đã làm một tấm gương không tốt, đó chính là che giấu. Khi tôi nhìn thấy đứa trẻ này, ngôn ngữ cơ thể của đứa trẻ cho tôi biết rằng cậu bé đang che giấu rất nhiều sự việc và cả nỗi sợ hãi trong đó.
Khi một đứa trẻ sợ hãi, liệu đứa trẻ có kể với bạn những chuyện xảy ra ở trường học không? Bạn làm cách nào để giúp đỡ cháu?
Biểu đạt trên gương mặt của cậu bé cho thấy rõ trong nội tâm có một loại sợ hãi. Cậu bé đã là học sinh tiểu học lớp ba, nhưng khi hỏi tên thì chỉ trốn tránh mà không trả lời.
Tình huống của cậu bé là đã tích lũy từ rất lâu, chính là mỗi khi tên của mình xuất hiện thì đa phần không phải là chuyện tốt, cho nên cháu không muốn nói ra tên mình. Đứa trẻ này cũng không thích khi bạn gọi tên, bởi vì trong ấn tượng đã khắc sâu vào tâm trí cháu rằng, nếu như giáo viên gọi tên mình thì hầu như đều không phải chuyện tốt lành.
Làm người mẹ toàn thời gian thực ra là công việc lớn
Mẹ của đứa trẻ này cho rằng những người phụ nữ nội trợ toàn thời gian là những người không có học vấn. Vì vậy, đứa trẻ có thể từ trong lời nói và việc làm của người mẹ mà thường xuyên cảm nhận được một điều – đó chính là thông điệp “mẹ vì con mà hy sinh rất nhiều.”
Tôi nói với mẹ của đứa trẻ, thực ra tôi có rất nhiều cơ hội hỗ trợ một số công ty phỏng vấn tuyển dụng, tôi đã gặp rất nhiều người. Thành thật mà nói, nếu tôi tuyển dụng một người, tôi sẽ hy vọng cô ấy là người mẹ toàn thời gian cho đến lúc đứa trẻ lớn lên, cô ấy mới đi tìm công việc, tôi sẽ ưu tiên chọn những người như vậy vì 2 nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất là khả năng chịu khó.
Một người mẹ thì hai mươi bốn giờ đồng hồ không được nghỉ ngơi, đặc biệt là khi đứa trẻ còn nhỏ, khi trẻ đòi bú, khi trẻ sốt, bạn không thể nằm ở đó không làm gì. Nếu như bạn tin tưởng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất, vào nửa đêm khi con bạn khóc, người mẹ sẽ phải thức dậy cho con bú. Người mẹ được rèn luyện trong điều kiện như vậy suốt mấy năm ròng rã, chắc chắn sẽ có khả năng chịu khó.
Nguyên nhân thứ hai là khả năng quan sát tỉ mỉ
Nếu bạn muốn làm một người phụ nữ nội trợ tốt, là một người mẹ toàn thời gian tốt, bắt buộc phải có năng lực quan sát rất nhạy bén.
Lúc tôi có con, tôi đã xin nghỉ việc, đem sự nghiệp của mình cất trong tủ. Tôi hoàn toàn không lo lắng, nếu như tôi chăm sóc con ba năm và rèn luyện trong thời gian này, khi đi phỏng vấn tôi có thể nói rằng trong ba năm đó đã học được những loại kiến thức gì: thường thức pháp luật, kiến thức nhi khoa. Đồng thời nói với nhà tuyển dụng, tôi trở thành một người biết cách chăm sóc người khác tốt nhất, làm cách nào để tránh nguy hiểm, phòng tránh tai nạn, làm cách nào để giải quyết những tranh chấp, làm thế nào sắp xếp mối quan hệ giữa người với người. Những điều này đều là công việc mà người phụ nữ nội trợ phải làm, đặc biệt là người mẹ toàn thời gian.
Tôi có ba đứa con, đứa lớn nhất cũng đã tốt nghiệp đại học, đứa nhỏ nhất 13 tuổi, nhưng không vì vậy mà làm chậm trễ sự nghiệp của tôi, trong thời gian đó tôi đã thực hiện hơn 2000 buổi hội thảo.
Mẹ của đứa trẻ đó sau cùng đã cảm ơn tôi, cô ấy nói đã tìm thấy nút thắt của mình, biết được bản thân nên chăm sóc bọn trẻ như thế nào.
Đứa trẻ này sau đó đã nhận được giáo dục đặc biệt từ giáo viên, có thể có một tiến độ học tập không quá gấp gáp. Khi tâm của đứa trẻ ổn định trở lại, khi hiểu ra bản thân là bảo bối trong tâm của cha mẹ, chứ không phải gánh nặng, thì cậu bắt đầu có sự tự tin, việc học tập cũng từ từ theo kịp, và thực sự có thể kết bạn rồi. Tôi cảm thấy đây là một cái kết tốt đẹp.
Nguyên tắc giáo dục trẻ em một lớn và một nhỏ
Có hai nguyên tắc để làm người cha mẹ tốt, “một lớn một nhỏ”.
“Lớn” tức là đôi mắt phải mở rộng. Chúng ta nuôi dưỡng trẻ con, sau này đứa trẻ sẽ trở thành một phần tử của xã hội, chứ không phải là một đứa trẻ trong vòng tay của bạn. Đây chính là “lớn”, tấm lòng phải lớn, phải nhìn xa trông rộng.
Nguyên tắc thứ hai là “nhỏ”, tức là quan sát từ chỗ nhỏ nhất, vi tiểu nhất, cho dù toà nhà cao lớn đến đâu cũng phải bắt đầu từ nền móng. Chúng tôi có một bộ tiêu chuẩn khoa học, bộ tiêu chuẩn này đủ để giúp đỡ cha mẹ quan sát con mình một cách tỉ mỉ, bạn có muốn học không?
Hầu hết các sản phụ sau khi sinh sẽ ở trong bệnh viện khoảng bốn ngày, lúc đó hộ lý sẽ giúp đỡ bạn. Nhưng tôi phát hiện ra có một số người mẹ, người cha, đã lãng phí bốn ngày đó, thật đáng tiếc rồi! Họ cho rằng đó là những việc mà bệnh viện có trách nhiệm phải phục vụ tốt, nhân viên bệnh viện chăm sóc cho con của họ, vì vậy tận dụng thời gian đó để nghỉ ngơi. Điều này không sai.
Về mặt thể chất bạn có thể nghỉ ngơi, nhưng bạn phải nắm bắt cơ hội đó để học tập. Bởi vì những hộ lý này từng chăm sóc rất nhiều trẻ em khác nhau, người mẹ nên sử dụng thời gian này, vừa nằm nghỉ ngơi trên giường vừa học hỏi từ hộ lý. Đây là thái độ cơ bản để trở thành người cha mẹ tốt, đó là nắm bắt thời gian nhỏ để học những chuyện lớn, cũng là một lớn một nhỏ.
Chỉ tiêu phát triển của trẻ sơ sinh
Các chuyên gia nhi đồng và bác sĩ nhi khoa của Âu Mỹ đã trải qua mấy mươi năm nghiên cứu, nhận ra rằng trẻ con trong sáu tháng đầu nên đạt được những chỉ tiêu phát triển này.
Chỉ tiêu sinh lý của con khi đầy tháng:
- Bé trai cân nặng từ 3.09 – 6.33 kg, chiều cao từ 48.7 – 61.2 cm
- Bé gái cân nặng từ 2.98 – 6.05 kg, chiều cao từ 47.9 – 59.9 cm.
Chỉ tiêu phát triển tinh thần vận động của con khi đầy tháng:
- Nằm sấp ngẩng đầu lên có thể giữ được cằm rời khỏi giường 3 giây
- Có thể chú ý những vật chuyển động trước mắt: lúc khóc nghe thấy âm thanh thì im lặng. Ngoài khóc ra còn có thể phát ra những tiếng nói sơ khởi ư e
- Hai tay có thể giữ được cán bút
- Có thể mở miệng để bắt chước nói chuyện.
Hiện nay rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng bé gái có gương mặt trái xoan trông dễ nhìn hơn. Vì vậy thường cho trẻ nằm sấp, nhưng để đầu nghiêng qua bên trái hoặc bên phải.
Cho dù là ngủ nằm sấp hay là nằm ngửa, điều đầu tiên cần suy nghĩ là tư thế này có an toàn hay không. Nếu lực ở cơ cổ của bé chưa đủ, đầu không thể ngẩng lên được, nếu không may khí quản bị chèn ép sẽ không thể thở được. Thực tế đã xảy ra những sự việc đáng buồn như vậy dẫn đến trẻ sơ sinh bị chết ngạt.
Đó là lý do vì sao trong các chỉ tiêu phát triển, chỉ tiêu đầu tiên là kiểm tra xem trẻ có thể nằm sấp và ngẩng đầu hay không. Chúng ta nhất định phải lưu ý, nếu như trẻ chưa thể ngẩng đầu lên được, lực của cổ chưa đủ thì không được vội vàng để trẻ nằm sấp.
Lý Âu biên tập
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Hoa ngữ