Khóa học dành cho cha mẹ (P.45): Giúp trẻ tìm thấy giá trị tồn tại của bản thân [2]
Lần trước tôi đã nói về cách hướng dẫn trẻ em nhận biết giá trị sự tồn tại của bản thân mình trong lớp học. Vậy cha mẹ phải làm như thế nào trong gia đình?
Đặc biệt, có nhiều gia đình chỉ có một người con, thế nhưng cha mẹ, ông bà hai bên – tổng cộng có 6 người lớn xung quanh, mà vẫn không thể ứng phó với một cháu bé. Vậy lúc này làm sao để đứa trẻ hiểu được giá trị sự tồn tại của bản thân?
Tất cả mọi việc đều có tiến và thoái
Bởi vì tỷ lệ sinh ngày càng giảm, trong các gia đình thường là nhiều người lớn vây quanh một cháu bé, vậy nên cảm giác tồn tại của đứa trẻ đã rất đủ đầy. Nhưng tại sao trẻ vẫn không hài lòng, ném vứt đồ chơi và tỏ ra nóng nảy? Bởi vì chúng tôi đã từng nói rằng: “Hạnh phúc đến từ việc giúp đỡ người khác”. Theo góc độ cơ chế sinh lý, cơ thể phải có trong và ngoài (In and Out). Nếu ăn vào sẽ cần phải đào thải ra ngoài, không thì cơ thể sẽ tăng cân.
Đó là do trong cơ thể có quá trình chuyển hóa, nếu bạn chỉ một mực “cho đi” một chiều mà con trẻ không “xuất ra”, vậy thì cháu bé sẽ không thấy mình quan trọng, và không biết giá trị sự tồn tại của bản thân. Khi đó trẻ sẽ thể hiện đủ mọi hành vi mất trật tự, thậm chí là hành vi bạo lực. Đây là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rằng: trẻ em cần phải báo đáp và tri ân.
Một cháu bé trước 6 tuổi về cơ bản là đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của riêng mình. Thế giới được gọi là tưởng tượng này chính là mọi thứ đều có sinh mệnh và có thể nói chuyện với cháu. Đây là hiện tượng rất phổ biến, người lớn đừng nghĩ con mình kỳ lạ. Vì vậy, bạn cũng đừng cảm thấy ngại khi tương tác với con về vấn đề này. Hơn nữa, làm như vậy có thể nhanh chóng nắm bắt được sự câu thông tâm linh giữa bạn và con.
Thấu hiểu thế giới của trẻ em
Ví dụ, nếu một cháu bé 3 tuổi được bao quanh bởi 6 người lớn, cháu sẽ không thiếu đồ chơi, mọi người sẽ nuông chiều cháu, thậm chí đứa trẻ sẽ có một ngôi nhà đầy đồ chơi, một cái lều nhỏ, v.v. Các con của tôi cũng có những thứ này, nhưng tôi chưa bao giờ tiêu tiền để mua chúng, tôi chỉ cho con một cái chăn và một cái hộp các tông để cháu tự mình sáng tạo ra đồ chơi. Tôi thường nói với con: “Con đang tạo ra thứ mà tiền không mua được, có nhiều tiền hơn nữa cũng không mua được thứ này”. Vì vậy, tôi luôn khuyến khích trẻ không mua đồ chơi làm sẵn mà hãy tạo ra chúng. Hơn nữa, một tấm chăn không chỉ có thể biến đổi hình dạng mà còn có thể được tái sử dụng, đó là một cách tốt để dạy trẻ về các giá trị quan.
Bên cạnh đó, dù món đồ chơi là cái lều hay một con búp bê, mỗi món đồ chơi đều có tên và có thể nói chuyện với nhau. Chúng cũng giống như chúng ta, đều có những nhu cầu sinh hoạt và nghỉ ngơi thường ngày, chẳng hạn như ăn uống và tắm rửa. Có nghĩa là, chúng ta yêu cầu trẻ có thói quen hàng ngày, để trẻ tương tác và thực hành với đồ chơi của mình, có nghĩa là trẻ cần phải chăm sóc đồ chơi. Trẻ em giống như người chăm sóc đồ chơi, nấu ăn, tắm cho chúng, thậm chí dỗ dành khi chúng khóc… Đây chính là sự cống hiến nho nhỏ của trẻ. Trẻ em được dạy dỗ như thế chắc chắn không phải là đứa trẻ không hiểu chuyện như bạn tưởng tượng.
Ví dụ, trước đây có một cậu bé bướng bỉnh không chịu cất giày, cho dù cha cậu nói như thế nào. Lúc này, người lớn có thể nói: Hôm đó bố không vui lắm khi nhìn thấy chú chó con (đồ chơi của trẻ) ném giày lung tung. Nên bố nghĩ chúng ta đã làm thiếu một việc nho nhỏ. Để đề phòng hôm nay đi học về chú cún lại ném giày lung tung, chúng ta sẽ dạy nó cách làm… Bố có thể chơi một trò chơi tình huống với trẻ, và trẻ sẽ cảm thấy rằng mình được giao trách nhiệm, phải chăm sóc thật tốt chú cún cưng.
Mọi người đều có phần thưởng
Trên thực tế, khi dạy trẻ, chúng tôi thường trao phần thưởng cho các cháu, dù trẻ có nhỏ đến đâu. Ví dụ, trước đây tôi từng làm việc trong một trường học, tôi dạy phụ huynh và giáo viên một buổi mỗi tuần trong một thời gian dài. Có một lần, hiệu trưởng tổ chức một cuộc thi để phụ huynh và trẻ em cùng nhau làm mô hình, lúc này một số phụ huynh đã đề nghị cô Trần làm giám khảo. Tôi nói tất nhiên là tôi sẽ làm, nhưng tôi có điều kiện.
Lúc đó tôi thầm nghĩ: Mình may mắn hơn rất nhiều người, mình đã sống ở Mỹ quốc nhiều năm, hơn nữa thực sự đã nhận được một nền giáo dục tốt như vậy. Đây là lý do tại sao tôi muốn trở về Đài Loan để đóng góp những gì mà tôi đã học. Nhưng mọi thứ làm trong năm đầu tiên sẽ rất khó, không có quy tắc, không có tài liệu tham khảo, rất dễ bị phê bình.
Vì vậy, trong cuộc thi này, thứ nhất tôi biết sẽ có nhiều điều khó khăn trong lần đầu tiên thực hiện, đặc biệt là trong việc xét duyệt, có các giáo viên mỹ thuật từ các trường đại học bên ngoài và trong trường v.v. Cho nên, tôi đã nói với hiệu trưởng rằng: Tôi có một phương pháp khác để đánh giá. Nhưng tôi không lấy phí đánh giá, tôi sẽ dùng một phương pháp đặc biệt để đánh giá, cho dù người khác có ý kiến thì họ cũng không quá xấu hổ khi nghe lời nhận xét của tôi.
Thứ hai, tôi cũng hỏi hiệu trưởng tổng cộng có bao nhiêu tác phẩm? Hiệu trưởng nói có hơn 100 tác phẩm. Thế nên, tôi yêu cầu mỗi tác phẩm phải được nhận một giấy khen, hơn nữa tôi sẽ ghi lý do khen thưởng và tên của tất cả các giải thưởng, không cái nào giống nhau. Hiệu trưởng rất tiếp thu và cảm động, nhưng cuối cùng tôi vẫn cần nhờ hiệu trưởng tìm người đánh máy, vì lúc đó tôi đánh máy tiếng Trung quá chậm.
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 45
Lý Âu biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ