Khóa học dành cho cha mẹ (P.51): Đặt tên cho con như thế nào? [3]
Bạn đã hỏi cha mẹ tại sao lại đặt cho bạn cái tên này chưa? Bạn đã nhận ra ý nghĩa được gửi gắm qua tên của mình chưa? Bạn có hạnh phúc 100% trong cuộc sống và công việc hiện tại không? Nếu bạn vui thì xin chúc mừng. Còn nếu bạn không vui thì hãy cùng lắng nghe những câu chuyện và ví dụ của cô Trần Ngạn Linh, để chúng ta một lần nữa tìm lại chính mình và tìm lại được niềm vui của mình nhé!
Nếu tên gọi không phù hợp với đặc điểm tính cách của bạn, sẽ giống như các bánh răng trong một cỗ máy không ăn khớp chặt chẽ với nhau, luôn có cảm giác lỏng lẻo. Có rất nhiều ví dụ về điều này.
Nhiều vấn đề xảy ra trong gia đình
Lúc đó, tôi đang làm việc trong một bệnh viện, viện trưởng (là một bác sĩ sản khoa) của chúng tôi nói rằng: “Ngày nay, trong gia đình xảy ra nhiều vấn đề. Cô Trần, cô có thể mở lớp được không?”. Tôi thấy điều đó rất tốt, bởi vì phòng khám giống như đang sửa lại chiếc lưới bị hỏng. Chúng tôi mở lớp học là phòng ngừa cho những chiếc lưới đó không bị rách, như vậy lợi ích thu được sẽ khá lớn. Vì chúng ta sẽ nói về gia đình, hãy bắt đầu với khóa học về mối quan hệ giữa nam và nữ.
Cho nên, chúng tôi đã từng mở khoá học trong bệnh viện với chủ đề kiểu “Tôi yêu bà mối”. Khóa học của chúng tôi không thu phí mà xin trợ cấp từ nhà nước. Điều này cũng cho thấy chính phủ Đài Loan rất coi trọng việc chăm sóc sức khỏe tâm lý của người dân. Mặc dù không thu phí, nhưng chúng tôi cũng có điều kiện cho người tham gia: Bạn không phải đến để tìm đối tượng, cũng không phải ở đây để tổ chức tiệc. Bạn đến đây để học, và bạn đến lớp học này vì có ý định muốn kết hôn, hoặc muốn hiểu ý nghĩa của hôn nhân.
Khi đó, có khá nhiều người đến đăng ký. Khi lớp học bắt đầu, đầu tiên tôi đưa cho mọi người một tờ giấy và yêu cầu mọi người vẽ một đường thẳng. Đường thẳng này được gọi là “đường sinh mệnh”. Đường thẳng này dài hay ngắn cũng được, tiếp đó hãy vẽ một hình tam giác bên dưới. Nếu bạn vẽ hình tam giác nằm ở cuối đường đó (ngoài cùng bên phải), hãy đến gặp tôi sau giờ học. Hình tam giác được đặt ở ngoài cùng bên trái cho thấy cuộc sống của người đó chỉ mới bắt đầu, người đó có rất nhiều kỳ vọng và nhiệt huyết với cuộc sống. Còn ở ngoài cùng bên phải, có nghĩa là người ấy nghĩ rằng cuộc sống của mình sắp kết thúc. Nếu đúng như vậy, thì người đó có vấn đề lớn và rất cần sự quan tâm của chúng ta.
Chỉ cần sống đến 60 tuổi
Lúc đó, có một người đã vẽ như vậy, nhưng sau nhiều buổi học, đến ngày cuối cùng, cô ấy nói: “Trước khi đến lớp, cuộc đời tôi chỉ mong sống đến 60 tuổi (cô ấy đã ngoài 40 tuổi rồi), nhưng bây giờ nếu có thể sống được bao lâu tôi sẽ sống đến bấy lâu.”
Vì yếu tố gia đình, khi ở nhà, cô ấy không nhìn thấy một ai hạnh phúc trong gia đình mình, môi trường xung quanh cũng chẳng có gì vui vẻ, cho nên cô ấy suy nghĩ như vậy.
Trong lòng cô ấy còn có một điều không vui nữa – giá trị của tên gọi rất khác so với những gì cô ấy thực sự mong muốn. Cô ấy muốn làm những điều gì đó dịu dàng nhẹ nhàng, nhưng có lẽ vì hoàn cảnh gia đình, cô ấy được giao gánh vác trách nhiệm tài chính của gia đình.
Có nhiều gia đình, nhất là con cả trong gia đình, không cần học quá cao, chỉ cần nhanh chóng đi làm kiếm tiền, bởi còn quá nhiều em trai, em gái cần họ giúp đỡ. Điều này cũng không phải là sai, chỉ là cô ấy quên đi những điều mình yêu thích, không nhìn thấy vẻ đẹp của sự vật, chỉ đắm chìm trong than thở mà thôi.
Ví dụ, cô ấy thích nghệ thuật, thì cũng không nhất thiết phải bỏ tiền ra để học vẽ, nhưng cô ấy có thể tìm thấy rất nhiều thứ đẹp đẽ trên đời ở bất kỳ góc nhỏ nào trên đường đi làm. Bởi vì cô không tháo được nút thắt đó, cảm xúc đó, không thể khai mở được trí huệ, nên không thể nhìn thấy những điều tốt đẹp, rồi nghĩ rằng mình đã phải chịu đựng công việc mấy chục năm rồi, cũng không cảm thấy vui vẻ chút nào.
Cần phải sống lâu hơn
Trong lớp, chúng tôi còn phát cho mỗi người một tờ giấy trắng để vẽ một chiếc hộp, chiếc hộp này sẽ chứa đựng những điều quý giá nhất trong cuộc đời bạn. Cô ấy vẽ những thứ rất mềm mại, rất nữ tính. Nhưng ngoại hình và mọi thứ của cô ấy đều không phù hợp với điều này. Bởi vì cô ấy đã được nuôi dưỡng với trách nhiệm mà gia đình giao phó trong mấy chục năm, cho nên cô là một người phụ nữ rất kiên cường, không có cơ hội để bày tỏ, thực hiện, tận hưởng. Do đó, cô ấy cảm thấy cuộc sống rất đau khổ.
Vì vậy, trong bài tập mỗi tuần, tôi sắp xếp để mỗi ngày cô ấy đều có cơ hội được tận hưởng, tiếp nhận, trải nghiệm, phát triển. Cứ như vậy mấy tháng trôi qua, cuối cùng cô ấy phát hiện, thật là tuyệt, hóa ra bản thân có thể thỏa mãn những mong muốn sâu sắc nhất trong nội tâm của mình mà không cần tốn bất kỳ khoản tiền nào. Loại hưởng thụ đẹp đẽ này mang đến tác dụng tịnh hóa thuần khiết cho thân thể và tâm hồn của cô ấy. Hơn nữa, sau đó cô ấy cũng bắt đầu phát hiện ra rằng, đóng góp thực sự của mình cho người khác không còn chỉ là tiền bạc, mà vì những thay đổi tinh tế trong sâu thẳm trái tim cô ấy, năng lượng này ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người khác. Cô ấy bắt đầu thấy rằng mình giống như một Thiên thần. Cô ấy có thể khiến bạn bè và gia đình xung quanh bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp của cô ấy và mỉm cười. Sức mạnh đó rất vi tế, nhưng lại vô cùng sâu sắc. Vẻ đẹp đó khiến cô ấy luyến tiếc, và không thể không sống lâu hơn.
Tên tự và tên hiệu của người xưa
Người dẫn chương trình: Nhưng có một vấn đề, cái tên này khi còn rất nhỏ là do cha mẹ chọn, cha mẹ không muốn hại con cái, chỉ là đặt hy vọng vào con, mong muốn con sau này lớn lên “kiến quốc”, hoặc là trở thành “thục nữ”. Vậy thì làm sao cha mẹ có thể biết được đặc điểm sinh mệnh của một đứa trẻ nhỏ bé như vậy?
Chúng ta nói từ hai phương diện, trước hết tôi xin ca ngợi người xưa. Người trong lịch sử ngoài tên gọi ra, người đó cũng có tên tự và tên hiệu, nó có tác dụng gì? Tên tự, tên hiệu này chính là trong cuộc sống đến lúc nào đó, khi tâm trí đạt được sự trưởng thành, họ nhận ra vị trí của bản thân, tìm được chí hướng trong cuộc sống thì họ tự đặt tên cho mình. Tôi cảm thấy thật tuyệt vời! Người xưa quả là tuyệt vời và khoa học ở điểm này!
Người dẫn chương trình: Tức là cha mẹ có kỳ vọng của cha mẹ, điều này cũng đúng. Khi bạn tìm thấy những mục tiêu và nguyện vọng khác nhau trong tương lai, bạn có thể chọn một tên hiệu, tên biệt danh cho mình.
Ngay cả sau khi trẻ nhập học, sau khi giáo viên phát hiện ra đặc điểm của trẻ, họ đặc biệt đặt cho trẻ một cái tên khác. Vì vậy, tôi cho rằng phương pháp giáo dục này của người xưa thật sự rất tuyệt vời.
Bây giờ chúng ta trong cuộc sống, công việc hay gia đình, thực tế bạn có thể nói với nửa kia của mình, “Tôi nghĩ có một cái tên phù hợp với tôi, mặc dù nó không phải là tên trên giấy tờ, nhưng chúng ta có thể gọi nhau một cách riêng tư như vậy.”
Một điểm nữa là trẻ trong giai đoạn từ 0-1 tháng tuổi, ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ có những phát triển về thể chất và tương tác trong các mối quan hệ phù hợp ở giai đoạn đó. Mỗi trẻ em đều không giống nhau. Tuy là cùng một giai đoạn (thời gian 30 ngày), nhưng đều có tiêu chuẩn chính phụ. Nếu đứa trẻ tiến bộ về mặt vận động cơ và vận động thần kinh, thì bạn có thể biết đứa trẻ này phù hợp với nghề gì; Nếu đứa trẻ có sự tương tác với mọi người rất hoàn chỉnh rõ ràng và vượt trên mong đợi, thì bạn có thể biết rằng tương lai trẻ sẽ làm công việc liên quan đến giao tiếp, rất có khả năng là như thế. Thật ra ngay từ khi trẻ còn nhỏ là đã có thể nhìn ra lớn lên sẽ như thế nào, cũng có thể đoán ra được lúc về già sẽ ra sao.
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 51
Lý Âu biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ